Về làng nghe chuyện “Bộ đội Puih Sinh”     

Chúng tôi đến làng Beng khi mặt trời bắt đầu xuống núi, khói bếp và mùi cơm mới trong những ngôi nhà khang trang tỏa ra ấm nồng. Đây là thời điểm các gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị bữa cơm chiều và chính điều này giúp chúng tôi dễ dàng nhận thấy cuộc sống ấm no, tiến bộ của đồng bào Gia Rai nơi đây. Khi hỏi thăm về Puih Sinh, từ người già đến trẻ nhỏ đều dành cho “Bộ đội Puih Sinh” những tình cảm ấm áp.

Puih Sinh là người con của làng Beng vào làm công nhân cho Công ty 74 từ năm 2002. Hằng năm, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp với cương vị tổ trưởng tổ sản xuất. Dưới ánh lửa rực cháy, già làng Rơ Châm Chích nói về Puih Sinh như một câu chuyện kể Khan của người Gia Rai: Trước đây, đồng bào mình không muốn đi làm công nhân đâu vì sợ vất vả, gò bó, không có thời gian đi chơi, uống rượu. Trình độ sản xuất thấp kém, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, nên quanh năm đói nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ốm đau thì chỉ mời thầy mo về cúng. Thế rồi Puih Sinh vào làm công nhân cho Công ty 74 học được nhiều kiến thức phát triển kinh tế gia đình, kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc, khai thác các loại cây công nghiệp. Kể từ đó, Puih Sinh không quản ngày đêm đến từng hộ gia đình hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; vận động những người có sức lao động nhàn rỗi vào làm công nhân Công ty 74 và các đơn vị của Binh đoàn 15, “chữa bệnh lười lao động” cho một số thanh niên; xây dựng lề lối, nếp sống văn hóa mới, khoa học...

leftcenterrightdel
Đại úy QNCN Puih Sinh hướng dẫn công nhân người dân tộc thiểu số kỹ thuật khai thác mủ cao su. 

Để chiếm trọn niềm tin và sự kính trọng của cộng đồng không phải dễ, chắc Đại úy QNCN Puih Sinh phải có cái gì đó rất đặc biệt? Tôi hỏi già làng Rơ Châm Chích, ông trầm tư mấy phút rồi nhớ lại: Những ngày đầu Puih Sinh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là để thay đổi những thói quen xấu, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cộng đồng bao đời nay như: Tổ chức đám cưới, đám ma nhiều ngày, ăn uống tốn kém, hay chia của cho người chết, chữa bệnh bằng cúng bái, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Nhiều người còn không tin Puih Sinh, coi anh như đứa con lạc loài của làng. Nhưng bằng ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, tình cảm sâu nặng với bà con, Puih Sinh đã kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm.

Trong làng, trong xã nhà ai có việc hiếu, việc hỷ, Puih Sinh là người có mặt đầu tiên để cùng với gia chủ tổ chức các nghi lễ phù hợp với truyền thống, văn hóa của dân tộc và nếp sống mới, tránh được những lãng phí không cần thiết. Khi có người đau ốm, anh cùng với quân y của đơn vị đến khám bệnh, kê thuốc hoặc đưa đi các cơ sở y tế; không cho thầy mo, thầy cúng có cơ hội hành nghề chữa bệnh để rồi “tiền mất tật mang”. Anh cũng đề xuất với Hội phụ nữ công ty mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sức khỏe sinh sản, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ, thanh niên của đơn vị và các làng người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.         

Chị Rơ Mah Ble, ở làng Beng tâm sự: “Puih Sinh giỏi lắm, mang ánh sáng Bộ đội Cụ Hồ về cho làng mình. Ai chưa biết làm kinh tế, Puih Sinh hướng dẫn làm kinh tế; ai tin theo các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, rượu chè bê tha, Puih Sinh khuyên giải để họ từ bỏ. Người Gia Rai mình rất tự hào vì có Puih Sinh”.          

