leftcenterrightdel

Giảng viên huấn luyện thực hành khai thác khí tài thông tin Vsat cho học viên Trường Sĩ quan Thông tin.  Ảnh: TUẤN ANH 


Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam thường gợi cho đồng chí những cảm xúc như thế nào, nhất là với vai trò một nhà giáo Quân đội?

Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh: “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, người thầy luôn được xã hội kính trọng và yêu quý, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Do đó, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) không chỉ là ngày hội của những người làm nghề dạy học mà còn là dịp để các thế hệ học trò nói riêng, toàn xã hội nói chung tôn vinh, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã và đang dành cả cuộc đời cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp “trồng người”. Đồng thời, ngày tôn vinh này cũng nhắc nhở các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với vị thế nghề nghiệp cao quý của mình.

Quân đội là môi trường đặc thù, do đó hoạt động sư phạm quân sự cũng mang những nét đặc trưng riêng và những yêu cầu cao trong quá trình giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các quy định chung của Bộ GD-ĐT, chúng tôi còn phải triệt để chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật, các nền nếp, chế độ sinh hoạt, học tập của Quân đội và chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy các cấp. Đặc biệt, trong Quân đội, mối quan hệ giữa người dạy và người học không chỉ là tình cảm thầy-trò, tình người mà còn là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả. Việc giáo dục, rèn luyện, dìu dắt bộ đội, học viên tiến bộ, trưởng thành cũng chính là trách nhiệm, bổn phận cao quý của người lãnh đạo, người chỉ huy cấp trên đối với cấp dưới thuộc quyền...

Chúng tôi vinh dự, tự hào khi được đóng góp công sức vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ chính trị có đủ phẩm chất, năng lực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Trong những ngày tháng 11 này, cũng như bao thế hệ nhà giáo, chúng tôi rất xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp, ân tình đậm sâu, niềm tin trọn vẹn mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và toàn xã hội đã gửi gắm. Tình cảm, sự trân trọng, những lời động viên chân thành của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, người thân chính là nguồn cổ vũ to lớn giúp chúng tôi thêm yêu quý, gắn bó và tận tâm đối với con đường, sự nghiệp của mình.

PV: Thưa đồng chí, đội ngũ giảng viên của nhà trường hiện nay được tuyển chọn chủ yếu từ nguồn nào?

Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh: Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay được tuyển chọn chủ yếu từ các nguồn như: Học viên tốt nghiệp của nhà trường đã trải qua các khâu tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ tốt nghiệp ở các học viện, trường sĩ quan trong Quân đội, trọng tâm là Học viện Chính trị, Học viện Lục quân, Trường Sĩ quan Lục quân 1; cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ quan, khoa, đơn vị trong nhà trường, đã qua thẩm định, lựa chọn và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, nhà trường đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thu hút, tạo nguồn đối với những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có chuyên ngành học phù hợp với nhiệm vụ GD-ĐT để tuyển dụng, tuyển chọn về các khoa giáo viên trong toàn trường.

PV: Quan tâm nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy cho giảng viên trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nhà giáo chất lượng, đáp ứng yêu cầu GD-ĐT của Quân đội. Theo đồng chí, những thế mạnh cũng như khó khăn, thách thức đặt ra cho đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường hiện nay là gì?

Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh: Hiện nay, giảng viên trẻ của Trường Sĩ quan Chính trị chiếm hơn 40%. Đây là lực lượng được đào tạo cơ bản, chuyên sâu trong các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới; sớm tiếp cận những thành tựu hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Họ có khả năng sử dụng ngoại ngữ và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin tốt. Do đó, chúng tôi tin tưởng, lực lượng giảng viên trẻ hoàn toàn hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cũng luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện, ưu tiên về mọi mặt để cán bộ trẻ nói chung, giảng viên trẻ nói riêng học tập, rèn luyện, trưởng thành; trở thành lực lượng tiên phong trong mọi nhiệm vụ, nhất là đối với sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT trong tình hình mới.

