Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có phần đóng góp to lớn của Quân chủng PK-KQ. Đồng chí có thể cho biết, những đóng góp to lớn ấy đã để lại giá trị gì?

leftcenterrightdel

Trung tướng Trần Ngọc Quyến, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: TÂM ĐỨC

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Thủ đô nói riêng, trong đó, Quân chủng PK-KQ là lực lượng nòng cốt. Chiến thắng là đòn đánh chí mạng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, là cơ hội cho ta thực hiện mục tiêu lớn hơn trong chủ trương “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước. Gần đây, qua các phương tiện truyền thông, tôi tâm đắc với nhận xét của Thượng tướng Anatoly Ivanovich Khiupenen, nguyên Trưởng phái đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô khi trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về sự kiện này. Ông nhấn mạnh: "Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng giống như Chiến thắng Stalingrad của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai”. Đó là câu ví ngắn gọn và giàu hình ảnh, để lại nhiều cảm xúc về một sự kiện in đậm trong bản hùng ca vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của trí tuệ, ý chí và nghệ thuật quân sự, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới. Chiến thắng ấy để lại cho quân và dân ta nhiều bài học vô giá, có thể vận dụng hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay cũng như mãi mai sau.

leftcenterrightdel
 Pháo thủ Đại đội 2, Trung đoàn 591, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) thực hành ngắm bắn mục tiêu trong diễn tập năm 2022. Ảnh: LÊ PHÚC

PV: Để có được chiến thắng vĩ đại ấy, Quân chủng PK-KQ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước. Đồng chí có thể cho biết khái quát về công tác chuẩn bị ấy?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Để chuẩn bị cho trận chiến lịch sử này, Quân chủng PK-KQ đã làm tốt những nội dung sau:

Thứ nhất là công tác nắm và nghiên cứu địch. Sau khi có chỉ đạo của Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tư lệnh, với tinh thần "muốn bắt cọp thì phải vào hang", Quân chủng PK-KQ đã chỉ đạo, tổ chức các lực lượng theo dõi chặt chẽ, nắm chắc hoạt động của máy bay B-52, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc. Tháng 5-1966, Quân chủng PK-KQ đã đưa bộ đội tên lửa, radar, không quân vào tuyến lửa Vĩnh Linh và Khu 4, vừa chi viện cho chiến trường Trị Thiên vừa nghiên cứu tổng hợp các tư liệu về B-52. Với khẩu hiệu “Dọn đường mà đi, đánh địch mà tiến”, trải qua gần 7 năm vô cùng gian khổ, ác liệt (tính đến tháng 11-1972), Quân chủng đã có đầy đủ tư liệu về B-52 như: Quy luật, thời gian hoạt động, số lượng chiếc trong tốp, độ cao bay, số lượng tiêm kích đi bảo vệ, đặc điểm nhiễu, độ rộng, cường độ... đến từng chi tiết trong mỗi lần phát hiện B-52.

leftcenterrightdel
 Máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn 927 (Sư đoàn 371) làm chủ bầu trời. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thứ hai là công tác huấn luyện cho bộ đội. Điểm mấu chốt là chúng ta đã huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có, hiểu biết về vũ khí, khí tài, phương tiện của địch để có phương án tác chiến phù hợp. Riêng việc phổ biến “Cách đánh B-52” thì Quân chủng PK-KQ tổ chức một đợt huấn luyện đột kích chuyên đề liên tục trong 15 ngày cho tất cả các đơn vị. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động, bước vào cuộc chiến với tâm thế vững vàng, "vạch nhiễu tìm thù", tiêu diệt tại chỗ "siêu pháo đài bay" B-52 của địch.

Thứ ba là công tác hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng. Đầu tiên là sự hiệp đồng giữa các lực lượng trong Quân chủng PK-KQ: Tên lửa SAM-2, máy bay MiG-21 (vũ khí chủ lực tiêu diệt B-52); pháo phòng không bảo vệ tên lửa và đánh máy bay cường kích; radar theo dõi phát hiện, thông báo kịp thời, chính xác tình hình địch cho các lực lượng sẵn sàng đối phó khi chúng xâm phạm bầu trời.

