Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng có tốc độ phát triển nhanh chưa từng có trong lịch sử, đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Sự tác động đó đặt ra những yêu cầu cấp bách cho công tác giáo dục-đào tạo trong nhà trường quân đội phải thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số, hệ thống mạng. Các hình thức đào tạo ở lớp học ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... sẽ là xu hướng đào tạo trong tương lai đang tạo ra nhiều thách thức đối với nhà giáo quân đội thời 4.0.
|
|
Cán bộ, giảng viên Học viện Hậu cần và các đại biểu tham quan mô hình sáng kiến Tuổi trẻ sáng tạo của học viện. Ảnh: XUÂN DINH |
Những năm gần đây, đội ngũ giảng viên trong các nhà trường quân đội đã được chuẩn hóa, đa số có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, kiến thức thực tiễn, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng phương tiện công nghệ thông tin của một bộ phận giảng viên còn hạn chế nên có thể gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ dạy học hiện đại. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, học viên có thể tự tìm kiếm tri thức, kỹ năng thông qua internet, nếu giảng viên không thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ thì sự tác động này sẽ làm mất dần vai trò chủ đạo của mình. Đây chính là áp lực không nhỏ đối với đội ngũ giảng viên nhà trường quân đội hiện nay.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học giáo dục trên thế giới, hiện nay có hơn 200 công cụ hỗ trợ áp dụng vào quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, những công cụ này không phải ai cũng hiểu, ai cũng có thể sử dụng trong thực tiễn. Hơn nữa, mỗi ngày công nghệ càng hiện đại hơn nên nhiều giảng viên có thể gặp khó khăn trong tiếp cận phương pháp dạy học mới, chưa theo kịp hoặc khó ứng dụng khiến cho hiệu quả giảng dạy bị giảm sút. Việc dạy học trực tuyến, liên kết đào tạo quốc tế, hội thảo, giao lưu quân sự cũng sẽ là xu hướng tất yếu để xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại và hội nhập quốc tế. Vì thế, nhà giáo thông thạo ngoại ngữ là một yêu cầu bắt buộc trong xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, thực tế ở các nhà trường quân đội, một bộ phận giảng viên có kinh nghiệm trong giảng dạy, bề dày thâm niên công tác có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng ngoại ngữ.
Nhà giáo thời 4.0 không chỉ là người cung cấp, truyền đạt thông tin tri thức cho học viên mà còn có nhiệm vụ giúp học viên phương pháp tiếp cận tri thức. Giảng viên không còn bảng phấn, mà thay vào đó là máy tính cá nhân, phương tiện giảng dạy tương tác. Thay vì cầm cuốn sách để đọc chép, thì phát bài giảng trên mạng LAN là học viên có thể tìm đọc, nghiên cứu. Hoạt động dạy và học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân. Chính vì vậy, trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà giáo quân đội cần phải thực sự thay đổi theo một số hướng sau đây:
Trước hết, cần không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Nguồn tài liệu phục vụ giảng dạy vô cùng đa dạng nhờ sự tiến bộ của hệ thống internet kết nối và dữ liệu khổng lồ giúp giảng viên tiếp cận được nhiều tài liệu trong và ngoài nước, phục vụ tốt việc xây dựng bài học. Giảng viên có thể tìm hiểu sâu sắc về vấn đề giảng dạy với nhiều hướng nhận thức khác nhau, có thể sử dụng các phương pháp, phương tiện và kỹ thuật dạy học hiện đại áp dụng vào hoạt động giảng dạy của mình. Với nhiều phần mềm dạy học hiện đại, giảng viên có nhiều lựa chọn đối với các phương tiện kỹ thuật phù hợp với giảng dạy. Thay đổi quan trọng nhất là giảng viên phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học từ người truyền đạt kiến thức trở thành người giúp học viên thay đổi kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo; là người chia sẻ các phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học và cách tích lũy, tìm tòi kiến thức; giúp người học phát huy được khả năng tự nghiên cứu, tự học của bản thân.
Thay đổi về tư duy, giúp học viên có kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo là rất quan trọng. Nếu trên giảng đường chỉ được truyền đạt kiến thức thì sách, sách điện tử, công nghệ dạy học được trang bị đầy đủ với không gian rộng hơn rất nhiều so với lớp học,... cũng có thể đảm đương nhiệm vụ này. Trong xã hội thông tin, giảng viên phải giúp học viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, giảng viên cần sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.
