QĐND - Chỉ còn trọn một ngày nữa là tôi kết thúc chuyến công tác dọc dải miền Trung đậm đà nắng gió. Đang ở giữa những cồn cát trắng Cam Ranh, đột nhiên tôi nhận được lời đề nghị khá thú vị: Ra đảo Bình Ba. Ở đó có cái gì? Nhiều thứ lắm! Ban ngày nắng đẹp, trời trong, biển xanh, cát trắng… Chỉ thế thôi sao? À quên, trên đỉnh Bình Ba có Đài quan sát mắt… Chi tiết cuối cùng khiến những do dự trong tôi hoàn toàn biến mất.
|
Các chiến sĩ Đài quan sát mắt Bình Ba làm nhiệm vụ. ... và trổ tài nội trợ. Ảnh: VQ |
Quân, tư trang, bút, sổ và máy ảnh đã sẵn sàng. Đang hăm hở chuẩn bị lên đường thì Đại tá Phan Thanh Ngợi-Phó chính ủy Sư đoàn 377 nhẹ nhàng bảo tôi: Em ra được với bộ đội là rất quý. Nhưng mùa này gió lớn, đi xuồng qua eo biển nguy hiểm lắm. Ra mà không về kịp là lỡ máy bay đấy. Tôi nói cốt để anh yên lòng: Cứ cho em ra cầu cảng, nếu sóng to thì em quay về, được không? Thật may, chúng tôi đã vượt qua eo biển an toàn. Công ấy thuộc về Trung úy QNCN Phạm Chính Bắc-Đài trưởng Đài quan sát mắt Bình Ba. Anh đã nhờ một ngư dân kỳ cựu của làng chài chạy xuồng sang đón chúng tôi. Lại chuẩn bị sẵn hai “con ngựa chiến” để chúng tôi vượt dốc.
Chở tôi đi qua làng chài rợp bóng dừa xanh, qua những con phố dài khá đông dân cư và dốc ngược, Đài trưởng Bắc thủ thỉ: Con người trên đảo giản dị, chất phác, mộc mạc lắm chị ạ. Họ hiếu khách và hào phóng như biển vậy. Cái chú mang xuồng chở chị là người em quen. Có cái gì ngon cũng dành phần bộ đội, dễ thương lắm! Dễ thương nên em mới cắm chốt ở đây lâu đến thế chứ gì? Bắc cười, một nụ cười thật nhẹ.
Rồi con phố có nhà dân ở cũng hết, Bắc cứ chở tôi bươn về phía trước, vượt qua những con dốc dựng đứng nối tiếp nhau. Ngoặt, ngoặt rồi lại ngoặt… gió biển thổi đến lộng óc mà trán tôi ướt đẫm mồ hôi. Lao đến kịch dốc thì chiếc xe dừng lại. Từ đây tôi phải leo bộ chừng mươi phút mới đến Đài quan sát mắt. 6 chàng lính trẻ ào ra bậc thềm, đôi mắt lấp lánh niềm vui, tiếng chào xôn xao làm rộn căn nhà rộng chừng năm chục mét vuông: Em là Hạ sĩ Trần Đức Long. Em, Binh nhất Phạm Văn Dũng. Em, Trung sĩ Phạm Quốc Sang. Em, Binh nhất Nguyễn Giáo Hoàng. Em, Binh nhất Võ Xuân Phú…
Đợi mãi không thấy chàng thứ 6 xướng tên. Tôi ngẩng lên bắt gặp một gương mặt trẻ măng đang bối rối. Còn em? Tên nó dài lắm chị ơi. Nói chị nghe coi? Dạ, em là Binh nhất Nguyễn Dương Trường Toàn. Vì cậu chàng là người miền trong nên chữ “Toàn” em phát âm khá ngộ. Chúng tôi cùng cười ồ vui vẻ.
Tôi nhìn nhanh cơ ngơi, vẻn vẹn chỉ có 3 chiếc giường tầng và một chiếc giường đơn kê áp vào tường; một ban thờ treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và một chiếc ti vi. Nhưng ở nơi "sơn cùng thủy tận" này, nội vụ của các em vẫn ngăn nắp gọn gàng. Phía ngoài có vuông bếp nhỏ và đầu hồi có chiếc bể khá to. Theo Đài trưởng Bắc thì bể xây xong khá lâu rồi mà trời vẫn chẳng mưa cho. Vì vậy, điệp khúc “thiếu nước” chưa biết đến khi nào mới xóa được. Anh và các chiến sĩ cứ hai ngày phải đi bộ gần 3km xuống Trạm ra-đa của Bộ đội Hải quân tắm nhờ, rồi tranh thủ cõng nước lên nấu ăn. Tắm kiểu này chỉ để “an dân”, chứ leo lên được nơi ở thì người lại “bẩn” nguyên như cũ. Mà hai năm nay mới có điện, có đường bê tông, chứ trước còn khó khăn hơn.
Nhìn ra vuông cửa sổ, biển như chảo nước sôi mịt mù khói. Nơi này sáng thì nắng chói chang, nhưng đến nửa chiều trời đã chuyển lạnh, mù sà xuống đậm đặc có cảm giác như bốc được. Phú-cậu em út của đài tâm sự: Mùa mưa trên này rất buồn, không ra ngoài được, chúng em chỉ loanh quanh trong nhà. Hàng xóm duy nhất là mấy anh ở Trạm quan sát mắt của Hải quân, chứ dân không được phép lên đây. Có lẽ vì thế mà họ đối với nhau thân thiết như trong một gia đình. Đài trưởng Bắc tuy trầm tính, ít nói, nhưng lại rất có uy đối với anh em. Thường thì mọi công việc của đài được anh cắt đặt rất khoa học, hợp lý. Ngoài giờ canh trực, họ thay nhau đi tiếp phẩm, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Tối đến, nếu không có lệnh canh trực, họ quây quần quanh chiếc ti vi. Nhiều đêm nhớ nhà, họ tranh nhau kể chuyện “quê tớ” hăng đến nỗi Đài trưởng phải can thiệp mới thôi.
Trung úy QNCN Phạm Chính Bắc, quê ở TP Vinh (Nghệ An). Sinh năm 1976, nhập ngũ năm 1996, Bắc là báo vụ 15W thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377. 17 năm gắn bó với miền đất Cam Ranh, Bắc đã hai lần ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Lần đầu vào năm 2001. Mười năm sau, anh lại có mặt tại Trạm ra-đa 11 anh hùng. Những khoảng thời gian còn lại, Bắc đều gắn bó với Đài quan sát mắt Bình Ba. Không thể đếm hết những lần chiến sĩ thay quân, chỉ mình anh là trụ lại. Cũng đã tròn 10 năm nay, Bắc chưa hề ăn Tết ở nhà. Cứ lênh đênh mãi, 30 tuổi anh mới lập gia đình. Mà lấy được vợ cũng là do người bạn thân chủ động giới thiệu em gái cho. Họ thư từ trao đổi với nhau 6, 7 năm trời mới tiến tới hôn nhân. Cưới xong Bắc lại đi biền biệt, con gái được 6 tháng tuổi anh mới có dịp ghé qua nhà. Tôi ngỏ ý muốn xem hình gia đình nhỏ của anh. Ngập ngừng mãi Bắc mới đưa ra tấm ảnh một cô gái trẻ đang rạng ngời hạnh phúc bên bé gái bụ bẫm đáng yêu.
- Bây giờ, mỗi năm em có tới 50 ngày phép. Em thường xin về một lần để có thời gian giúp đỡ vợ con. Biết xa nhau thế này, cô ấy rất vất vả. Nhưng em là bộ đội mà.
Rồi không để tôi phải ngẫm ngợi lâu, Bắc bảo:
- Chị cứ ở đây chơi với các em. Em chạy đằng này một lát.
Nhìn theo cái bóng hao gầy của Bắc xa dần, lòng tôi trĩu nặng tâm tư. Khoảng thời gian còn lại của chiều, tôi nhập vào nếp sống sinh hoạt của bộ đội. Cả đài có 3 cây đu đủ và 9 chú chó. Công việc lau nhà, vo gạo, nhặt rau, nấu ăn… họ làm rất nhanh. Với tuổi 19, 20 thế này, nếu còn ở gia đình, chắc chắn không nhiều em biết làm cá mực tươi, chiên trứng và kho thịt. Ở đây, họ làm thành thạo và khéo đến mức ngạc nhiên. Trước giờ cơm chiều, họ cùng nhau nâng tạ, thi hít đất, tiếng cười trong trẻo loang rộng. Tối, chúng tôi quây quần bên mâm cơm do chính bàn tay các chàng lính trẻ sửa soạn. Cảm giác ấm áp đặc biệt ấy thật khó quên.
Đêm ở đảo Bình Ba, không gian thật yên tĩnh, trong lành. Vậy mà tôi cứ nằm thao thức mãi. Chia tay Đài quan sát mắt khi nắng đã rát mặt người. Vẫn là Đài trưởng Phạm Chính Bắc tự tin điều khiển "con ngựa chiến” thả dốc đưa tôi xuống cầu cảng. Anh còn cẩn thận theo xuồng tiễn chúng tôi về tới đất liền mới quay trở lại. Nhìn theo cái dáng hao gầy của Bắc, ngước trông lên đỉnh Bình Ba - nơi có Đài quan sát mắt bây giờ chỉ nhỏ như cái hộp diêm lấp lóa ánh mặt trời; bất giác tôi nhủ thầm: Họ thật xứng đáng với tên gọi “mắt thần của biển”.
Ghi chép của QUỲNH VÂN