Cùng với đó, lực lượng phòng không của các quân khu, các địa phương và dân quân tự vệ được bố trí thành từng tổ, từng cụm, đón lõng bắn máy bay bay thấp, bắt giặc lái và hỗ trợ công tác hậu cần-kỹ thuật, sửa chữa các sân bay, trận địa, đường cơ động vũ khí, trang bị kỹ thuật và vận chuyển đạn tên lửa... Tất cả các lực lượng tạo thành thế tác chiến liên hoàn thống nhất, rộng khắp, có thể đánh địch từ xa tới gần, từ nhiều hướng, nhiều độ cao khác nhau.

PV: Phát huy Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã rất quan tâm xây dựng Quân chủng tinh, gọn, mạnh, đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Ngày nay, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc rất nặng nề và vô cùng phức tạp. Nếu chiến tranh xảy ra, địch có thể sử dụng vũ khí công nghệ cao, thời gian tác chiến nhanh, mức độ hủy diệt lớn... Chính vì vậy, các lực lượng của Quân chủng PK-KQ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, tình hình nhiệm vụ, đối tác, đối tượng, tập trung xây dựng Quân chủng toàn diện trên cả 3 mặt: Tổ chức, con người và vũ khí, trang bị; tham mưu đúng, trúng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc sắp xếp, điều chỉnh, củng cố thế trận, tăng cường mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật...

Xây dựng Quân chủng thực sự tinh, gọn, mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ bầu trời Tổ quốc từ sớm, từ xa, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau: Xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tạo cơ sở vững chắc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chiến đấu, tập trung huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị khí tài mới, cải tiến; coi trọng huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay. Thực hiện hiệu quả đề án điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân chủng PK-KQ theo hướng tinh, gọn, mạnh; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời bảo đảm đồng bộ giữa vũ khí, trang bị khí tài với nguồn nhân lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Quan tâm đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học-công nghệ, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động huấn luyện, SSCĐ và các hoạt động khác, nâng cao khả năng SSCĐ và chiến đấu của Quân chủng. Chủ động nghiên cứu nắm chắc đối tượng tác chiến của Bộ đội PK-KQ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới; nghiên cứu phát triển cách đánh của các lực lượng PK-KQ, đặc biệt là tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần trong các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

PV: Ngày nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu, thiết kế, ứng dụng nhiều loại vũ khí thông minh trong chiến tranh, nhanh chóng khuất phục đối phương. Vậy Quân chủng có đề xuất gì với các cấp trong xây dựng lực lượng?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Gần đây, trong các cuộc chiến, các cuộc xung đột xảy ra ở các nước trên thế giới đã cho thấy sự hủy diệt tàn khốc của vũ khí công nghệ cao. Trong tác chiến tương lai gần, vũ khí công nghệ cao sẽ được sử dụng khá phổ biến nhằm khuất phục đối phương nhanh nhất. Thế nên như tôi đã khái quát ở trên, việc xây dựng Quân chủng PK-KQ cần chủ động chuẩn bị toàn diện về mọi mặt ngay từ thời bình, nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 một lần nữa khẳng định, dù vũ khí có hiện đại đến đâu, chiến tranh có tàn khốc đến thế nào thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Vì vậy, chúng tôi tập trung xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, nâng cao trình độ hiểu biết khoa học-công nghệ, hiểu biết về các trang thiết bị, vũ khí mới, huấn luyện sát thực tế chiến đấu, khai thác hiệu quả vũ khí trang bị được biên chế, tích cực nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây để xây dựng phương án tác chiến phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần tập trung quan tâm đến chế độ, chính sách, điều kiện học tập, công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ.

Chúng tôi mong muốn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài (đặc biệt là đội ngũ phi công chiến đấu), quan tâm hơn đến chính sách cán bộ và hậu phương Quân đội, nhất là công tác chính sách về nhà ở, đất ở của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng... góp phần giải quyết khó khăn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có kiến thức, năng lực toàn diện; có sức khỏe, độ tuổi phù hợp; số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững chắc, đáp ứng tốt nhiệm vụ xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MẠNH THẮNG (thực hiện)