Liên lạc với Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương khi chị đang bận rộn hoàn tất nhiệm vụ cuối cùng tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở Cộng hòa Nam Sudan và làm công tác bàn giao để chuẩn bị về nước sau nhiệm kỳ 1 năm nhưng đến nay đã kéo dài 1 năm 4 tháng vì đại dịch Covid-19.
Sau một thời gian công tác ở phân khu, Minh Phương được lựa chọn và điều động về Sở chỉ huy các lực lượng quân sự phái bộ tại trụ sở Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UN House), thủ đô Juba. Vị trí của Phương được lựa chọn trong số gần 250 quan sát viên quân sự (QSVQS) toàn phái bộ.
|
|
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương - nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhiệm vụ mới tại cơ quan phụ trách quản lý toàn bộ lực lượng quân sự và các phòng QSVQS của Phái bộ Nam Sudan khá căng thẳng, đòi hỏi chị phải có khả năng tổng hợp tin tức nhanh chóng, xử trí kịp thời và chính xác các sự vụ do các đơn vị báo về, kịp thời báo cáo chỉ huy. Phương phụ trách công tác thông tin liên lạc, hậu cần kỹ thuật của 10 phòng QSVQS cấp phân khu trong toàn phái bộ, đồng thời hỗ trợ cơ quan phối hợp giám sát JVMM (cơ quan trung gian của Chính phủ Nam Sudan và phái bộ) trong xử lý các thủ tục hành chính có liên quan đến phái bộ.
Ngoài ra, công việc đòi hỏi Minh Phương luôn sẵn sàng tham gia đoàn công tác hay các chuyến tuần tra ngắn cùng chỉ huy phái bộ, các phòng, ban đến các điểm nóng, xung đột. Có lần tới hạt Cueibet, điểm nóng xảy ra những vụ xung đột, đụng độ giữa các phe nhóm thanh niên có vũ trang khiến nhiều người chết, nhiều người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Với khả năng giao tiếp khéo léo và gần gũi, Phương được giao nhiệm vụ đối thoại và chuyện trò với các đại diện nữ của địa phương để nắm bắt những vấn đề liên quan tới phụ nữ và trẻ em, những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong chiến tranh và xung đột.
Công việc của một nữ QSVQS mà Phương đảm nhận không phân biệt nam nữ, đòi hỏi những kỹ năng như lái xe đường trường, cứu kéo phương tiện khi bị sa lầy và việc ăn đường, ngủ rừng... trong các chuyến tuần tra dài là điều bình thường. Chuyến công tác dài ngày, xa nhất và là một trải nghiệm đáng nhớ với Minh Phương là tới điểm nóng tiểu bang Yei, cách Juba gần 150km về phía tây nam, gần biên giới Congo DRC và Uganda, Kenya. Đây là những quốc gia có dịch bệnh Ebola đáng sợ mà lính mũ nồi xanh đùa nhau là “mắc thì khó sống” vì điều kiện chăm sóc y tế nghèo nàn. Khu vực này cũng rất phức tạp vì các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ, lực lượng đối lập và các phe nhóm. Lực lượng mũ nồi xanh hoạt động tại Yei bắt buộc phải sử dụng xe bọc thép chống đạn để di chuyển nhằm bảo đảm an toàn. Lái chiếc xe trọng lượng cả tấn trên những con đường lầy lội, lồi lõm “ổ trâu”, nguy cơ lật xe, sa lầy bất cứ lúc nào với các đồng nghiệp nam còn khó, vì vậy, nhiều người không khỏi ái ngại cho nữ sĩ quan mảnh mai Việt Nam. Vậy mà Minh Phương đã khiến các đồng nghiệp phải thán phục vì không những lái tốt mà còn rất vững vàng và tự tin. Theo Trung tá Lương Trường Vinh, cựu đồng nghiệp của Phương ở Phòng QSVQS Trung Xích Đạo, trong thi sát hạch đầu vào khi mới tới phái bộ, Phương đã xuất sắc thi đỗ bằng lái xe, “cửa ải” mà nhiều đồng nghiệp nam phải chật vật thi lại mấy lần mới qua được.
Thời điểm thách thức nhất trong quá trình tham gia sứ mệnh GGHB LHQ của Phương chính là khi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh ở Nam Sudan. Do phải thực hiện rất nhiều quy định về phòng, chống dịch, nhiều cơ quan, nhất là khối dân sự được làm việc tại nhà, từ xa hoặc chia ca, nên các vị trí đều mất nhiều thời gian, công sức hơn trong xử lý công việc. Hơn nữa, Phương phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao vì chị là người duy nhất trong phòng tiếp xúc thường xuyên với đại diện các cơ quan phối hợp quản lý và giám sát JVMM. Họ đều là người Nam Sudan và hầu như rất chủ quan trong việc phòng, chống dịch. Chưa kể có thời điểm công việc bị quá tải, Phương phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ một lúc, thậm chí có thời điểm bận rộn không sắp xếp được cả nghỉ phép. Phương cho biết kể từ tháng 10 năm ngoái đến giờ, chị chưa nghỉ phép ngày nào. Bình thường QSVQS sẽ có 6 ngày nghỉ phép (nghỉ bù) trong một tháng do đặc thù công việc phải làm 24/7. Ngoài công tác tại phái bộ, Phương còn phối hợp cùng Tổ công tác Nam Sudan thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng, Cục GGHB Việt Nam giao như lo các thủ tục hành chính cho hàng hóa cung ứng địa bàn, hỗ trợ đổi quân và các nhiệm vụ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2...
Là người năng động, ưa trải nghiệm thực tế, Phương cho biết đây là một phần lý do mà đang từ một giảng viên ngoại ngữ tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, chị quyết định đầu quân về Cục GGHB Việt Nam để có cơ hội làm những công việc phù hợp với tính cách của mình. Nhận nhiệm vụ tại địa bàn Nam Sudan năm 2019, Phương dần vượt qua áp lực là “người tiên phong” vì lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam chưa có nữ sĩ quan nào tham gia với vai trò QSVQS. Vị trí này hầu như chỉ có nam giới đảm nhận vì rất vất vả, không ít rủi ro nên không nhiều nước cử nữ sĩ quan làm QSVQS. Được sự động viên, giúp đỡ của các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế tại địa bàn, Phương nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công việc, tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với các đồng nghiệp cũng như sự tin tưởng của chỉ huy cấp trên.
HẠNH NGUYÊN