Mô hình gia đình điển hình

Đã từ lâu, những người lính thợ ở Sư đoàn 312 đã tự xây dựng cho mình một mô hình gia đình điển hình: Bộ đội + Giáo viên = Gia đình hạnh phúc.

Thực tế, đây không phải là mô hình mới đối với bộ đội. Thậm chí, mô hình này đã có cách đây nhiều chục năm. Cội nguồn của mô hình này rất đơn giản: Bộ đội thường phải đóng quân hoặc công tác xa nhà; giáo viên thường có điều kiện về thời gian, cộng với năng lực sư phạm trong nuôi dạy con cái. Một “thiếu”, một “thừa” kết hợp với nhau có thể tạo nên một “bộ đôi hoàn hảo”.

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, khi đời sống xã hội có những biến đổi sâu sắc, mô hình gia đình chồng bộ đội-vợ giáo viên đã phai nhạt đi nhiều, nhưng với những người lính thợ ở Sư đoàn 312, đó vẫn là mô hình “chuẩn”.

Thiếu tá Phạm Văn Quang, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 312, tâm sự: Cũng như nhiều đơn vị khác, ngành kỹ thuật của Sư đoàn 312 gặp không ít khó khăn. Về mặt vật chất, công tác quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật (TBKT) với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, phần lớn đã qua sử dụng lâu năm, cường độ huấn luyện cao nên bị rơ lỏng, hư hỏng, xuống cấp; số vũ khí trang bị (VKTB) đưa ra ngoài sử dụng nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn; đồng bộ, phụ tùng, chi tiết được đầu tư còn hạn chế, trong khi nhu cầu công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VKTB đòi hỏi bổ sung liên tục... Về mặt con người, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật vừa thiếu, vừa có trình độ không đồng đều. Phần lớn những người lính thợ ở Sư đoàn 312 đều trong cảnh xa nhà, lương thấp... Có lẽ vì thế mà các cán bộ, nhân viên kỹ thuật nơi đây đều “ưu tiên” chọn vợ là giáo viên. Anh Quang thổ lộ, có được “nội tướng” công việc ổn định, có thời gian chăm lo cho gia đình, những người lính thợ mới thực sự yên tâm công tác.

Thiếu tá Phạm Văn Quang (bên phải), Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 312 kiểm tra công tác niêm cất, bảo quản vũ khí.

Thiếu tá Phạm Văn Quang có thể coi là một trường hợp lính thợ điển hình ở Sư đoàn 312. Sinh năm 1974, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, con đường học hành của anh bắt đầu từ Trường Trung cấp Vũ khí đạn, rồi lên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Con đường lính thợ của anh Quang bắt đầu từ thợ sửa vũ khí, tiếp là trợ lý, trưởng ban và hiện tại là phó chủ nhiệm kỹ thuật. Còn con đường hạnh phúc của anh Quang cũng tương tự rất nhiều lính thợ ở Sư đoàn 312. Vợ anh là giáo viên mầm non ở thị trấn Sóc Sơn. Anh Quang có một con trai (lớp 12), một con gái (lớp 8). Nhà cách đơn vị vài chục cây số, mỗi tháng hai lần anh được về nghỉ tranh thủ dịp cuối tuần, nếu đơn vị có việc đột xuất thì phải ở lại. Ít có điều kiện chăm sóc gia đình, nhưng anh Quang hoàn toàn yên tâm vì có được một “nội tướng” đảm đang.

Trò chuyện chưa đầy 15 phút, anh Quang đã đề nghị: “Nếu nhà báo thực sự muốn hiểu về những người lính thợ ở 312 thì nên xuống thẳng xưởng”.

Tất nhiên rồi! Để hiểu những người lính thợ cả đời quen với sự thầm lặng, không gì hơn là gặp họ ở đúng môi trường họ làm việc hằng ngày!

