"Để yên cho chúng nó..."

Người dân miền quê giáp ranh hai huyện Yên Thành, Đô Lương, tỉnh Nghệ An đều hết mực tin yêu, kính trọng cụ. Không hẳn vì cụ là người sống khỏe, sống lâu nhất vùng, mà bởi mọi người yêu mến, kính trọng tấm lòng nhân ái, bao dung, đức hy sinh của cụ.

Cả vùng, hầu như không ai còn nhớ tên thật của cụ, bởi đã hơn 40 năm nay, người ta lấy tên đứa cháu đích tôn để thành kính gọi cụ là "cụ Minh". Cũng không ai còn biết quê quán cụ ở đâu, chỉ biết, khi về làng làm dâu, cụ là cô gái xinh đẹp, nết na, lại có duyên ngầm đáo để. Nghe nói, phải khôn ngoan lắm, cụ mới thoát khỏi con mắt thèm khát và thủ đoạn xảo quyệt của lũ cường hào ác bá trong vùng thời đó để đi theo tiếng gọi tình yêu mà kết hôn với anh lính vệ quốc đoàn.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Tổng cục Chính trị cùng mẹ Khuy và lãnh đạo, chính quyền địa phương, đơn vị trong ngày tặng nhà tình nghĩa cho quân nhân Nguyễn Tất Minh (12-2006).

Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Vợ chồng gần nhau chưa được bao lăm thì ông đưa vợ về quê bái tổ rồi đi biền biệt, để lại cho người vợ trẻ cái bụng bầu ngày một to dần, rồi một bé gái đỏ hỏn ra đời trong cảnh loạn ly, luôn phải nằm trong cái thúng toòng teng một đầu đôi quang của mẹ cùng bà con gồng gánh chạy Tây.

Hòa bình lập lại, ông về với bà trong hoàn cảnh ốm đau vì thương tích đầy người. Đã mấy lần sa sẩy, rồi trời cũng cho vợ chồng bà có được bé trai. Nhưng ông đột ngột lâm bệnh, bỏ cụ bà bấy giờ còn rất trẻ cùng hai đứa con thơ. Biết bao trai tráng gần xa muốn chắp nối cùng cụ nhưng cụ chối từ, một mực thờ chồng, nuôi con.

Năm 1972, con trai duy nhất của cụ là Nguyễn Tất Lan vừa tròn mười tám tuổi đã xung phong nhập ngũ. Ban đầu, Lan huấn luyện chiến sĩ mới ngay trong huyện, cách nhà đâu vài chục cây số. Nhưng cụ nghĩ, đã bộ đội thì phải đi đánh giặc, sớm muộn gì Lan cũng vào chiến trường. Chiến tranh nghiệt ngã, ngộ nhỡ... Vậy là, mặc dù biết con còn quá trẻ, mối tình với cô gái làng bên Nguyễn Thị Toàn âu cũng chỉ mới manh nha, nhưng cụ đánh liều sang nhà gái đặt vấn đề. Thấu hiểu lòng cụ và vốn đã cảm tình với chàng trai khỏe mạnh, hiền lành, thầy mẹ nhà gái vui vẻ nhận lời. Thế là cụ lặn lội hơn hai chục cây số, lên đơn vị xin phép cho Lan về cưới vợ. Đám cưới nhà binh diễn ra chóng vánh nhưng ấm cúng, vui vẻ. Có cả thủ trưởng đơn vị về chung vui, phát biểu. Cụ tự hào, mãn nguyện lắm. Lan được ở lại hưởng "tuần trăng mật" hai hôm. Thời chiến bấy giờ, thế là hạnh phúc lắm. Lan lên đơn vị, lặng bặt đi mấy tháng trời. Rồi bỗng một hôm... cụ còn nhớ, đã quá nửa đêm, mẹ chồng nàng dâu đang ôm nhau ngon giấc. Bỗng con đốm từ góc nhà choàng dậy, cẫng lên cuống cuồng xoắn xuýt ăng ẳng. Lan đột ngột xuất hiện như trên trời rơi xuống. Nhanh hơn cả con dâu, cụ bật dậy, ôm chầm lấy Lan mắng yêu: "Răng mà về khuya rứa con?". Như sợ mẹ hiểu nhầm, Lan vội lên tiếng: "Mẹ ạ, không phải con trốn mà chính trị viên cho con về, sớm mai lên đơn vị đi B mẹ ạ". "Mẹ biết, mẹ biết, con vô với vợ đi con". Rồi một tay nắm cánh tay con, một tay cụ đẩy con trai tới cửa buồng, nơi con dâu đang bẽn lẽn chưa hết bất ngờ. Mẹ vui sướng dẫu không kịp đốt chút đèn ngắm nhìn con cho bõ nhớ. Mẹ luống cuống định bụng nhóm bếp nấu nồi cơm nếp. Nhưng như chợt hiểu... cái buồng trống hoác. Mẹ vội vàng dập ngay ngọn lửa chửa kịp bén, lại vội vàng ra cái chõng đầu hiên nhẹ nhàng ngả lưng, xoay nghiêng người ra hướng ngõ, nằm im lặng như đã ngủ thật say, tủm tỉm một mình.

