Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2006, với đam mê màu xanh áo lính cộng với truyền thống gia đình, Bùi Thị Kim Dung đầu quân về công tác tại Viện Thiết kế. Yêu nghề, luôn nỗ lực phấn đấu, sau 10 năm công tác, chị đã trở thành chủ nhiệm đồ án hạng 1, được giao chủ trì nhiều hạng mục công trình lớn. Đến nay, chị đã chủ trì khoảng 50 đồ án lớn nhỏ, một số công trình trong quân đội tiêu biểu như các dự án thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Học viện Hậu cần, Ban Cơ yếu Chính phủ... Không chỉ các công trình trong quân đội, Kim Dung còn tham gia chủ trì nhiều dự án dân sự lớn của Viện Thiết kế như: Trường Tiểu học và THCS Vinshool, Tổ hợp Royal City, Tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến đường sắt trên cao... Đặc biệt, khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp cũng như đọc dịch tài liệu đã giúp chị hoàn thành tốt nhiều dự án, được đối tác nước ngoài đánh giá cao.
    |
 |
Thiếu tá Bùi Thị Kim Dung. |
Kim Dung tự nhận, môi trường quân đội cùng với đặc thù nhiệm vụ đã khiến những bay bổng, lãng mạn nghệ sĩ của người kiến trúc sư trong chị phải tiết chế lại, thay vào đó là sự nghiêm túc, chỉn chu và phong cách kiến trúc cũng theo hướng “nghiêm khắc” hơn. Với phụ nữ, yêu cầu của công việc đòi hỏi muốn làm tốt và khẳng định mình thì luôn phải nỗ lực gấp đôi, bởi những hạn chế về mặt thời gian, yếu tố sức khỏe, công việc gia đình...
“Nếu với những công trình dân sự, người kiến trúc sư có thể thỏa sức sáng tạo, đưa vào những ý tưởng độc đáo thì với công trình quân sự, tất cả những điều đó phải nhường chỗ cho yêu cầu làm sao công trình mang lại hiệu suất sử dụng cao nhất, chi phí thấp nhất. Đó là một thách thức không nhỏ với người chủ trì dự án”, Thiếu tá Bùi Thị Kim Dung chia sẻ. Thực tế, với những công trình quân sự, việc nắm chắc kiến thức về quân đội, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và đời sống sinh hoạt của bộ đội rất quan trọng. Ít trải nghiệm trong môi trường đơn vị cũng là một hạn chế với kiến trúc sư trong thiết kế các công trình quân sự. Hiểu được điều đó, Kim Dung luôn cố gắng học hỏi bất cứ lúc nào có cơ hội. Để thực hiện các dự án kiến trúc, chị cũng không ngại lăn lộn ngoài công trường xây dựng nắng bụi chẳng kém đồng nghiệp nam nào...
Để thực hiện hóa ước mơ đóng góp cho lĩnh vực kiến trúc quân đội ngày càng phát triển, từng bước chính quy, hiện đại, Kim Dung nhận thấy phải tham gia nghiên cứu trực tiếp mới tạo ra những sản phẩm, sáng kiến, gắn khoa học vào thực tiễn nâng cao chất lượng sản xuất. Nghĩ là làm, mặc dù công việc đơn vị và gia đình bận rộn nhưng Kim Dung vẫn quyết tâm thu xếp thời gian để trau dồi kiến thức bản thân. Hiện nay, Thiếu tá Bùi Thị Kim Dung đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Xây dựng với đề tài “Tổ chức không gian kiến trúc trong doanh trại quân đội tại đảo Việt Nam”. Đề tài được đánh giá có tính cấp thiết, ứng dụng thực tiễn cao và cũng là thách thức lớn với người nghiên cứu vì chưa có tiền đề, nhưng với Kim Dung, đó cũng là thuận lợi, cơ hội để chị thỏa sức thể hiện. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên viết bài, dịch các bài viết chuyên ngành từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt đăng trên trang web của viện, các tạp chí chuyên ngành trong nước.
Bài và ảnh: DƯƠNG THU