QĐND - "Ý nghĩa của cuộc đời không phải là sống nhiều năm mà là làm nhiều việc". Đó là những trang nhật ký đầy khao khát cháy bỏng thời trai trẻ của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ...
Chín chắn từ thuở học trò
Nhắc tới Lưu Quang Vũ (1948-1988) hẳn mỗi chúng ta đều nghĩ ngay tới một trong những nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc. Gần đây, người em ruột của anh là nhà nghiên cứu văn học PGS.TS Lưu Khánh Thơ đã công bố tập nhật ký có phần một mang tên Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường. Lật giở từng trang nhật ký, mỗi chúng ta như cảm nhận rõ hơn tâm trạng và suy nghĩ của Lưu Quang Vũ trong những ngày sôi động của đất nước. Đặc biệt, ngày vào bộ đội đã được chính tác giả ghi lại khá chi tiết.
|
Lưu Quang Vũ những ngày đầu quân ngũ. Ảnh tư liệu gia đình
|
Nhật ký ngày 8-12-1964 có đoạn viết: Cuộc sống ngắn ngủi lắm, con người trôi qua một cuộc đời, rất ngắn… Vấn đề là trong cái cuộc đời nhỏ bé của anh, anh đã để lại cái gì? Sự nghiệp của anh sẽ là cái dây nối anh với thời gian, nếu không cuộc sống sẽ chỉ là một trò hề ngắn ngủi. Cho nên: "ý nghĩa của cuộc đời không phải là sống nhiều năm mà là làm nhiều việc ". Nỗi khắc khoải ấy đã đưa Lưu Quang Vũ đến với lý tưởng thiêng liêng của mình - viết đơn xin nhập ngũ. “Miền Bắc đang có phong trào thanh niên viết đơn xin nhập ngũ, lòng mình cũng bừng bừng biết bao. Chiều viết một lá đơn đầu tiên, đặt bút xuống trang giấy, thấy thiêng liêng và xúc động. Được cầm súng chiến đấu trong lúc này thì hạnh phúc biết bao (14-3-1965)”. Chàng trai trẻ Lưu Quang Vũ gác bút nghiên lên đường chiến đấu, để lại sau lưng những trang sách học trò còn thơm mùi mực mới nhưng cũng khôn nguôi tiếc nuối: "Thế là vĩnh biệt đời học sinh, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Đó là hai, ba năm học cấp ba, với bao nhiêu ngỡ ngàng của một chàng trẻ tuổi, bao nhiêu là mơ hoa, bao nhiêu là mộng đẹp, những ngày tươi nắng, mùa thu, mùa hạ, bạn bè, thơ, văn, nhạc, họa” (14-5-1965).
Ngày nhập ngũ
Ngày lên đường của Lưu Quang Vũ như một bức tranh toàn cảnh khá tiêu biểu cho không khí sục sôi của Hà Nội thời điểm lúc bấy giờ: “Sắp tới lúc đi rồi, mẹ ơi, đừng khóc nữa, đừng buồn mẹ nhé, để con đi, bao giờ tan hết giặc con về... (3-6-1965). Với những người em, anh cũng không quên dặn dò bằng tình cảm thật trìu mến: “Hiệp, Điền, hai đứa em giai bướng bỉnh, dũng cảm và tài hoa của ta. Ta biết hai em sau này sẽ trở thành những chàng trai có tầm vóc lớn đẹp giữa cuộc đời. Và K. Thơ bé bỏng của anh... Khánh Thơ xinh đẹp và ngoan ngoãn của anh, cả em nữa Thơ ạ. Em đừng quên những năm tháng này, khi em còn bé bỏng, em đừng quên chiều hôm nay, Thơ nhé! ở nhà phải ngoan nghe không!(3-6-1965).
Những người bạn đã gắn bó thân thiết với anh cũng tới tiễn anh lên đường. Ra đi trong tiết trời Hà Nội những ngày đầu tháng 6, màu phượng đỏ rực trên những con đường thân quen cũng như đang vẫy chào anh: “Mình xúc động nhiều, nhưng không khóc, trong các giờ phút cách xa không biết ngày về này, có một cái gì thiêng liêng và cao rộng. Mình ngắm lại từng khuôn mặt thân yêu của những người đi tiễn: Bố, mẹ, Hiệp, Điền, Thơ, Châu, Hiển, Quang... Mình hiểu mình ra đi không phải là một mình mà có bao đồng chí, bao những người cùng đội ngũ... (3-6-1965).
Thời cầm súng
Với nhiều suy nghĩ hết sức già dặn về quan niệm sống, về cuộc đời, rõ ràng Lưu Quang Vũ đã vượt xa tầm hiểu biết của một chàng thiếu niên mới lớn. Để rồi tới ngày vào bộ đội, được trở thành một chiến sĩ, anh có những tâm sự vô cùng sâu sắc: “17 năm! 17 năm ta đã sống, đã lớn lên. Tâm hồn và ý chí đã trở thành một con người xứng đáng. Ta sớm bước vào đời, lại là đời chiến sĩ. 17 tuổi. ôi hạnh phúc nào hơn hạnh phúc 17 tuổi đời cầm súng giữ quê hương! Ta ra đi, hành lý không có gì ngoài tấm lòng bát ngát yêu thương, ngoài một trái tim dào dạt ước mơ và dũng cảm (3-6-1965).
Những năm sau này khi đã vào phục vụ trong quân ngũ, Lưu Quang Vũ làm khá nhiều thơ. Đó không phải là kiểu thơ của thuở học trò sách vở thơ mộng mà giờ thơ của Vũ mang cảm xúc mới và hơi thở mới, tiêu biểu cho một thế hệ lên đường. Thơ của anh xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí như: Văn nghệ quân đội, Văn nghệ … Cũng trong giai đoạn này, tập thơ đầu tay của anh đã được ra đời với nhan đề "Hương cây bếp lửa" (in chung với Bằng Việt). Anh có rất nhiều tâm trạng từ những thông tin từ chiến trận báo về: “Trưa, nghe đài báo tin về Đà Nẵng: Nơi quê nội thân yêu ta chưa hề tới, đang bị giày xéo vì giày đinh của quân thù, nơi ấy đang có những thằng giặc Mỹ!”(14-12-1964). Vui mừng, rạo rực khi: “Tối nghe đài báo: Bản tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, kêu gọi những người con miền Nam tập kết trở về chiến đấu… (23-3-1965). Chính vì thế, khao khát được chiến đấu vì Tổ quốc, vì quê nội thân thương càng thôi thúc Lưu Quang Vũ hơn bao giờ hết: “Cảm ơn tất cả, nhờ đất nước, nhờ nhân dân, ta sinh ra đời không phải sống ngày nô lệ. Hứa với những người đã khuất, hứa với những người đang còn sống, suốt đời tôi, tôi sẽ làm việc và chiến đấu” (19-12-1964).
Hình ảnh chàng trai trẻ Lưu Quang Vũ náo nức, hăm hở trước cuộc đời của một chiến sĩ đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm về tuổi trẻ của những năm kháng chiến chống Mỹ. Lưu Quang Vũ đã làm như những gì cha anh, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận dặn dò trước đó: “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ hay nhà thơ thì trước nhất, con hãy làm Người đi đã". Thời gian phục vụ trong quân chủng Phòng không – Không quân 5 năm đã tạo vốn sống quan trọng để tài năng văn học của anh nở rộ...
Lê Thị Phượng