QĐND - Tháng 12-1989, chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam Báo QĐND tổ chức cuộc triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” tại Viện Bảo tàng Quân đội-nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tại Hà Nội. Hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem, tôi được phân công trực tiếp hướng dẫn và giới thiệu với Đại tướng nội dung triển lãm. Đến phòng trưng bày nào Đại tướng cũng xem rất chăm chú từng bức ảnh và cả chú thích. Nét mặt Đại tướng tỏ vẻ hài lòng. Chợt Đại tướng nhìn sang tôi đứng cạnh, rồi hỏi:

 

- Đồng chí Tổng biên tập quê ở đâu?

Tôi đứng nghiêm, nhìn thẳng vào Đại tướng, trả lời:

- Thưa Đại tướng! Tôi quê ở Lý Hòa, xã Hải Trạch…

Tôi nói chưa dứt lời, Đại tướng nở nụ cười và nói ngay:

- Lý Hòa ở đó có bãi tắm Đá Nhảy rất đẹp! Mùa hè nước trong xanh, mát lạnh, cát trắng mịn…

Ngừng lại giây lát, như suy nghĩ một điều gì đó, rồi Đại tướng nói tiếp: “Xưa kia, trên con đường thiên lý Bắc-Nam, đoạn đi qua đèo Lý Hòa khúc khuỷu quanh co, núi lấn ra biển, sóng biển vỗ vào vách đá, bọt nước trắng xóa, người ta có cảm tưởng như đá nhảy. Thời niên thiếu, Bác Hồ của chúng ta theo gia đình vào Huế, đã qua đèo Lý Hòa. Ấn tượng về đèo Lý Hòa - Đá Nhảy đã ghi vào trí nhớ của Bác. Mãi đến tháng 6-1957, Bác về thăm Quảng Bình, Người nhắc lại một vế câu đối của một vị tiền nhân “Bò đi Đá Nhảy”.

Đại tướng quay sang nắm tay tôi: “Nào các nhà báo, chụp một kiểu ảnh kỷ niệm với người chiến sĩ hôm nay của Lý Hòa!”. Khoảnh khắc có một không hai ấy đối với cuộc đời chiến sĩ-nhà báo của tôi, đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên Trần Hồng của Báo QĐND ghi vào ống kính một cách ngoạn mục. Đây là một buổi chiều cuối năm khó quên trong cuộc đời tôi. Niềm vui ấy, tôi muốn chia sẻ ngay với nhân dân làng Lý Hòa, xã Hải Trạch quê tôi. Năm ấy, để tri ân quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn và góp phần xây dựng quê hương, gia đình anh Phan Hải và chị Phạm Thị Dung-những đứa con của quê hương Lý Hòa đang ngụ cư ở TP Hồ Chí Minh đã dành một số tiền lớn từ công sức của mình trong quá trình công tác, để tài trợ xây một số công trình dân sinh, trong đó có công trình “Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch”. Công trình được xây dựng ngay đầu xã, trong khu vực hành chính, trường học, trạm xá của xã. Đây là một điểm nhấn, gây ấn tượng sâu sắc đối với dân làng và khách thập phương mỗi khi đi qua Lý Hòa. Đây còn là một địa chỉ văn hóa tâm linh, một nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Là một người con xa quê hương hơn nửa đời người, với tôi đây là một dịp tốt để tôi có thể làm được một việc gì đó dù là nhỏ bé để góp phần làm phong phú, sinh động và có ý nghĩa của Nhà truyền thống làng Lý Hòa. Cùng với việc nhớ lại trong ký ức, tìm xem có những hiện vật gì có giá trị, có ý nghĩa trong cuộc đời chiến đấu, công tác của mình, tôi nghĩ ngay đến việc xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp một bức chân dung có bút tích của Đại tướng để đặt ở vị trí trang trọng của Nhà truyền thống. Tôi tin Đại tướng sẽ chấp thuận, bởi sinh thời, Đại tướng đã biết đến làng Lý Hòa, đã đi qua làng Lý Hòa thân yêu của chúng tôi.

Sáng hôm sau, tôi đến Văn phòng của Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu, gặp Đại tá Nguyễn Huyên, người thư ký lâu năm, thân cận của Đại tướng để trình bày nguyện vọng của tôi với Đại tá Nguyễn Huyên. Là người giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp lâu năm, vốn cẩn thận, giải quyết công việc thấu tình, đạt lý, Đại tá Nguyễn Huyên hỏi tôi:

- Việc này có ý nghĩa như thế nào?

Tôi nói một cách rành rẽ:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người huyền thoại của Đất mẹ Quảng Bình, một vị tướng kiệt xuất không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của cả thế giới trong mọi thế kỷ, một vị tướng văn-võ song toàn. Một con người như thế, chân dung được đặt ở vị trí trang trọng của một nhà truyền thống cấp xã, cấp huyện hay bảo tàng cấp tỉnh, quốc gia… đều rất xứng đáng. Nếu được, sẽ là một niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch và nhân dân cảm thấy Đại tướng luôn ở bên mình, gần gũi nhân dân và càng phải học tập đức tin của Đại tướng… Chân dung của Đại tướng có bút tích của Đại tướng sẽ làm cho Nhà truyền thống càng có ý nghĩa, “sang trọng” hơn.