Thầm lặng cống hiến

Trạm bảo dưỡng, sửa chữa tổng hợp của Đại đội 26, Sư đoàn 312 có được khuôn viên mà tất cả những người ở thành phố đều ao ước: Rộng, thoáng, nhiều cây xanh... Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Lý, Đại úy Tô Hồng Đạt, Đại đội trưởng Đại đội 26 và Thiếu úy QNCN Ngô Tiến Mạnh đón chúng tôi bằng nụ cười... lem dầu mỡ. Lại thêm hai gia đình “chuẩn” mô hình chồng bộ đội-vợ giáo viên.

Vài dòng trích lược về Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Lý: Sinh năm 1970, quê ở Tam Nông, Phú Thọ; năm 1990 học Trường Hậu cần kỹ thuật Quân đoàn 1, chuyên ngành sửa chữa ô tô; năm 1991 ra trường, về công tác tại Sư đoàn 312. Vợ anh Lý quê ở Bắc Giang, là giáo viên tiểu học, lập nghiệp ở Sóc Sơn. Con gái anh vừa tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; con trai anh 15 tuổi.

Được coi là “cánh chim đầu đàn” của ngành kỹ thuật Sư đoàn 312 nhưng Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Lý lại rất lúng túng khi “bị” phỏng vấn. Anh thật thà nói: “Anh hỏi đơn giản thôi nhé. Tôi không biết trả lời thế nào đâu”. Bởi vậy, câu chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh chuyện đời, chuyện nghề của anh.

Những thành tựu trong nghề nghiệp của anh Lý không chỉ là sự tích lũy theo thời gian. So với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cụ thể là kỹ thuật ô tô, những gì anh được học tại nhà trường nhanh chóng trở nên lạc hậu. Thậm chí, ngay cả những chủng loại ô tô hằng ngày anh sửa chữa, bảo dưỡng cũng đều là loại cũ. Cũ thì không khó sửa, nhưng lại khan hiếm vật tư thay thế. Thế là thợ sửa chữa như anh Lý thành thợ... đủ thứ. Từ gia công cơ khí đến mày mò chế tạo, sửa chữa những chi tiết phụ tùng thay thế nhằm bảo đảm những chiếc xe “qua tay” Đại đội 26 đều trở nên đáng tin cậy.

Gần ba chục năm gắn bó với nghề, anh Lý đã lên bậc thợ 7/7. Không chỉ thế, anh được ghi nhận là người thợ ô tô có trình độ cao nhất Sư đoàn 312. Năm 2008, anh đạt danh hiệu Thợ giỏi cấp Quân đoàn 1; năm 2009, đạt Thợ giỏi cấp toàn quân.

So với anh Lý, Thiếu úy QNCN Ngô Tiến Mạnh kém nhiều về tuổi đời (sinh năm 1984), tuổi nghề, nhưng cũng giống ở “khoản” đa năng. Nhiệm vụ chính là lái xe cẩu kéo SSCĐ nhưng chàng trai quê Ý Yên, Nam Định biết làm đủ mọi việc. Và đặc biệt hơn, Mạnh là một “cây sáng kiến” của Sư đoàn 312. Sáng kiến gần đây nhất của anh-“Giá giữ chân súng trung liên trong duyệt đội ngũ”-đã được công nhận ở cấp sư đoàn. Trước đó một năm, sáng kiến “Bóng đèn kiểm tra điện và chiếu sáng súng SPG-9” rất có giá trị của Mạnh đã ra đời. Sáng kiến sử dụng bóng đèn LED có giá 20 nghìn đồng thay thế cho bóng nguyên bản có giá 110 nghìn đồng. Không những tiết kiệm được rất đáng kể về kinh phí, sáng kiến của Mạnh còn giúp quá trình kiểm tra thuận lợi và chính xác hơn cả ở... nhà máy. “Bóng đèn kiểm tra điện và chiếu sáng súng SPG-9” đã được công nhận sáng kiến loại A cấp quân đoàn và gửi đi dự thi cấp toàn quân.