Kỳ diệu thay, những phút giây ngắn ngủi ấy đã kịp cho Lan gửi lại một giọt hồng, một mầm sống cho người vợ trẻ yêu dấu, cho dòng họ Nguyễn Tất xã Thượng Sơn thân thương trước khi Lan hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Cuối năm 1973, một bé trai kháu khỉnh chào đời. Bà nội đặt tên cho cháu là Nguyễn Tất Minh. Toàn phấn khởi vô cùng, cô vội vã viết thư báo tin vui cho chồng. Nhưng thư đi mà chẳng thấy thư về. Không biết ở chiến trường xa xôi ác liệt ấy chồng cô có kịp nhận tin vui? Nỗi trăn trở cứ theo cô suốt ngày dài lại đêm thâu. Bỗng một hôm, bầu trời như sập xuống, nghiền nát trái tim chan chứa yêu thương của người vợ trẻ. Huyện đội cử cán bộ về báo tử: Nguyễn Tất Lan đã hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cụ Minh không khóc thành lời mà ôm chặt con dâu cùng cháu đích tôn nghẹn ngào nức nở. Hình như đến cả năm trời, mỗi lần ru cháu, người ta không còn nghe được lời ru ngọt ngào, sâu lắng chan chứa hồn quê của cụ. Cụ chỉ vỗ vỗ vào lưng cháu yêu với những điệp khúc "à ơi... à ơi" đến não lòng... Cún con, cháu nội Tất Minh của bà càng lớn càng giống cha như hai giọt nước, suốt ngày quấn quýt bên bà. Nỗi đau rồi cũng nguôi ngoai. Cứ mỗi lần nhắc đến con trai đã hy sinh, cụ lại vấn vương nỗi niềm biết ơn "cái anh chính trị viên gì đó"... Nếu cái nhà anh ấy không tình cảm sâu sắc, không cho con trai bà về với vợ nó chỉ một chút trong đêm trước lúc vô Nam thì làm chi bà có phước được cháu đích tôn.

Gả chồng cho con dâu

Cũng không biết từ bao giờ, cụ Minh không coi Toàn là con dâu mà hết lòng chăm chút, yêu chiều như con đẻ. Cụ dành trọn niềm yêu thương trìu mến cho con, cho cháu. Từ ngày hết cữ, Toàn được vào bán hàng ở bách hóa xã. Gái một con mơn mởn sức xuân như gợi nhớ một thời xuân sắc ngày xưa của cụ.

Nhìn con dâu xinh đẹp, nết na ngày ngày lầm lũi, quẩn quanh, hết bách hóa rồi về nhà mà lòng mẹ se sắt khôn nguôi. Không chỉ thủ thỉ khuyên giải, phân tích thiệt hơn, cụ còn đánh tiếng và nhờ bà con mai mối gả chồng cho Toàn. Nhất là từ cái đận thằng Đường, bạn chiến đấu, mà hình như còn là thủ trưởng cũ của Lan về thăm. Đường hơn Lan bốn tuổi, từ chiến trường trở về, được đi học ở tận Thủ đô rồi mới về quê công tác mà ngoài ba mươi tuổi còn chưa chịu lấy vợ. Sau nhiều phen bóng gió vun vén không xong, mẹ nghĩ, nói gần nói xa chẳng qua không bằng nói thật.