“Bộ đội Puih Sinh” xua đuổi cái đói

Trước làn sóng đồng bào rời quê hương đi làm công nhân ở các khu công nghiệp phía Nam nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, thậm chí nhiều người còn trở về với hai bàn tay trắng, để lại nhiều hệ lụy, nương rẫy bỏ hoang, thiếu cơm, nhạt muối. Puih Sinh đến động viên, hướng dẫn họ làm kinh tế. Anh chứng minh cho mọi người thấy cuộc sống sẽ thay đổi nếu biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hoặc đi làm công nhân cho các công ty, đơn vị của Binh đoàn 15 trên địa bàn. Ngoài tiền lương, Puih Sinh phát triển kinh tế gia đình mình thành một trang trại tổng hợp với 2ha cao su, 2,2ha cà phê, 5ha điều, 1ha lúa nước, 10 con trâu, 7 con bò và 7 con dê. Mỗi năm trừ chi phí còn thu về hơn 150 triệu đồng. Anh xây nhà to đẹp, khang trang, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt tiện nghi. Cuộc sống vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc, các con được chăm sóc, học hành bài bản và hiện con gái đầu của anh học Trường Đại học Tây Nguyên. 

Đã có hàng trăm người trong làng Beng và các làng khác nghe Puih Sinh vào làm công nhân cho Công ty 74. Riêng tổ sản xuất Puih Sinh quản lý có hơn 100 lao động người DTTS. Đây là điều đặc biệt mà Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 74 nhận ra, không ai có thể quản lý, điều hành lao động người DTTS tốt hơn Puih Sinh. Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty 74, cho biết: “Thường thì năng suất lao động của đồng bào DTTS tại chỗ thấp hơn so với người Kinh và nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt tôn giáo ảnh hưởng đến kỷ luật, năng suất lao động. Nhưng hơn ai hết, Đại úy QNCN Puih Sinh là người hiểu rõ đồng bào mình nhất. Với năng lực, kinh nghiệm, uy tín của mình, anh đã quản lý, giáo dục, động viên mọi người trong tổ sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng được tập thể, 100 người như một, gắn bó, chia sẻ khó khăn với đơn vị, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cả trong lao động và cuộc sống hằng ngày”.

“Muốn giúp đồng bào làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trước hết phải bắt đầu từ thay đổi suy nghĩ, cách làm của họ. Hỗ trợ kỹ thuật và động viên, khích lệ họ tự tin vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình”, Đại úy QNCN Puih Sinh đã nói như vậy khi tôi hỏi anh về kinh nghiệm vận động đồng bào làm kinh tế. Puih Sinh cũng cho biết thêm, hiện tại giá các sản phẩm mủ cao su xuống thấp, đại dịch Covid-19 hoành hành và thời tiết không thuận lợi đã làm cho cuộc sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng anh và tổ sản xuất quyết tâm, càng khó khăn càng phải nỗ lực phấn đấu, giá mủ xuống thấp thì lấy năng suất lao động bù lại. Anh đã tổ chức cho công nhân học tập, rèn luyện, rút kinh nghiệm sau mỗi ngày làm việc. Nhắc nhở công nhân trước khi lên lô phải chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, nhất là mài dao cạo mủ cao su sao cho sắc bén; mọi tác động vào cây đều phải đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; khi vào mùa mưa thì phải tỉ mỉ kiểm tra, đánh dấu vị trí rò rỉ trên từng cây để khắc phục...

Chị Rơ Mah Lên làm việc ở tổ sản xuất của Đại úy QNCN Puih Sinh từ 10 năm nay và điều làm chị hạnh phúc nhất là luôn có anh đồng hành, hỗ trợ. “Trước những kiến thức mới, kỹ thuật khó, Puih Sinh tận tình hướng dẫn cho từng nhóm, rồi từng người. Biết bà con nhận thức chậm, Puih Sinh làm mẫu từng động tác để ai cũng có thể bắt chước làm theo cho đến khi thuần thục và thành kỹ năng. Người nào không đạt chỉ tiêu, anh cùng họ thức đêm khai thác mủ cao su để tìm nguyên nhân, nâng cao năng suất lao động. Nhờ đó mà bà con Gia Rai chúng tôi từng bước xua đuổi cái đói ra khỏi làng”, chị Rơ Mah Lên chia sẻ.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN