Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt NamĐại tướng dặn: Không được bỏ qua kiến thức lịch sử

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba, người Anh Cả của LLVT nhân dân. Tháng 5-2005, tôi có vinh dự được đến báo cáo và xin ý kiến của Đại tướng tại khu biệt thự Hồ Tây về nội dung tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị giai đoạn 1975-2005. Lúc đó, Đại tướng đã 95 tuổi nhưng đôi mắt ông vẫn rất tinh anh và trí nhớ của ông thì thật tuyệt vời. Ông nghe tôi báo cáo một cách chăm chú rồi cho những lời chỉ dẫn rất sâu sắc về vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị; vai trò của chính ủy, chính trị viên. Rồi ông nhắc nhở không bao giờ được buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng với LLVT nói chung, với Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, phải hết sức coi trọng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội.

leftcenterrightdel
Trung tướng Phùng Khắc Đăng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: HỮU THUẬN

Trước đó, hồi tháng 10-1994, với chức trách là Phó tư lệnh chính trị Quân khu 1, tôi được tháp tùng Đại tướng tới địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ở Nguyên Bình, Cao Bằng. Đây là dịp may hiếm có với tôi, nên tôi tranh thủ mạnh dạn xin phép hỏi Đại tướng những kỷ niệm về Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, về trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, về xây dựng an toàn khu, về lý do lựa chọn sở chỉ huy của Bộ Tổng chỉ huy tối cao. Đại tướng nói: “Cậu là Chính ủy Quân khu mà ham hiểu biết về lịch sử nói chung và lịch sử trên địa bàn quân khu quản lý là rất tốt. Người cán bộ chính trị phải am hiểu kiến thức quân sự nhưng không được bỏ qua kiến thức lịch sử”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Giấy thông hành” của dân tộc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “vị tướng huyền thoại”. Tôi gọi như vậy dù biết ông không muốn như vậy. Đã có cuốn sách viết về ông lấy cái tên ngược lại: “Không phải huyền thoại”. Ông muốn mình là con người bình thường để có thể dễ dàng hòa nhập vào biển người lam lũ, cần lao chăng? Nhưng dù có ở giữa đám đông, hòa vào đám đông thì ông vẫn có một vẻ đẹp, một giá trị không thể trộn lẫn. Nhà thơ Daghextan nổi tiếng thế giới Rasul Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi anh đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người thế nào, anh có thể chìa chứng minh thư, tấm hộ chiếu ra. Còn nếu có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc ấy cũng cần phải đưa ra “giấy tờ” của mình. Đó là các nhà bác học, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà hoạt động chính trị hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.

Có lẽ vì thế chăng, mà có lần tham gia trong đoàn Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới, tôi ngạc nhiên khi đoàn ta vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt: “Hồ Chí Minh-Giáp, Giáp!”. Tôi lần hỏi mới hay họ hô vang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với nhiều nước trên thế giới, cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam. Vị tướng huyền thoại ấy đã trở thành một “giấy thông hành” để dân tộc ta hội nhập và phát triển.

GS, TS Trình Quang Phú: Người nâng sức tác phẩm của tôi

Năm 2002, tôi báo cáo với Đại tướng về tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” do tôi biên soạn từ hàng trăm tác phẩm viết về Bác. Ông cho rằng, cách làm này là sáng tạo: “Một người không thể nhìn thấy và viết đủ về Bác Hồ được. Tuyển từ nhiều người để nối lại thành cuộc đời Bác Hồ là cách làm thông minh”. Hôm ông tặng tôi mấy tác phẩm viết về Bác, nghe tôi thưa cuốn “Đường Bác Hồ đi cứu nước” chuẩn bị in lần thứ 5, Đại tướng hứa sẽ có vài lời.

Mấy ngày sau, Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý của ông, chuyển cho tôi mấy lời của Đại tướng: “Tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” là một công trình sưu tập, biên soạn công phu. Tôi hoan nghênh Tiến sĩ Trình Quang Phú đã có nhiều cố gắng tuyển chọn và biên soạn thành công tác phẩm này. Tôi rất vui được biết tác phẩm đã tái bản lần thứ 4 và mong quyển sách “Đường Bác Hồ đi cứu nước” sẽ góp thêm với bạn đọc, nhất là các bạn trẻ những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội, mùa thu 2002. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Bút tích này, Nhà xuất bản Thanh Niên in trang trọng ở trang đầu của tác phẩm. Đến nay, sách đã in đến lần thứ 10 vẫn luôn in lời của Đại tướng. Tôi cảm ơn ông đã nâng sức tác phẩm, tôi coi đó là tình cảm thiêng liêng mà ông đã dành cho sự nghiệp văn chương của tôi.

GS, Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh:  Góp vào nghị quyết về văn hóa...

Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai ai cũng nhớ đến một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách minh triết. Những phẩm chất hiếm thấy đó làm người đời nhớ đến khái niệm “tứ giáo” khi bàn về học vấn và đạo lý của thầy Khổng Tử ghi lại trong Luận ngữ: Văn, Hạnh, Trung, Tín.

Vào những năm 1997-1998, tôi tham gia soạn dự thảo văn kiện Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Đảng khóa VIII nội dung: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong chuyến đi khảo sát tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ăn nghỉ ở Nhà khách T78. Một buổi sáng mùa thu, đang đi tập thể dục thì tôi gặp Đại tướng trong bộ thể thao màu xám đang vận động. Dịp may hiếm có, tôi đánh bạo đến chào và xin ý kiến về văn kiện mà chúng tôi đang soạn dự thảo. Đại tướng nói: “Đặt vấn đề văn hóa của Bộ Chính trị lần này là trúng. Theo hiểu biết của tôi, khi chưa có thuật ngữ văn hóa thì ở phương Tây đã có thuật ngữ văn minh. Trong lịch sử ở ta và nước ngoài đều có những định nghĩa khác nhau về văn hóa (có đến mấy trăm định nghĩa). Lần này, Trung ương chỉ triển khai theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là phù hợp với sự phát triển tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Cái trúng thứ hai là Trung ương đã tập hợp được một đội ngũ các nhà văn hóa, nhà văn nổi tiếng, nhà khoa học xã hội và nhà giáo có uy tín để khai thác trí tuệ, chính kiến của họ cho văn bản của nghị quyết tầm cỡ này. Có thể còn có ý kiến khác nhau, nhưng không sợ tranh luận, vì như người Pháp nói, “tranh luận tìm ra chân lý”... Trước đây, khi ra nghị quyết, Bác Hồ thường chú ý đến vai trò con người, văn hóa của con người “cổ lai quốc dĩ dân vi bản”.

Vốn tri thức của Đại tướng rất rộng, mà đức hạnh hàng đầu của người cộng sản đó là nhân cách văn hóa, ý thức tổ chức cao, ý thức kỷ luật nghiêm minh với Đảng, với dân, với quân đội.

PGS, TS Nguyễn Hữu SơnNhà văn hóa quân sự biển, đảo

Chúng tôi đã nghiên cứu tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhan đề “Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển”. Một tác phẩm chỉ 40 trang do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn bản từ năm 1972. Công trình đúc kết sâu sắc về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của Đại tướng gồm ba phần: 1. Những bước phát triển thắng lợi của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển. 2. Hải quân là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển. 3. Ra sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, góp phần đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cảm nhận, đo lường và xác định đầy đủ chiều sâu văn hóa quân sự biển, đảo. Trên tinh thần chung, đó là văn hóa quân sự biển, đảo vì con người, được xác lập trên bản lĩnh, sức mạnh của chiến sĩ hải quân và nhân dân các vùng biển, đảo, sông biển và duyên hải; sự gắn kết quân dân và nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng, gắn kết với chiến lược kinh tế biển bền vững. Đặc tính văn hóa quân sự biển, đảo trong chuyên đề “Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển” giữa những ngày chiến tranh ác liệt cũng như toàn bộ giá trị tinh thần văn hóa quân sự biển, đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa quân sự Việt Nam và có ý nghĩa sâu sắc cho nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.

Họa sĩ Lê Trí Dũng: Ông là người thích hội họa

Vào cuối năm 1994, cuộc triển lãm hội họa mang tên “Cái nhìn từ hai phía” hội tụ 40 họa sĩ cựu chiến binh hai nước Việt Nam và Mỹ. Sau khi chu du vòng quanh nước Mỹ, gặt hái được nhiều tiếng vang thì lễ bế mạc được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Vài hôm sau buổi lễ, tôi được ban tổ chức mời đến để cùng tiếp một khách mời đặc biệt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hơn nửa giờ đồng hồ, ông xem kỹ từng bức một, thỉnh thoảng trao đổi đôi lời với chúng tôi. Ông dừng lâu trước bức “Chân dung Bác Hồ” gắn bằng những con tem thư của họa sĩ cựu binh Mỹ David Thomas và bức tranh “Cánh rừng dioxin” của tôi. Tôi biết, Hà Nội mỗi tuần có một cuộc triển lãm, việc Đại tướng đến thăm hội họa của những người lính cũ hai bên cuộc chiến mà “hơi bom còn nóng hổi” thì không phải điều đơn giản. Ông thích hội họa, am hiểu văn, sử, khoa học và còn là một người chơi piano cừ khôi. Thế giới cũng ít có nhân vật nổi tiếng văn võ song toàn như thế!

NGUYỄN HỒNG (lược thuật)