Từ tình yêu nhiếp ảnh

Phóng viên (PV): Thưa ông, “bảo tàng” "Ký ức nhiếp ảnh" của ông dù ra đời chưa lâu nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, cả trong và ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh. Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng ra đời không gian ý nghĩa, độc đáo này?

NSNA Phạm Công Thắng: Ban đầu, ý tưởng “Ký ức nhiếp ảnh” xuất phát từ sở thích, nhu cầu cá nhân của tôi. Bác và chú ruột tôi theo nghề nhiếp ảnh từ những năm đầu thế kỷ 20, từng có hiệu ảnh nổi tiếng ở Đà Nẵng. Tôi từng học nghề nhiếp ảnh, có thời kỳ làm tới thợ buồng tối bậc 6/7. Sau này, tôi học thêm nhiếp ảnh ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa và chuyển sang làm báo.

Hơn 30 năm gắn bó với nhiếp ảnh, những máy ảnh cá nhân trong quá trình hành nghề, rồi một số máy của bạn bè không dùng, tặng lại được tôi cất giữ cẩn thận. Những ngày giãn cách bởi dịch Covid-19, tôi chợt nghĩ, sao mình không làm phòng trưng bày những hiện vật nghề nhiếp ảnh của mình và bạn bè, người quen. Nếu giữ những hiện vật của mình thì chỉ mang tính cá nhân nhưng mở rộng ra thì biết đâu có thể lưu giữ được cho nhiều người khác mà đôi khi họ không nghĩ đến. Thế là tôi mạnh dạn chia sẻ ý tưởng lên mạng xã hội. Lúc đầ, tôi cũng không nghĩ có nhiều người ủng hộ. Nhưng sau một thời gian ngắn, hầu như ngày nào cũng có hiện vật được gửi đến, người mang trực tiếp, người gửi bưu điện. Điều đó khiến tôi được khích lệ rất nhiều để tiếp tục ý tưởng của mình. Hiện, số hiện vật đã lên tới hơn 700 rồi.

PV: Cho đến nay, số lượng hiện vật khá lớn như vậy có làm cho kế hoạch của ông thay đổi?

NSNA Phạm Công Thắng: Thú thực là ban đầu vợ tôi tỏ ý can ngăn vì giai đoạn ấy, dịch bệnh còn phức tạp, rồi con trai đang chuẩn bị mua nhà cần dành tiền mà chồng còn "vẽ vời". Thấy tôi hào hứng, quyết tâm nên sau đó, chính vợ tôi lại là nhà "tài trợ" đầu tiên để giúp tôi thực hiện “Ký ức nhiếp ảnh”. Còn hiện tại, số lượng hiện vật nhiều gấp hàng chục lần dự kiến ban đầu của tôi cũng kéo theo khá nhiều vấn đề như là hạn chế về không gian trưng bày, lưu giữ, khiến nhiều hiện vật tôi chưa giới thiệu được; cũng khó khăn về tài chính nữa; đồng thời, thêm việc bây giờ gần như tôi không có thời gian làm gì ngoài việc chăm chút cho “Ký ức nhiếp ảnh”...

leftcenterrightdel
NSƯT Thanh Hà hướng dẫn sinh viên đi thực tế tại không gian"Ký ức nhiếp ảnh".

Điều khích lệ lớn nhất với tôi là dù thời gian chưa lâu nhưng ngoài sự ủng hộ của hàng trăm người tặng hiện vật quý giá, tôi cũng nhận được sự động viên, quan tâm của rất nhiều bạn bè, các NSNA, nhà báo, người yêu thích nhiếp ảnh, các văn nghệ sĩ, nhà quản lý, doanh nhân... trong đó có nhiều người quen và cũng nhiều người chưa từng quen biết. Gần đây, nhiều sinh viên, học viên nhiếp ảnh ở các trường đại học, trung tâm đào tạo nghe tiếng cũng tới tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu... Có ngày, tôi tiếp tới 3 đoàn. Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhiều lần dành sự quan tâm, động viên và khi đến thăm “Ký ức nhiếp ảnh” đã viết những lời ghi nhận sự nhiệt huyết của tôi cũng như ý nghĩa của không gian trưng bày này. Những điều đó khiến tôi có thêm động lực để tiếp tục ý tưởng của mình, mong sẽ đóng góp được điều gì đó cho nhiếp ảnh Việt Nam và những người yêu thích nhiếp ảnh.

Câu chuyện ý nghĩa sau mỗi hiện vật

PV: Trong hàng trăm hiện vật về nhiếp ảnh ông đã nhận, có câu chuyện nào khiến ông ấn tượng đặc biệt?

NSNA Phạm Công Thắng: Mỗi hiện vật đều được chủ nhân gửi đến kèm những lời đề tặng và kể những câu chuyện gắn với chúng. Có người gửi đến rất nhiều, có người có gì gửi nấy, có người gửi cả đồ của người thân đã mất... Đây là chiếc máy ảnh của nhà văn Trần Ngọc Lân từng chụp tên giặc lái đầu tiên quân ta bắt được ở Quảng Bình; chụp Đồi C4 anh hùng ở Hàm Rồng (Thanh Hóa) gắn với những chiến công của quân và dân ta. 

