Kostas Sarantidis là công dân Hy Lạp. Ông lớn lên trong cảnh đất nước Hy Lạp bị phát xít Đức chiếm đóng. Năm 1943, Kostas Sarantidis 16 tuổi, bị bắt sang Đức sung vào đội quân phát xít. Thấy được sự tàn bạo của quân đội phát xít, ông bỏ trốn và lang thang khắp châu Âu nhưng không có cách nào trở lại Hy Lạp.
Năm 1945, tại châu Âu, Chính phủ Pháp đăng tuyển lính ngoại quốc vào đội quân lê dương, chiến đấu cho Pháp và phe Đồng minh chống lại quân phát xít. Kostas Sarantidis nhanh chóng đăng lính để được đứng trong hàng ngũ chống lại chủ nghĩa phát xít. Tháng 2-1946, Kostas Sarantidis nằm trong đội quân Pháp đưa sang Việt Nam và được tuyên truyền rằng: “Giải phóng giúp nhân dân An Nam trước thảm họa phát xít Nhật Bản và tái lập chế độ bảo hộ của mẫu quốc Đại Pháp trên xứ An Nam; giúp nhân dân An Nam thịnh vượng...”.
Nhưng khi đặt chân đến Việt Nam, Kostas Sarantidis tận mắt nhìn thấy sự tàn bạo dã man của quân Pháp. Chúng nổ súng giết chết bất kỳ ai, dù đó là những người già, phụ nữ, trẻ em tay không tấc sắt. Những trận càn, những trận bố ráp giết sạch hơn bỏ sót một kháng cự chính đáng nào. Quân Pháp ra sức cướp bóc, tra tấn, hành hình như thời trung cổ. Ông mới ngộ ra rằng, Pháp đưa ông và đồng ngũ sang xứ này cũng chỉ để đàn áp nhân dân Việt Nam. Chúng bắt nhân dân Việt Nam trồng cao su, bắt phải vào các hầm mỏ, chúng khai thác tài nguyên, khoáng sản và chuyển về Pháp. Vì thế, nhân dân Việt Nam chẳng được hưởng bất kỳ thứ gì mình làm ra. Đâu đâu ông cũng cảm nhận được tủi nhục, uất nghẹn của máu và nước mắt...
Thực tế ấy tác động mạnh mẽ vào ý thức của Kostas Sarantidis. Từ đó, người lính Hy Lạp đã tìm cách bắt liên lạc với Việt Minh. Tháng 6-1946, Kostas Sarantidis trốn sang hàng ngũ Việt Minh. Kể từ đây, ông được đổi tên là Nguyễn Văn Lập. Đồng đội thường gọi ông với cái tên trìu mến: Kostas Nguyễn Văn Lập. Ông trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 803, Liên khu 5.
Kostas Nguyễn Văn Lập tình nguyện ở đơn vị chiến đấu, hòa mình cùng đồng đội trong mọi khó khăn, gian khổ và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Ông là xạ thủ súng trọng liên của Đại đội hỏa lực Đặng Liêm thuộc Tiểu đoàn 39. Tháng 4-1948, ông và đơn vị đã tiêu diệt 200 tên lính Âu-Phi, góp phần bẻ gãy trận càn của địch tại Hương An-Bà Rén (Quảng Nam). Trong một trận khác, chỉ với 21 viên đạn, ông đã bắn rơi một chiếc máy bay Morane của giặc Pháp.
Kostas Nguyễn Văn Lập thông thạo 3 thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý và đã dùng các ngôn ngữ này phục vụ đắc lực công tác binh vận. Đêm đêm, ông cùng du kích luồn vào gần đồn giặc, bắc loa phóng thanh kêu gọi lính địch bỏ ngũ và đã giác ngộ được nhiều binh sĩ lê dương. Có lần, ông vận động được cả một bốt lính Algeria mang theo đầy đủ vũ khí, trang bị chạy sang ta. Ông đã nhiều lần làm phiên dịch để khai thác và dẫn giải tù, hàng binh Pháp, hai lần đưa hàng binh từ Liên khu 5 theo đường Trường Sơn ra miền Bắc. Đến nay, nhiều cựu chiến binh Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803 vẫn còn nhớ rõ sự dũng cảm của Kostas Nguyễn Văn Lập trong các trận đánh Pháp trên chiến trường Liên khu 5. Trận nào ông cũng được giữ trọng liên hoặc trung liên và bắn chính xác, gây cho địch nhiều tổn thất.
Năm 1949, Kostas Nguyễn Văn Lập được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó, ông được cử đi học lớp cán bộ sơ cấp và là chiến sĩ nước ngoài duy nhất được ta chọn đào tạo cán bộ. Trong những năm 1952-1954, ông được Bộ tư lệnh Liên khu 5 giao làm Tổng giám thị trại tù binh ở Quảng Ngãi. Trên cương vị này, ông ra sức tuyên truyền chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, làm cho mấy trăm tù binh nhận thấy cuộc chiến tranh phi nghĩa của thực dân Pháp và có cảm tình với cách mạng Việt Nam.