Thứ hai, nâng cao năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ. Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, phương pháp giảng dạy truyền thống thầy đọc-trò ghi, giáo án in hay viết tay đã không còn phù hợp. Sự thay đổi của công nghệ giúp giảng viên tiếp cận với phương tiện mới như máy tính xách tay kết nối internet. Những công cụ đó đã trực tiếp làm tăng hiệu suất giảng dạy. Hơn nữa, thị hiếu của mọi người nói chung luôn bị thu hút bởi các sản phẩm đa phương tiện như hình ảnh, video,... Mục đích chung là giúp học viên hưng phấn hơn với bài giảng và tiếp thu tốt hơn. Giảng viên phải có năng lực quản lý thông tin, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học, chuyển đổi từ các hình thức giảng dạy truyền thống sang các hình thức giảng dạy áp dụng công nghệ số hóa. Các hình thức học trực tuyến e-learning: Học thông qua các thiết bị điện tử; mobile learning: Học thông qua các thiết bị di động; blended-learning: Mô hình học kết hợp giữa học trên lớp và học online; context aware u-learning: Học theo ngữ cảnh, thông qua các thiết bị định vị; collaborative environments: Học trong các môi trường mang tính tương tác cao; sớm sử dụng không gian ảo, vũ khí, địa hình, môi trường quân sự ảo để học viên học tập và luyện tập các kỹ năng chỉ huy chiến đấu.
|
|
Hướng dẫn sử dụng thiết bị U-Pointer chuẩn bị bài giảng của các giảng viên tại Khoa Tâm lý học quân sự, Học viện Chính trị. Ảnh: QUANG ĐÀM |
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi giảng viên phải có năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ và nhạy bén với hệ thống thông tin. Nhờ sự phát triển của internet, mạng LAN và các ứng dụng đi kèm, việc đăng tải tài liệu, cập nhật thông tin trở nên dễ dàng với học viên. Sau đó, thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau rồi xử lý để bảo đảm chính xác và tạo nên tập dữ liệu lớn. Vì vậy, kho thông tin lưu trữ trong thế giới ảo vô cùng lớn. Nhờ kho thông tin phong phú đó, giảng viên dễ dàng tiếp cận với những cập nhật mới trong kiến thức để ứng dụng vào giảng dạy.
Thứ ba, nhà giáo quân đội phải nâng cao trình độ về ngoại ngữ. Ngày nay, công nghệ thực tế tăng cường/thực tế ảo (AR/VR) được sử dụng rộng rãi, giúp người học trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Do đó, để có thể cập nhật những kiến thức hiện đại mang tính toàn cầu, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo trong quá trình giảng dạy, nhà giáo quân đội bên cạnh giỏi về công nghệ thông tin còn phải giỏi về ngoại ngữ. Bởi vì, khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho giảng viên tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, hội thảo khoa học, giao tiếp được với bạn bè quốc tế. Nếu giảng viên không ý thức được việc đó, kiến thức của họ sẽ “lỗi thời” nhanh chóng, việc bắt nhịp với thực tế để đưa vào giáo dục là rất quan trọng. Giảng viên cần có ý thức tự bồi dưỡng khả năng ngoại ngữ của bản thân để tiếp cận những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến. Đây là điều cần thiết để giảng viên hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu, hội nhập với giáo dục trên thế giới.
Thứ tư, bảo đảm đầy đủ các phương tiện kỹ thuật cho dạy học. Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, để dạy học trong nhà trường quân đội đáp ứng được yêu cầu mới cần bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy học như: Trang thiết bị dạy học, máy vi tính, máy chiếu có thiết bị U-Pointer, bảng tương tác thông minh, trường bắn, địa hình huấn luyện ảo... Bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống đa phương tiện một cách đồng bộ cho các phòng học trong nhà trường quân đội. Đầu tư xây dựng các phần mềm dạy học của các khoa giáo viên sao cho vừa kế thừa được truyền thống, vừa đưa những nội dung mới nhất, hiện đại nhất vào dạy học. Việc bảo đảm tốt các điều kiện đó là cơ sở thuận lợi để tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy.
Tóm lại, sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu sắc đến giáo dục trong nhà trường quân đội. Trước những thời cơ và thách thức đó, các tổ chức, các lực lượng cần có nhận thức đúng và tự chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng phù hợp để dễ dàng đón nhận sự thay đổi hiện đại của thế giới. Nhà giáo quân đội ngoài việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cần phải chú trọng bồi dưỡng năng lực sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu giáo dục-đào tạo sĩ quan quân đội thời 4.0.
Đại tá, TS TẠ QUANG ĐÀM