- Anh có thể nói một cách tóm tắt những nét, thành tích nổi bật của quê anh, để có điều kiện tôi sẽ trình bày với Đại tướng. Anh Huyên nói.

Tôi như được mở lòng tâm sự với anh Huyên.

- Làng Lý Hòa quê tôi là một làng ven biển của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dân sống chủ yếu bằng nghề biển và thương mại nên đã tạo nên một cốt cách cần cù, năng động, ngay thẳng và gan dạ, luôn tiếp thu cái mới. Một vùng quê có truyền thống hiếu học. Thời Triều Nguyễn, làng có 5 vị tiến sĩ. Ngày nay, Lý Hòa đã cung cấp cho cách mạng hàng trăm cán bộ, công chức có trình độ đại học. Trong số đó có những người là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư; có những người giữ trọng trách cao, như: Phó chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Thứ trưởng… Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch một lòng tin Đảng, theo Đảng, có truyền thống yêu nước nồng nàn, cách mạng kiên cường. Bác Nguyễn Duy Phương-người con yêu quý của làng Lý Hòa, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số thanh niên học sinh yêu nước được giác ngộ cách mạng nên được kết nạp vào Mặt trận Việt Minh. Họ trở thành cán bộ nòng cốt của cuộc giành chính quyền năm 1945 ở xã và huyện, như các bác:  Phan Khắc Diến, Hồ Đoan (liệt sĩ), Đặng Gia Hy, Đặng Gia Tất, Nguyễn Duy Sò (liệt sĩ), Phạm Đá, Hoàng Đống (liệt sĩ), Phạm Bá, Hồ Khang, Nguyễn Duy Châu, … Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Quý Hòa là Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hải Trạch, được thành lập từ năm 1946 giữa vùng tạm chiến, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và ngụy quyền tay sai. Làng Lý Hòa có nhiều bác như: Đặng Gia Hy, Phan Khắc Diến, Đặng Tuấn, Nguyễn Duy Châu, Nguyễn Duy Phương, Phan Đàn, Hồ Hậu, Phan Khắc Huyến… được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, có đến gần 2000 con em làng Lý Hòa tham gia Lực lượng vũ trang nhân dân, trong số đó có 211 là liệt sĩ, 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đại tá Hồ Thanh Tâm, được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân. Hai người được phong hàm cấp tướng. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch được phong tặng danh hiệu cao quý-Anh hùng LLVT nhân dân.

Nói xong, tôi đưa cho anh Huyên 4 bức ảnh chân dung của Đại tướng do Đại tá Trần Hồng-nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên Báo QĐND chụp, chuyển đến Đại tướng lựa chọn bức ảnh nào ưng ý nhất. Tiễn tôi ra về, anh Huyên nói:

- Nếu có điều kiện, anh trình bày trực tiếp với Đại tướng thì tốt hơn.

Thật là một dịp may hiếm có đến với tôi: Sáng 22-8-2008, nhân dịp ngày sinh lần thứ 97 của Đại tướng (25-08-1911 / 25-08-2008), đoàn đại biểu đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội đến chúc thọ Đại tướng. Bao giờ cũng vậy, Đại tướng và Phu nhân ưu tiên và dành nhiều thời gian cho đoàn đồng hương Quảng Bình. Sau lời chúc thọ Đại tướng của đồng chí Trưởng ban liên lạc đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội, cả đoàn quây quần bên Đại  tướng và Phu nhân, chăm chú lắng nghe Đại tướng căn dặn. Sau đó, Đại tướng cho phép chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng và Phu nhân. Đoàn bước ra khỏi phòng khách, tôi đứng lại sau cùng và xin phép được gặp Đại tướng. Thấy tôi đứng nghiêm, Đại tướng hỏi:

- Đồng hương có chuyện gì muốn trình bày à?

- Thưa Đại tướng và Phu nhân! Làng Lý Hòa, xã Hải Trạch vừa hoàn thành công trình “Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống” khang trang và tôn nghiêm. Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch có nguyện vọng tha thiết muốn xin một bức ảnh chân dung có bút tích của Đại tướng để đặt vào vị trí trang trọng của Nhà truyền thống.

