QĐND - Ông được biết đến Bác Hồ và nguyện học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm… 1945. ông lên đường tham gia kháng chiến, bị tù đày cùng 4 lần bị thương. Hiện nay, ở cái tuổi xưa nay hiếm, người thương binh già tận tụy ấy đã lập ngôi đền thờ Bác Hồ ngay trên mảnh đất của mình. ông là Trần Thanh Bình ở cù lao Tân Phong, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang...
Chuyến phà đưa tôi đến cù lao Tân Phong vào một buổi sớm của năm mới Nhâm Thìn, trên con đường trải bê -tông nhỏ liên ấp, nép mình sau những hàng chuối, sầu riêng, chôm chôm trái vụ thơm ngát mùi quả chín là một căn gác nhỏ với những dòng chữ màu đỏ trang trọng: “Gác thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với hàng ngàn người dân Tân Phong, căn gác ấy như một ngôi nhà chung, một nơi để mọi người đi xa tìm về với lòng kính yêu Bác Hồ. Đón tiếp tôi, người cựu binh già ấy ân cần, niềm nở bảo, năm nào cũng vậy, khi xuân về, bên cạnh công việc thường nhật của gia đình, tôi luôn dọn dẹp bàn thờ gia tiên cùng nhà thờ Hồ Chủ tịch. Không riêng gì gia đình tôi, hiện nay, có đông bà con trong ấp, trong xã và khách phương xa đến thắp hương và khấn Bác nhân dịp đầu năm. Đây là một thói quen, một nét đẹp văn hóa đã được duy trì đều đặn trong gần 20 năm qua, từ khi tôi dựng xong căn nhà để thờ Bác.
|
Ông Bình bên bàn thờ Bác.
|
Nói về chuyện xây dựng nhà thờ Hồ Chủ tịch, ông Bình không giấu nổi vẻ bồn chồn nhìn ra dòng sông Tiền thơ mộng: “Từ khi còn công tác ở vùng Đồng Tháp Mười, nghe tin Bác mất, tôi và các đồng chí đã rất đau buồn nhưng không thể ra Hà Nội viếng Người được. Bắt đầu từ đó, ý nghĩ lập đền thờ Bác nung nấu trong tôi. Vậy nhưng sau khi về hưu năm 1979, do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên phải đến năm 1998 tôi mới làm xong căn nhà thờ Bác. Lúc sinh thời, Người luôn dạy mọi người phải cần kiệm liêm chính nên tôi cũng không dám cầu kỳ, khoa trương. Xây dựng chỉ cốt ở cái tâm. Thế rồi từ đó đến nay, những ngày giỗ Bác, ngày tết, ngày trọng đại trong năm, tôi cùng bà con quanh vùng thường làm lễ để dâng lên Người. Đáng quý hơn, có nhiều người thấy đó là việc tốt đẹp nên cùng chung tay góp sức”.
Hiện nay, do đời sống gia đình đã khá giả hơn trước, ông Bình vừa xây lại ngôi nhà mới, vừa xây lại căn nhà thờ Bác luôn. Nhìn gian nhà mới, rộng khoảng 30m2 được lát gạch hoa rất đẹp, bàn thờ Bác trang trọng đặt giữa nhà. Trên đó là những tấm hình về Bác, về cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước vì dân của Người. Ngoài ra còn rất nhiều các tư liệu khác về Bác Hồ mà không chỉ riêng ông Bình sưu tầm mà còn do bà con, nhân dân trong vùng tặng ông. Có thể coi, gian nhà thờ hiện nay của ông Bình là một bảo tàng thu nhỏ về Bác Hồ, với rất nhiều tư liệu quý. Như quên mất điều gì, ông Bình lập cập thắp lại mấy nén hương cắm lên bàn thờ rồi bảo, cách đây mấy tuần, có mấy người dưới Vĩnh Long nghe tin tôi lập đền thờ Bác nên họ vượt sông tới thăm. Họ cũng là nông dân thôi nhưng đã tặng tôi một khúc gỗ trầm hương quý, nói là để đúc tượng Bác. Thực ra ở đây đã có 4 tiêu bản tượng Bác rồi nhưng vì cảm mến cái nghĩa tình của họ nên tôi đã đúc thêm tượng nữa. Ai ngờ bức tượng lại đẹp quá, mùi hương trầm thơm ngát như tấm lòng Bác tỏa khắp nơi khiến ai đến tham quan cũng đều trầm trồ khen ngợi.
Ngồi cùng chúng tôi hôm đó, lão nông Bùi Văn Tư, 85 tuổi cũng hồ hởi bảo, mỗi lần rảnh rỗi, chúng tôi thường tập trung ở đây thắp cho Người nén nhang rồi cùng nhau kể những mẩu chuyện, đọc những bài báo về cuộc đời của Người. ở Người, mỗi hành động đều là một bài học làm người sâu sắc đáng để chúng ta phải noi theo. Càng học ở Bác, tôi thấy mình càng sáng suốt, minh mẫn ra. Không những vậy, tôi đã dạy con cháu những đức tính cao cả của Người.
ông Kiều Mạnh Tuấn, cán bộ xã Tân Phong cho biết: “Việc xây dựng nhà thờ Bác trên cù lao là một việc làm tốt, phù hợp với mong muốn chung của người dân. Với rất nhiều người Nam Bộ, ai cũng coi Bác như cha mẹ mình vậy. Đền thờ Bác dựng ở trong địa bàn của xã cũng khiến mọi người gần gũi và thân thiện với nhau hơn. Đây là một việc làm rất tốt của ông thương binh Trần Thanh Bình”.
Chia tay ông, chúng tôi còn nhớ mãi nụ cười thân thiện của người thương binh mà năm Nhâm Thìn này đã bước sang tuổi 87 nhưng giờ chỉ có một tâm nguyện duy nhất, được một lần ra Hà Nội viếng Bác...
Bài và ảnh: Đoàn Đại Trí