Với Mạnh, sáng tạo luôn là niềm đam mê bất tận. Mỗi khi đứng trước những vấn đề về kỹ thuật, anh lại mất ăn mất ngủ, rồi tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ để lọ mọ trong xưởng tìm cách giải quyết. Sự phấn đấu, quyết tâm của anh không chỉ đem lại những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị mà còn giúp bản thân anh trau dồi chuyên môn, trở thành một trong những lính thợ “cứng” nhất Sư đoàn 312, với 3 năm liên tiếp (2013-2015) đạt danh hiệu Thợ giỏi cấp toàn quân.

Tôi chọn Đại úy Tô Hồng Đạt làm “nhân vật” để phỏng vấn cuối cùng là có lý do. Bởi lẽ, khi biết tôi đã tìm hiểu “từ dưới”, nắm được tình hình cơ bản, chỉ huy không thể “tô hồng” thành tích của đơn vị. Tuy nhiên, có vẻ như sự cẩn thận của tôi đã trở thành thừa. Dù là chỉ huy đơn vị nhưng Đạt cũng lăn lộn như lính thợ. Mà, lính thợ thì chỉ biết có sao nói vậy.

Sinh năm 1982, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, chàng trai quê Gia Phú (Gia Viễn, Ninh Bình) Tô Hồng Đạt về công tác tại Sư đoàn 312. Năm 2015, anh về “nắm” Đại đội 26. Không chỉ là nhân tố quan trọng góp phần khiến Đại đội 26 giữ vững vai trò là đại đội kỹ thuật chủ lực của sư đoàn, nhiều năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đạt cũng là một “cây sáng kiến” đáng nể. Trong số hàng chục sáng kiến của anh, “Mô hình huấn luyện vũ khí phá vật cản FMV-B1” đã đem lại hiệu quả cao, năm 2019 được nhân rộng ra toàn quân.

Kể về những khó khăn ở một đơn vị kỹ thuật như Đại đội 26, Đại úy Tô Hồng Đạt cho biết, cái khó đầu tiên là lực lượng phân tán. Các cán bộ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị phải liên tục theo sát hoạt động huấn luyện, diễn tập của sư đoàn. Vì thế, công tác điều hành gặp không ít khó khăn. Còn cái khó quan trọng nhất là công tác bảo đảm an toàn. Công tác này đòi hỏi những người lính thợ phải có ý thức kỷ luật rất cao, lại phải cẩn thận, tỉ mỉ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

“Khó khăn nào cũng vượt qua...”, dù còn những trăn trở về cuộc sống, nhưng những người lính thợ ở Sư đoàn 312 vẫn luôn khắc phục mọi khó khăn, góp phần quan trọng đưa sư đoàn nhiều năm liền hoàn thành vượt chỉ tiêu công tác kỹ thuật. Quá trình bảo dưỡng, niêm cất, tiếp nhận, cấp phát, thu hồi, trả trên luôn diễn ra đúng nguyên tắc, an toàn tuyệt đối, bảo đảm thiết bị đầy đủ, kịp thời trong mọi tình huống.

Trong bản báo cáo tổng kết hằng năm hay báo cáo chính trị của đại hội đảng bộ mỗi khóa ở hầu hết các đơn vị bộ binh chủ lực làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ như Sư đoàn 312, nội dung công tác kỹ thuật thường chỉ ngắn gọn ít dòng. Thế nhưng những người lính kỹ thuật luôn chứng minh vai trò quan trọng trong thành tích chung của đơn vị. Họ chính là những người góp phần bảo đảm cho sự thành công của hoạt động huấn luyện SSCĐ, cho các cuộc diễn tập, những nhiệm vụ đột xuất... Công việc và con người họ cứ lặng thầm, miệt mài cống hiến như những chú ong mật!

Bài và ảnh: HUY ĐĂNG