Theo thỏa thuận của Hiệp định Geneva năm 1954, Kostas Nguyễn Văn Lập theo đơn vị tập kết ra Bắc, công tác tại sân bay Gia Lâm với chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Cung tiêu-Vận tải và rất tích cực trong các hoạt động chống địch cưỡng ép di cư. Ông đã thực hiện tốt nhiệm vụ phiên dịch cho đoàn chuyên gia Đức trong thời gian Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức giúp ta xây dựng Nhà máy in Tiến Bộ và cũng đã thể hiện được tài năng trong một số bộ phim của Xưởng phim truyện Việt Nam. Năm 1957, ông kết hôn với một cô gái người Hà Nội và sinh được 4 người con. Các con của ông đều được đặt tên Việt Nam.
Đến năm 1965, Kostas Nguyễn Văn Lập được Nhà nước ta cho hồi hương về Hy Lạp cùng với vợ con, bởi nơi ấy còn có người mẹ già cần ông chăm sóc. Khi trở lại Hy Lạp, ông lái xe tải hạng nặng, làm đủ thứ công việc để nuôi vợ con. Ông tâm sự: “Tôi đã mang vợ nước ngoài về thì không bao giờ bắt vợ đi làm. Tôi quyết tâm dù phải vất vả 18 thậm chí 24 tiếng mỗi ngày cũng phải làm để nuôi vợ con. Tôi suốt đời hy sinh cho... vợ con”.
Tại Hy Lạp, ông gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) và tích cực tham gia các hoạt động tạo dựng mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản. Ông cũng là người thành lập Hội Người Việt Nam tại Hy Lạp. Từ đây, ông tích cực kêu gọi, quyên góp ủng hộ vật chất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh, ông đã vận động nhân dân Hy Lạp, kiều bào Việt Nam tại Hy Lạp ủng hộ và tiết kiệm tiền ăn sáng hằng ngày, mang về Việt Nam ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đồng bào bị thiên tai, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Ông cũng từng tháp tùng Tổng thống Hy Lạp thăm Việt Nam và tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hy Lạp, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hy Lạp.
Kostas Nguyễn Văn Lập đã viết hai tập hồi ký: “Ở một trại tù binh Nam Việt Nam” (năm 1987) và “Tại sao tôi sang hàng ngũ Việt Minh” (năm 2010). Hai cuốn sách nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và chính sách nhân đạo đối với tù binh của Quân đội ta. Ông trực tiếp mang sách đi bán lấy tiền ủng hộ Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng.
Trân trọng công lao của Kostas Nguyễn Văn Lập, Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần mời ông về dự các ngày lễ lớn và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý (Huân chương Chiến thắng, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến...). Ông được mời dự Đại hội đại biểu kiều bào yêu nước (năm 2009) và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (năm 2010). Ngày 9-11-2010, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam.
Ngày 23-5-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đối với Kostas Nguyễn Văn Lập, lễ trao tặng được Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8-2013.
Tại buổi giao lưu chào mừng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Kostas Nguyễn Văn Lập nghẹn ngào xúc động bày tỏ lòng cảm ơn vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù là Anh hùng LLVT nhân dân nhưng ông vẫn luôn nói: “Tôi cảm ơn! Tôi đã làm được gì nhiều đâu. Trong trái tim tôi, Việt Nam là Tổ quốc. Mỗi lần trở lại Việt Nam, gặp lại đồng đội, gặp lại bà con là tôi như được trở về chính nhà mình”. Lời nói của ông làm ai nấy đều cảm phục, xúc động và quý mến hơn một người Việt Nam mới, một anh Bộ đội Cụ Hồ, một người anh hùng quá đỗi bình dị mà cao quý...
Dù tuổi cao sức yếu, mỗi lần trở về Việt Nam là mỗi lần ông viết sẵn di chúc, căn dặn con cháu lo hậu sự cho mình. Nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì dứt khoát không đưa ông về Hy Lạp mà hãy chôn cất ông ở Việt Nam. Vì với ông, Việt Nam cũng chính là Tổ quốc, là quê hương như đất nước Hy Lạp mà ông đang sinh sống. Những chuyến đi trở lại Việt Nam, bạn bè tò mò hỏi rằng, với mức lương hưu ít ỏi của mình, ông lấy đâu ra tiền để mua vé máy bay? Ông cười khà khà rồi nháy mắt kể: Mỗi sáng, vợ phát cho ông 3 euro để đi uống cà phê. Ông đã “trốn” không uống mà để dành những đồng tiền ấy mua vé máy bay.
Ở những buổi gặp mặt, khi được giới thiệu lên phát biểu, Kostas Sarantidis luôn kính cẩn cúi đầu chào trước tượng Bác, rồi bước đến bục phát biểu. Ông nói: “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể nào quên với nước Việt Nam của Cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập, tự do”.
Gia đình ông có 8 cháu nội ngoại, sinh sống ở thủ đô Athens và các thành phố khác. Yêu và gắn bó với Việt Nam, Kostas Nguyễn Văn Lập không chỉ đặt tên cho con mà đến cháu cũng lấy tên Việt (Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh...), thậm chí trên hòm thư báo trước cổng nhà ở phố Rodos, thành phố Athens, ông cũng ghi cả hai cái tên Việt Nam và Hy Lạp: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
Ngày 25-6-2021 (theo giờ Việt Nam), Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập trút hơi thở cuối cùng. Trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội, người dân Việt Nam và người dân Hy Lạp bày tỏ sự thương tiếc, tự hào, biết ơn một Anh hùng LLVT nhân dân, một anh Bộ đội Cụ Hồ, một chiến sĩ mang hai quốc tịch đã nặng tình nặng nghĩa với nhân dân Việt Nam.
HOÀNG HẢI LÝ