Tôi nói một cách mạch lạc và ngắn gọn. Đại tướng không trả lời ngay nguyện vọng của tôi, Đại tướng cho phép tôi ngồi xuống, nhìn tôi, nở nụ cười và nói:

- Làng Lý Hòa là một vùng biển, có truyền thống hiếu học. Nhân dân cần cù, năng động và có truyền thống cách mạng. Trong số nhiều thanh niên làng Lý Hòa yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, có đồng chí Đặng Gia Tất trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng ở cơ sở rồi lên huyện, đến tỉnh, sau được điều ra công tác tại Trung ương. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng chí Tất được Trung ương điều về làm Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Trong chống Mỹ, cầu Lý Hòa và đèo Lý Hòa là trọng điểm đánh phá khốc liệt của không quân và hải quân Mỹ nhằm cắt đứt đường giao thông của ta. Cùng với quân và dân Quảng Bình, ở Lý Hòa, các xã lân cận đã thực hiện khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc/ Đường chưa thông, không tiếc máu xương”, đồng bào đã dỡ nhà của mình lát đường, bắc cầu cho xe ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngư dân và dân quân bám biển vừa sản xuất, vừa bắn máy bay, tàu chiến của Mỹ, thật là những con người dũng cảm.

Nghe Đại tướng nói, tôi muốn ôm chầm lấy Đại tướng để cảm ơn. Vừa lúc đó, Đoàn đại biểu Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, đã bước vào mừng thọ Đại tướng. Tôi đứng dậy, chào Đại tướng và Phu nhân, bước ra cửa. Lòng tôi lâng lâng, thật là một niềm vui khó tả.

Mấy ngày sau, Đại tá Nguyễn Huyên điện cho tôi sang 30 Hoàng Diệu nhận quà. Vừa thấy tôi bước vào phòng, anh Huyên đứng dậy bắt tay tôi và cười rất tươi:

- Thế là anh đã toại nguyện rồi đấy!

Tôi vừa cảm ơn anh Huyên, vừa rút bức ảnh từ trong phong bì ra. Ảnh chân dung Đại tướng không phải tôi chọn, mà một bức chính tay Đại tướng chọn. Hình ảnh Đại tướng ngồi hiền hậu, bình dị, trong quân phục mùa hè, vầng trán rộng, tóc bạc phơ, những chấm đồi mồi dấu hiệu của tuổi già hiện lên dưới đuôi mắt phải. Miệng Đại tướng cười, như muốn nói một điều gì đó; tay phải giơ lên khỏi bàn, ngón tay trỏ chỉ về phía trước như chào mọi người. Mắt Đại tướng nhìn thẳng, xa xăm vào không gian. Dưới góc trái bức ảnh, Đại tướng ghi “Tặng xã Hải Trạch anh hùng- 8/2008 - Võ Nguyên Giáp-2008”.

Nhìn bức ảnh chân dung và bút tích của Đại tướng tặng Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch, lòng tôi rạo rực, sung sướng đến rơi nước mắt, tôi đứng ngây người.

Tại lễ khánh thành “Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch”, bức chân dung của Đại tướng có bút tích của Đại tướng được đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy trân trọng trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch. Bức chân dung Đại tướng phóng to, đặt trong khung rất trang trọng, đồng chí Bí thư Huyện ủy và đại diện xã Hải Trạch nâng cao giữa bầu trời lộng gió để mọi người cùng nhìn rõ Đại tướng. Tiếng quân nhạc nổi lên hùng tráng, tiếng vỗ tay kéo dài hòa cùng tiếng trầm trồ khen ngợi của quần chúng vang xa.

Tròn 5 năm sau ngày Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch đón bức chân dung của Đại tướng với bút tích “Tặng xã Hải Trạch anh hùng”, một ngày đầu Thu 2013, nhân dân làng Lý Hòa, từ người cao tuổi nhất đến các cháu thiếu niên, nhi đồng y phục chỉnh tề của ngày quốc tang, tay cầm cờ tang hoặc một đóa hoa cúc vàng rực tươi rói, tay cầm ảnh cố Đại tướng, ra đứng kín dọc đường Quốc lộ 1A để đón Đại tướng về an giấc ngàn Thu tại quê nhà. Khi chiếc xe chở linh cữu Đại tướng đi qua địa phận làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, mọi người như muốn ùa ra đường để được tận tay đặt lên linh cữu của Đại tướng. Nhưng trong giây phút, mọi người trấn tĩnh, kéo nhau giữ trật tự, lặng im. Linh cữu của Đại tướng và đoàn xe lễ tang Đại tướng đi qua trong tiếng nấc nghẹn ngào của nhân dân. Mọi người đứng lặng, dõi theo đoàn xe chở Linh cữu Đại tướng đang từ từ hướng ra Vũng Chùa- Đảo Yến…

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần đi qua địa phận làng Lý Hòa, xã Hải Trạch. Giờ đây, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch kính cẩn nghiêng mình, tiễn đưa Đại tướng về cõi vĩnh hằng. Kể từ hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình, trong đó có Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch-được vinh dự, may mắn thay mặt đồng bào và chiến sĩ cả nước có điều kiện gần gũi Đại tướng hơn, chăm sóc Đại tướng và canh cho giấc ngủ Đại tướng an lành. Trong giờ phút thiêng liêng này, mọi người siết chặt hàng ngũ, cùng hướng về Biển Đông-nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn trước khi quy tiên… 

Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI (nguyên TBT Báo QĐND)

Hà Nội-Quảng Bình, nhân giỗ đầu Đại tướng