Năm nay, ông Trần Quang Hữu, sinh sống tại đội 17b, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã 94 tuổi. Ông vẫn trân trọng giữ gìn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa. Dù thời gian đã lùi xa 70 năm nhưng ông Hữu vẫn nhớ như in ngày cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Ông Hữu kể, sau chiến thắng, Bác Hồ có thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Trong thư, Bác viết: “... Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Các chú tán thành không?”. Ngay sau đó, trong cuộc gặp đoàn cán bộ, chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và tặng nhiều phần thưởng ý nghĩa, trong đó có Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Trong tâm trí các chiến sĩ Điện Biên, họ không bao giờ quên lời căn dặn của Bác: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm Huy hiệu”.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ tặng chiến sĩ. Ảnh tư liệu
|
Nhiệm vụ thiết kế huy hiệu vào thời điểm đó được giao cho hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích-những bậc đại thụ của nền mỹ thuật cách mạng. Hai họa sĩ đã vẽ và thiết kế khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt 2, khoảng đầu tháng 4-1954. Họa sĩ Nguyễn Bích là một trong 5 cán bộ, phóng viên của Báo Quân đội nhân dân làm báo ở Tòa soạn tiền phương tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Họa sĩ Mai Văn Hiến là sinh viên từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong khi họa sĩ Nguyễn Bích hoàn toàn tự học vẽ mà không hề qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào. Được giao vẽ và thiết kế Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ là vinh dự của hai họa sĩ. Nhưng làm thế nào để thiết kế ra chiếc huy hiệu theo đúng yêu cầu của cấp trên, bao gồm đầy đủ yếu tố như: Có hình rừng núi, chiến sĩ xung phong, có pháo binh và pháo cao xạ cùng dòng chữ chiến sĩ Điện Biên Phủ trên nền xanh là thử thách đối với hai họa sĩ.
Ngày đêm suy nghĩ để vẽ chiếc huy hiệu mang đậm tính biểu tượng của chiến dịch, họa sĩ Mai Văn Hiến và họa sĩ Nguyễn Bích đã cặm cụi, thức trắng nhiều đêm và có được 10 mẫu vẽ huy hiệu bằng bút chì. Họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ bằng bút chì rồi đưa lại cho họa sĩ Nguyễn Bích vẽ bằng bút sắt chấm mực. Sau nhiều lần chỉnh sửa và lựa chọn, bản vẽ Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ đã hoàn thành và chuyển đi nước bạn để sản xuất hàng loạt. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, họa sĩ Mai Văn Hiến và họa sĩ Nguyễn Bích được gọi về căn cứ ATK để thực hiện triển lãm mừng chiến thắng. Tại đây, hình ảnh Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ được họa sĩ Mai Văn Hiến phóng to và đặt ở chính giữa gian trưng bày mang tên “Chiến thắng”.
Sau này, có người từng hỏi vui hai ông về "thù lao" cho việc sáng tác chiếc huy hiệu. Họ cười và nói rằng: Đó là nhiệm vụ cách mạng cao cả, làm được gì cho cách mạng là chúng tôi vui lắm rồi.
Thời gian ngày một lùi xa nhưng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ mãi là kỷ vật thiêng liêng, niềm tự hào của ông Trần Quang Hữu và những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
HẠ ANH