Gửi bồ kết cho thanh niên xung phong
Các cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở Trường Sơn kể: Năm 1967, Đại tướng vào làm việc tại tỉnh Quảng Bình, ông đến thăm một đơn vị toàn nữ TNXP tỉnh Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ ở Đường 20 Quyết thắng. Đại tướng hỏi han các chị về điều kiện công tác, sinh hoạt... Một chị báo cáo: “Thưa Đại tướng! Thiếu thốn thì nhiều cái, nhưng chúng tôi khắc phục được. Chỉ có điều là quá nhiều chấy!”. Đại tướng xoa đầu nữ TNXP và nói: “Hoan hô các đồng chí đã khắc phục được khó khăn chung. Cũng chắc là do thiếu bồ kết gội đầu nên mới nhiều chấy! Vậy tôi và các đồng chí cùng khắc phục nhé!”. Chừng ba tuần sau, đơn vị này nhận được quà từ Hà Nội gửi vào, gồm những kiện xà phòng 72% (loại xà phòng đóng bánh cứng, to gần bằng nửa viên gạch chỉ, màu nâu nhạt, có đóng chữ “72%”, rất tốt, do Liên Xô viện trợ cho ta hồi đó). Ngoài ra, còn có mấy kiện vải màn xô và đặc biệt là những bao tải bồ kết khô đen sẫm.
Khỏi phải nói, các nữ TNXP đã xúc động như thế nào khi nhận được món quà của Đại tướng!
|
|
Đại tướng về thăm trường cũ và trồng cây lưu niệm tại sân Trường Quốc học Huế, tháng 4-1976. Ảnh: Trần Tuấn |
Tìm hoa tặng nghệ sĩ
Tháng 5-1995, Bộ tư lệnh Quân khu 5 mời Đại tướng và phu nhân vào nghỉ dưỡng ở Nhà khách T20 (Đà Nẵng). Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức chương trình nghệ thuật gồm các trích đoạn tuồng đặc sắc xứ Quảng, do 12 nghệ sĩ xuất sắc biểu diễn, để mời Đại tướng cùng phu nhân xem. Anh chị em phục vụ và nhân viên khách sạn quây quần bên Đại tướng và phu nhân thưởng thức các tiết mục. Kết thúc, Đại tướng tươi cười bắt tay nhiều lần cảm ơn các nghệ sĩ. Bỗng ông lẳng lặng vào phòng, rồi lại đi ra đi vào trầm ngâm... Ông Việt, thành viên ban tổ chức chương trình, rất lo lắng, liền thưa với phu nhân Đặng Bích Hà: “Thưa cô! Chúng cháu có lỗi gì không mà Đại tướng vào ra trầm ngâm vậy cô?”. Phu nhân cười: “Có gì đâu! Ông ấy tiếc là không có bó hoa tươi để tặng các nghệ sĩ đấy thôi!”.
Triệu người như một
Tháng 7-1959, Đại tướng chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam, mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Đại tướng dặn đi dặn lại: “Việc mở đường không được để ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn”.
Sau đó, khi nghe đề án vận chuyển vũ khí bằng đường biển cho Khu 5, Đại tướng khẳng định: “Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho Đồng bằng sông Cửu Long, nên phải giữ cho được bí mật con đường đó”; “không để một sai sót nhỏ khiến kẻ địch nghi ngờ”; "khi vận chuyển không trót lọt, bị lộ thì ngừng ngay để nghiên cứu phương thức hoạt động mới".
Thấm nhuần lời Đại tướng, cán bộ, thủy thủ "Đoàn tàu không số" đã vượt qua mọi gian nan, vất vả, hy sinh để giữ vững con đường lịch sử ấy. Đại úy Trần Hậu Vệ (người trực tiếp tham dự 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam trong những năm từ 1964 đến 1971) kể rằng: Khi tàu cập bến, cán bộ, thủy thủ mặc dù ở ngay quê hương mình vẫn cẩn thận giấu mặt. Có đồng chí ra Bắc tập kết gần chục năm, nay về lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, nhưng quyết không lên bờ, vì e rằng gặp người quen. Thủy thủ Tống Thành Lập, 20 tuổi, trên Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí cập bến Lộc An (Sông Ray) thuộc tỉnh Bà Rịa đêm 22-12-1964, nhìn thấy người yêu mình ra bốc vũ khí mà phải lẳng lặng xuống khoang tàu, nhìn qua cửa sổ.
Trong chiến công oanh liệt của "Đoàn tàu không số", Thuyền trưởng Phan Vinh cùng rất nhiều thuyền trưởng, chính trị viên, thủy thủ đã anh dũng hy sinh để giữ vững con đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí vào miền Nam, góp phần rất quan trọng để có Ngày toàn thắng 30-4-1975.
PHẠM XƯỞNG