NSNA Hoàng Kim Đáng tặng tôi một bộ máy ảnh Pentax mà ông rất quý trọng, giữ gìn, từng được sử dụng để chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhân vật nổi tiếng, như: Nguyễn Tuân, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi...; Anh hùng Lao động, NSNA Trần Lam gửi đến chiếc máy ảnh D200 mà ông từng dùng chụp tác phẩm nổi tiếng “Mặt trời trong Lăng sáng tỏa”, được bán với giá 1 triệu USD (năm 2008) để dành tặng Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang. Hay chiếc máy ảnh của nhà báo Đoàn Tử Diễn, nguyên Phó tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam, từng theo ông chụp tác nghiệp ở Bình Định, bị vùi lấp bởi bom và tìm lại được...; Mới đây, nhiếp ảnh gia Nick Út đến thăm và tặng tôi một số hiện vật, trong đó có chiếc máy ảnh Pentax đầu tiên khi ông làm việc tại Hãng thông tấn AP năm 1966...

Với tôi, mỗi món đồ đều là những kỷ vật quý, chứa đựng những câu chuyện đặc biệt, những tác phẩm mà qua đó, chúng ta thấy được phần nào từng giai đoạn phát triển của nhiếp ảnh cũng như lịch sử đất nước. Đó không chỉ là niềm tự hào của những người cầm máy mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử nhiếp ảnh và bồi dưỡng lòng tự tôn dân tộc.

Thách thức cho nhiếp ảnh Việt

PV: Là người gắn bó với nhiếp ảnh hơn 30 năm qua, ông thấy nhiếp ảnh đã thay đổi ra sao?

NSNA Phạm Công Thắng: Nhiếp ảnh là bộ môn chuyển đổi theo xu thế công nghệ thời đại. Không thể phủ nhận rằng, những ưu thế về công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật mang lại cho người chụp rất nhiều thuận lợi nhưng nó cũng đặt ra những thách thức, thậm chí là hạn chế cho sáng tạo. Điều tôi thấy buồn nhất là nhiếp ảnh hiện nay đang dần mất ý nghĩa, tính chất "nghệ thuật của khoảnh khắc". Ví như bây giờ, dựa vào thiết bị bay, người chụp dễ dàng có bức ảnh phong cảnh đẹp, nhưng thường nó chỉ là ảnh đẹp để quảng bá du lịch, tất nhiên vẫn có những tác phẩm nghệ thuật, nhưng rất hiếm. Và đôi khi, cách nhìn nhận, đánh giá bức ảnh hay, đẹp lại dễ bị lẫn lộn.

leftcenterrightdel

NSNA Phạm Công Thắng tại không gian "Ký ức nhiếp ảnh". Ảnh: THU HÒA

Cùng với đó là sự sắp đặt trong chụp ảnh, sự ỷ lại của người chụp vào công nghệ, kỹ thuật trong xử lý hậu kỳ, nhiều khi tạo ra những sản phẩm phi lý, cắt ghép vô lối. Tiếc là không ít tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật gần đây là dàn dựng, rất hiếm ảnh chớp được khoảnh khắc tự nhiên, vẻ đẹp trong cuộc sống, lao động, sinh hoạt. Rồi cái cách đi sáng tác theo đoàn, dàn dựng cho hàng chục nhiếp ảnh gia cùng chụp và cho ra những bức ảnh na ná nhau khiến tôi có cảm giác chúng ta đang thiếu những nghệ sĩ lăn lộn thực sự với nhiếp ảnh. Ở giai đoạn nào thì yếu tố quan trọng luôn cần giữ được của bức ảnh đẹp là giá trị chân-thiện-mỹ. Tất nhiên, sắp đặt, dàn dựng để có bức ảnh theo yêu cầu, đạt ý đồ, tư tưởng của tác giả là điều khó tránh nhưng sự sắp đặt ấy phải hợp lý. Sáng tạo phải là hơi thở cuộc sống đương đại diễn ra, chứ không thể tô vẽ làm méo mó đi. Sự sắp đặt phi thực tế, có khi không đúng thuần phong mỹ tục sẽ phản tác dụng, chính là thất bại của nhiếp ảnh.

PV: Vậy theo ông, giai đoạn hiện nay đặt ra yêu cầu gì cho nhiếp ảnh?

NSNA Phạm Công Thắng: Nhiếp ảnh đã ghi lại những dấu son sống động, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước. Tôi cho rằng, nhiếp ảnh hiện nay vẫn có nhiều thành tựu được khẳng định trong những tác phẩm xuất sắc được ghi nhận qua các cuộc thi trong nước, quốc tế... Nhưng phía trước, nhiếp ảnh và nhiều loại hình nghệ thuật khác còn rất nhiều thách thức đặt ra. Nhìn rõ những hạn chế để khắc phục là điều cần thiết.

Bản lĩnh, lòng tự trọng, trách nhiệm với bản thân và xã hội, với tác phẩm của mình là đích đến cao nhất mà người nghệ sĩ luôn phải vươn tới! Dối trá với chính mình, với nhận thức về nghệ thuật là điều đang đi ngược lại chiều hướng đó...

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG HÒA (thực hiện)