Đấy là trái tim Anh Văn!
Trong giới sử gia quân sự thế giới, vẫn có một số nhà bình luận luôn tìm cách làm lu mờ tài thao lược và tư tưởng nhân nghĩa của Võ Nguyên Giáp. Họ thường lấy dẫn chứng về những tổn thất to lớn của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến để chứng minh rằng, Võ Nguyên Giáp là vị tướng luôn “chiến thắng bằng mọi giá”...
Những bình luận đầy thiên kiến đó đã bị các tướng lĩnh dưới quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp bác bỏ một cách xác đáng. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo khi trả lời phỏng vấn Báo Quốc tế tháng 8-2001 khẳng định: “Tổng Tư lệnh không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả bằng bất kỳ giá nào về xương máu chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Không bao giờ, không bao giờ Tổng Tư lệnh chấp nhận như vậy. Tất cả xuất phát từ trái tim của Anh. Đó là cách đánh, cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”.
|
|
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu |
Cũng tháng 8-2001, trên Tạp chí Xưa và nay, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã làm rõ hơn quan điểm này: “Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ nhân danh việc thực hành quan điểm cách mạng tiến công để đưa ra những mệnh lệnh chủ quan, gây nên thương vong nghiêm trọng và vô lý cho các đơn vị, nhất là cho các sư đoàn.
Những đòn tấn công vừa táo bạo, vừa cẩn trọng của Tổng Tư lệnh chẳng những gây khiếp sợ cho quân địch mà còn bảo toàn được chủ lực và tính mạng của tướng sĩ với tỷ lệ cao. Đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn ý thức rất sâu sắc: Người chỉ huy các cấp nói chung, nhất là Tổng Tư lệnh, phải có trách nhiệm đối với từng vết thương, từng giọt máu của mỗi người lính. Tôi biết rõ Tổng Tư lệnh đã nhiều đêm thao thức, nước mắt ướt đầm, vì được tin một chiến dịch nào đó máu chiến sĩ đổ quá nhiều mà chiến thắng thì chưa tương xứng. Đấy là trái tim Anh Văn! Đấy là cách đánh và cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể rằng, đầu năm 1973, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi thăm cụm trọng điểm ATP trên đường chiến lược Hồ Chí Minh. Đại tướng đã hỏi tường tận về tình hình vận chuyển trên đường, hoạt động của không quân địch, về thương vong của ta. Tình thương yêu của Tổng Tư lệnh dành cho những người lính Trường Sơn là ấn tượng sâu đậm khiến ông không thể nào quên. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã ghi lại trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên”.
Thượng tướng Trần Văn Trà từng có nhiều bài viết về tinh thần nhân văn với đồng đội, nhân đạo với đối phương khi họ đã đầu hàng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông khẳng định: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong cuộc đời Tổng Tư lệnh của mình, Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện một trong những quan điểm cốt tử của chiến tranh chính nghĩa: Dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất nhưng phải đi đôi với hạn chế đến mức thấp nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ. Anh Văn đã kiên nhẫn và kiên quyết đấu tranh cho quan điểm cốt tử đó. Chính tinh thần kiên nhẫn và kiên quyết bảo vệ quan điểm cốt tử này càng làm cho Anh Văn xứng đáng là người Anh Cả của toàn quân, càng làm cho anh trở thành cây đa rợp bóng bát ngát tình yêu thương đồng đội”.
Là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao phó nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam, đồng chí Võ Nguyên Giáp là người quán triệt sâu sắc tinh thần “người trước, súng sau” của Bác Hồ. Với tinh thần “dĩ công vi thượng”, Anh Văn là người đã nghĩ ra việc tổ chức “bữa cơm không muối” trong buổi liên hoan thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, thể hiện tinh thần sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ của đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Tình yêu thương đồng chí, đồng đội được xây dựng trên tình yêu thương giai cấp của Anh Văn nói riêng và của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ đó. Từ một bí danh, "Anh Văn" trở thành cách gọi thân mật của toàn quân dành cho người Anh Cả trong quân đội... Hai chữ "Anh Văn" vừa nói lên vai trò của Võ Nguyên Giáp trong quân đội, vừa nói lên quan hệ vô cùng mật thiết của Đại tướng đối với toàn quân.
Không quên bất kỳ người lính nào
Tinh thần nhân văn của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thể hiện rõ trong phương pháp chỉ huy rất riêng của ông, đó là tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh, chiến dịch. Khi phân tích nguyên nhân giành thắng lợi của mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn nêu ý kiến nhận xét và biểu dương thành tích của các cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần trong sở chỉ huy chiến dịch, đồng thời cũng không bao giờ quên bộ phận “ở nhà”, những người đã góp phần vào thắng lợi chung trên từng cương vị công tác của mình.