Mặc dù có những ưu thế nổi trội nhưng đội ngũ giảng viên trẻ cũng đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: Kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức, tiến hành hoạt động giảng dạy chưa nhiều; yêu cầu cao của sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội đòi hỏi đội ngũ giảng viên trẻ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực toàn diện về mọi mặt. Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với giảng viên trẻ, nhất là nguy cơ tụt hậu về khoa học-công nghệ. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên đối diện với những thách thức từ tác động của mặt trái kinh tế thị trường; hay hành vi, lối sống tiêu cực của giới trẻ...

leftcenterrightdel

 Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị . Ảnh: HOÀNG DƯƠNG 

PV: Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường cần làm gì để phát huy sức trẻ, sáng tạo, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao?

Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh: Về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: “Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Thực tiễn đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội cần không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt để có đủ năng lực làm chủ công nghệ, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại.

Đặc biệt, để đáp ứng các tiêu chuẩn của mô hình “Nhà trường thông minh” tiếp cận công nghệ 4.0, gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực GD-ĐT và xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng; đội ngũ giảng viên trẻ trong Quân đội nói chung, của nhà trường nói riêng, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm là lực lượng tiên phong trên mọi lĩnh vực. Nhà giáo Quân đội phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; luôn tâm huyết, yêu nghề, yêu trường, sẵn sàng đồng hành với học viên khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, huấn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện nhà trường có sự điều chỉnh về quy mô và thời gian đào tạo.

PV: Với những nỗ lực trong công tác đào tạo, nhiều năm qua, Trường Sĩ quan Chính trị luôn thuộc nhóm trường có điểm tuyển sinh cao trong hệ thống các nhà trường Quân đội. Đồng chí có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để thu hút học viên tốt vào trường?

Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh: Cần phải thấy rằng đây là một dấu hiệu hết sức đáng mừng, khẳng định vị thế, uy tín và sức lan tỏa của nhà trường trong toàn quân, toàn quốc. Và cũng chính từ uy tín đào tạo đã tạo ra niềm tin, sức hút để thanh niên, học sinh lựa chọn vào trường học tập, rèn luyện.

Để có được những kết quả tích cực ấy, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho các đối tượng bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, nhất là thông qua hệ thống các kênh truyền thông như: Báo Quân đội nhân dân, Truyền hình Quốc phòng; Cổng thông tin điện tử daihocchinhtri.edu.vn; Tạp chí Khoa học Chính trị Quân sự; các sản phẩm báo chí của cán bộ, giảng viên, học viên... Đặc biệt, nhà trường đã tập trung xây dựng, khai thác, quản lý, phát huy tốt ưu thế của mạng xã hội với tổng số 7 tài khoản chủ đạo cấp trường và gần 50 trang, nhóm, blog cấp đầu mối trực thuộc trên mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn thành viên trong và ngoài Quân đội tham gia; cùng với đó là hơn 4.000 tài khoản Facebook cá nhân. Đây là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong tiến hành công tác tuyên tuyền, quảng bá hình ảnh của nhà trường. Nhờ đó, mức độ quan tâm của cộng đồng đối với Trường Sĩ quan Chính trị và số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường hằng năm ngày càng tăng.

Tuy nhiên, vấn đề căn cốt, quyết định nhất trong nâng cao tầm vóc, uy tín và sức hút của nhà trường thời gian qua và trong những năm tới đó là, toàn trường đã và đang tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả 3 trụ cột cơ bản: Xây dựng, phát huy nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện GD-ĐT; xây dựng và phát huy vai trò của môi trường văn hóa sư phạm quân sự phong phú, chuẩn mực. Đồng thời, thực hiện và phát huy tốt các giá trị cốt lõi của nhà trường là: Tiêu biểu về tính Đảng; đoàn kết; dân chủ-kỷ cương; đổi mới-sáng tạo; giàu tính nhân văn. Đó chính là nguồn sức mạnh to lớn, động lực thúc đẩy cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ không ngừng phấn đấu vươn lên; tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên, các lực lượng có những phẩm chất, năng lực cần thiết và nguyện vọng chính đáng vào học tập, rèn luyện, công tác tại nhà trường.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THANH MINH - THU HÒA (thực hiện)