Một hôm, trước mặt cả hai đứa, cụ thủng thẳng: "Đường à, mẹ coi con như thằng Lan từ lâu lắm rồi, con thì coi thằng Lan như ruột thịt, con cũng quý con Toàn, mẹ giao mẹ con nó cho con". Thế rồi không đợi trả lời, cụ như vừa giục giã, như vừa van nài: "Bây dạ một tiếng cho mẹ mừng đi con!". Hiểu được tấm lòng cụ, sau sáu năm ròng rã thờ chồng, nuôi con, Toàn vâng lời mẹ đi bước nữa. Con dâu tái giá mà cụ vui như con gái đi lấy chồng. Ngày lên "xe hoa", Đường đã lau chùi chiếc xe phượng hoàng bóng lộn để đón vợ.

Giờ lành đã tới, mặc chú rể cùng bà con đứng đợi, mặc mẹ đã dặn ra ngõ không được ngoái đầu lại. Vậy mà, chưa ra đến ngõ, Toàn đã nhào ngược trở lại ôm chầm lấy bà siết chặt vòng tay đến nghẹt thở, rồi nức nở: "Mẹ, con không đi lấy chồng nữa". Cụ nhẹ nhàng gỡ tay con dâu nựng như nựng trẻ con: "Xấu hổ con tui tề. Thôi nín đi con, có đi mô xa mà khóc". Một tay cụ lần gỡ tay Toàn, một tay kéo mái đầu con dâu còn thơm nức mùi hương bưởi thường xuyên được cụ gội. Cụ dìu con dâu ra ngõ, miệng thì thầm: "Vui lên con, lên xe kẻo tội thằng Đường con à, mai mốt mẹ sang với các con"...

Hậu phương nồng ấm

Để vui lòng Toàn, cụ để cho cháu Minh cùng về bên ấy. Cụ bảo: "Cũng chẳng bao xa, thi thoảng bà cháu lại sang thăm nhau, càng thêm gần gũi hai nhà". Tất Minh được theo mẹ về nhà mới. Anh Đường, chồng mới của Toàn thấu hiểu lòng vợ, hết lòng thương yêu hai bà cháu. Hai gia đình nhỏ sống đầm ấm trong tình thương ruột thịt.

Khi biết trông nhà, nấu cơm, mẹ cho Minh về ở cùng để đỡ đần cho bà. Minh ngày một khôn lớn, chăm ngoan, hiếu đễ. Học hết cấp ba, biết mẹ và bà khó khăn, Minh không thi đại học mà chỉ xin vào học trường trung cấp nông lâm của tỉnh. Năm 1993, tốt nghiệp trung cấp, Minh về quê để được gần mẹ, được sớm hôm đỡ đần bà. Vốn siêng năng, thật thà và sáng dạ, Minh được bà con yêu quý, được lớp trẻ tín nhiệm bầu làm cán bộ đoàn thanh niên. Năm 1995, Nguyễn Tất Minh vinh dự được kết nạp vào Đảng và trở thành một nhân tố mới dự nguồn phát triển cán bộ của xã Thượng Sơn... Nhưng, có lẽ là duyên nợ với lính sâu nặng, bà và mẹ đều mong muốn động viên Minh vào bộ đội. Âu là cũng tiếp bước con đường của cha, ông. Nguyễn Tất Minh xung phong nhập ngũ khi đã 25 tuổi. Nhanh chóng vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ của người lính, anh hòa mình vào cuộc sống mới và nhanh chóng khẳng định mình với đồng chí, đồng đội. Từ Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, vào Đoàn KTQP 337, hay ở Đoàn KTQP 4 hơn 10 năm nay; ở bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì, Minh đều hoàn thành xuất sắc, là tấm gương sáng trong phong trào thi đua của đơn vị. Không chỉ làm tốt trách nhiệm cán bộ thú y chuyên chăm sóc sức khỏe cho đàn gia súc của đơn vị và bà con khu vực dự án kinh tế quốc phòng, được bà con gọi vui là "bác sĩ", Minh còn là một thợ nề khéo tay, cần mẫn.

Năm 2001, Minh kết duyên cùng Lê Thị Tuyết, cô gái làng hiền hậu nết na, chịu thương chịu khó, lại hiếu đễ chăm bà, chăm con cho chồng yên tâm công tác. Hai con của đôi vợ chồng Minh-Tuyết vừa chăm học lại biết đỡ đần mẹ và kính trọng, quấn quýt bên cụ. Thiết nghĩ, chính tình thương bao la, nhân hậu của cụ bà đã xây đắp và giữ gìn tình thương yêu ruột thịt cho đàn con, cháu, là hậu phương nồng ấm, là điểm tựa vững chắc cho người lính vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

ĐỖ PHẤN ĐẤU