Sau này, khi đã nghỉ hưu, mỗi lần nói đến một chiến công, ông không quên các tướng sĩ thuộc quyền; không quên những người lính trực tiếp đối mặt với quân thù ngoài tiền tuyến; không quên những dân công sửa đường, phá thác, mở lối cho quân đi; không quên những thanh niên xung phong phục vụ hết mình cho cuộc chiến đấu, bảo đảm cho bộ đội phía trước có đủ lương thực, đạn dược; không quên các bác sĩ, y tá, hộ lý ngày đêm cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh; không quên những văn nghệ sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, ca sĩ-những người tạo nên nguồn dinh dưỡng tinh thần cho bộ đội; không quên đồng bào các địa phương, đồng bào trong vùng địch tạm chiếm dù bị địch o ép nhưng vẫn bí mật đùm bọc, giúp đỡ bộ đội. Kết thúc mỗi chiến dịch, trước khi rút quân về căn cứ, bao giờ Tổng Tư lệnh cũng giao nhiệm vụ cho bộ đội giúp chính quyền địa phương ổn định lại đời sống nhân dân, đối xử nhân đạo với những phần tử đào ngũ, rã ngũ, bỏ hàng ngũ địch, trở về với nhân dân và gia đình.
Đại tá Nguyễn Giang Hà, nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử, Bộ Tổng Tham mưu, kể rằng, trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, lệnh rút khỏi Thành cổ được truyền vào ngày 15-9-1972. Đến 2 giờ sáng ngày 16-9-1972, ông còn nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vào đài chóp. Ông nhớ lại: “Cho đến 4 giờ sáng ngày 17-9, một ngày sau khi ta rút khỏi Thành cổ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn gọi điện trực tuyến hỏi tác chiến mặt trận: “Tôi có thông tin trong Thành cổ vẫn còn sót lại 9 chiến sĩ do hầm ở xa nhau chưa nhận được lệnh rút, còn đang chiến đấu. Cho thẩm tra lại ngay!". Giọng của Đại tướng trầm, đầy vẻ lo lắng. Đại tướng thương yêu da diết các cán bộ, chiến sĩ của mình. Ông luôn nhớ đến người chiến sĩ cuối cùng của mặt trận”.
“Người trước, súng sau”
Nhiều nhà báo quốc tế đã hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tượng quân sự của ngài là ai?”. Đại tướng trả lời: “Thần tượng quân sự của tôi là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ. Không có nhà quân sự nước ngoài nào là thần tượng của tôi”. Ông thuộc nằm lòng tư tưởng Trần Hưng Đạo trong "Binh thư yếu lược": “Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa khuất phục được nước láng giềng; trên biết thiên văn, dưới tường địa lý, giữa biết lòng người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ, không ai địch được”. Tư tưởng quân sự Võ Nguyễn Giáp bắt nguồn từ tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, đó là triết lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Là học trò gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khẳng định, tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp là tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng “dân là gốc”, “lấy dân làm gốc”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “người trước, súng sau”, "chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền nặng hơn tác chiến”. Chính Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh đã chỉ huy quân đội thực hành tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, trở thành đội quân có sức mạnh thần kỳ, bách chiến bách thắng, biến những hiện thực lịch sử trở thành huyền thoại. Nguồn gốc của mọi chiến thắng là đội quân của Võ Nguyên Giáp đã biết dựa vào dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Nguồn gốc đó giúp ông xây dựng quan hệ “quân với dân như cá với nước”, quan hệ giữa chỉ huy với chiến sĩ như anh em. Ông đặt mối quan hệ giữa mình với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền trên cơ sở của nguyên tắc tối cao "dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích chung lên trên hết, cả cuộc đời làm tướng không bao giờ vun vén lợi ích riêng, khi chiến thắng cũng không bao giờ nghĩ đấy là thành tích của riêng mình.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng đã viết trong hồi ký: “Hạnh phúc lớn nhất đối với một người cầm quân là được ở bên bộ đội, ngay tại mặt trận”. Điều đó đã thể hiện rõ nét cái tâm của vị nhân tướng, ông không bao giờ muốn ở một vị trí xa cách đối với các chiến sĩ mà ông nặng lòng yêu thương.
Nhà báo Bernard Fall đã có một lời đánh giá rất xác đáng, khách quan: “Trong tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”.
Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG