Đó cũng là khoảng thời gian Viện 69 mày mò học hỏi, nghiên cứu, trưởng thành. Từ việc phải phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ và chuyên gia nước ngoài, đến nay, Viện 69 đã tự chủ hoàn toàn mọi mặt, có thể bảo quản thi hài Bác lâu dài, an toàn tuyệt đối, xứng đáng trọn vẹn với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân gửi gắm.

Lần nào gặp Bác cũng rưng rưng

Trong những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi đến thăm Viện 69. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên làm việc của Viện, Đại tá Nguyễn Cao Vũ, Chính trị viên Viện 69 vừa chia sẻ: “Nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt thì nhiệm vụ của chúng tôi lại là một điều đặc biệt trong đó. Viện gồm có 4 khoa: Nghiên cứu hình thái; sinh hóa; vi sinh vật và môi trường; nghiên cứu pha chế dung dịch; nhưng đều tập trung vào nhiệm vụ cao nhất là bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác an toàn tuyệt đối”. Về Viện 69 công tác từ năm 1997, anh Vũ đã từng trải qua các cương vị công tác từ cán bộ chuyên môn, phó chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm rồi trưởng thành là Chính trị viên của viện. Biết bao lần anh được vào Lăng chăm sóc thi hài Bác. Lần nào gặp Bác, thấy sắc diện của Người hồng hào, nét mặt hiền từ như một ông tiên, anh Vũ lại thấy rưng rưng thổn thức, cảm tưởng như Bác đang ngủ.

leftcenterrightdel
Trung tá, Tiến sĩ Tưởng Phi Vương, Phó chủ nhiệm Khoa Hình thái, Viện 69 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học

“Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Dù ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền của Tổ quốc thì hàng triệu triệu trái tim người Việt Nam luôn hướng về Bác với tấm lòng thành kính. Dù bất kể trời nắng bỏng rát hay mưa rào, mỗi lần đi vào Lăng làm việc, thấy những dòng người dài xếp hàng rất trật tự để mong được vào viếng Bác, tôi lại thấy cảm xúc trào dâng. Những lúc như vậy, tôi tự soi lại mình để nâng cao ý thức, vinh dự, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ”, anh Nguyễn Cao Vũ nói.

Sau những lời giãi bày, anh Vũ nhìn xa xôi, nhớ về những tiền bối đã có đóng góp không nhỏ để gìn giữ thi hài Bác. Công việc gìn giữ thi hài Bác được Bộ Chính trị bắt đầu tính tới từ năm 1967, sau sinh nhật lần thứ 77 của Người. Đó cũng là lúc sức khỏe của Bác có dấu hiệu xấu đi. Tháng 6-1967, 3 chuyên gia y tế gồm: Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu Bệnh viện Quân y 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, được đồng chí Lê Đức Thọ, lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, triệu tập và giao mật lệnh: Sang Liên Xô học tập công nghệ bảo quản thi hài lãnh tụ. Bởi đây là chuyên môn sâu, chỉ ở Liên Xô mới có. Tổ 3 người đầu tiên làm nhiệm vụ bảo quản thi hài Bác đến nay chỉ còn ông Lê Điều, nguyên Phó viện trưởng Viện 69, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Nhưng không may hơn một tháng trước ông Điều bị tai biến, hiện vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện. Khi đoàn cán bộ Viện 69 vào thăm, ông Điều nắm tay từng người, nước mắt rưng rưng, nhắn nhủ phải luôn cố gắng vượt mọi khó khăn, tìm tòi học hỏi, bảo quản thi hài Bác Hồ lâu dài, an toàn tuyệt đối. Bản thân ông Lê Điều là một tấm gương sáng tận tụy, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc thi hài Bác Hồ. Lúc còn khỏe mạnh, ông thường kể, khi được giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập công nghệ bảo quản thi hài khi Bác qua đời, ai cũng cố gắng hết sức. Với nền y khoa Việt Nam lúc bấy giờ, ướp xác là một lĩnh vực quá mới, kết hợp nhiều yếu tố khoa học khác nhau, từ giải phẫu học, hóa học, vi sinh vật, hình thái… tất cả đều yêu cầu ngặt nghèo, đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn.

Suốt 49 năm qua, đồng bào cả nước, khách nước ngoài vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thấy mắt Người như đang ngủ, khuôn mặt toát lên thần thái thường ngày. Một trong những yếu tố tạo nên sự kỳ diệu đó là do công việc bảo quản thi hài Bác được tiến hành đúng thời điểm, các thao tác hết sức thuần thục, điêu luyện, nếu không sẽ khó giữ thần thái đặc trưng của nét mặt. Thi hài của Bác luôn được hội đồng khoa học đánh giá là được bảo quản tốt nhất vì mọi công tác chuẩn bị trước đó rất chu đáo và xử lý kịp thời.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Vận, Viện trưởng Viện 69, chúng tôi được biết, sau những thao tác ban đầu, việc bảo quản thi hài Bác cần được chăm sóc thường xuyên bằng dung dịch. Ban đầu toàn bộ dung dịch sử dụng đều được vận chuyển từ Nga (trước đây là Liên Xô) sang, nhưng có thời gian công tác này gặp nhiều trở ngại. Chính vì thế, nhiệm vụ đặt ra là các nhà khoa học Viện 69 phải cố gắng làm chủ công nghệ pha chế để chủ động việc chăm sóc Bác. Hai dấu mốc thời gian đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Viện 69, đó là vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã, việc viện trợ các loại dung dịch chấm dứt. Nhưng trước đó, Viện 69 đã chủ động thực hiện hàng loạt công trình nghiên cứu nên đã đề xuất với các chuyên gia cùng phối hợp để thực hiện tại Việt Nam. Qua nhiều lần thương thuyết và chứng minh khả năng, cuối cùng, tâm huyết và sự trưởng thành của các cán bộ khoa học Việt Nam đã khiến các chuyên gia Nga tin cậy. Do vậy, công tác chăm sóc, bảo quản thi hài của Bác có nguồn bổ sung kịp thời.

Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đến năm 2004, lô dung dịch đầu tiên được pha chế thành công tại Việt Nam. Đến nay, có thể khẳng định từ pha chế dung dịch đến việc làm thuốc hằng tuần đối với thi hài Bác đều do các bác sĩ, nhà khoa học Việt Nam độc lập thực hiện.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Vận, hiện nay công việc của các bác sĩ ở Viện 69 không còn gian nan như các thế hệ đi trước, nhưng yêu cầu đòi hỏi đặt ra rất cao, ai cũng phải nỗ lực học tập, nghiên cứu làm tốt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Lặng thầm bên Bác

Khi bước vào Viện 69, chúng tôi nhận thấy không gian rất tĩnh lặng, mọi người đều say mê với công việc. Thiếu tá Nguyễn Danh Khánh, Phó chủ nhiệm Khoa Sinh hóa, là cán bộ trẻ có trình độ, đã vượt khó nghiên cứu, bảo vệ công trình khoa học có tính ứng dụng cao. Trò chuyện với chúng tôi, anh Khánh cho biết: “Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, tôi được phân công, điều động về Viện 69 công tác. Ngay từ giây phút đầu tiên nhận nhiệm vụ, biết được công việc là trực tiếp bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác, tôi cảm thấy niềm tự hào vô cùng lớn lao, không chỉ với bản thân mà cả gia đình”. Tuy nhiên, khởi đầu công việc đối với anh Khánh cũng rất khó khăn. Tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa, anh Khánh được trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng, nhưng khi thực hiện thủ thuật ở viện lại là điều hoàn toàn khác. Mỗi khi khó khăn, anh Khánh lại nhớ lại lần đầu được nhìn thấy Bác, một cảm giác gần gũi, thân tình như là ruột thịt trỗi dậy đã tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần để anh Khánh vượt qua.

Đặc thù chuyên ngành khoa anh Khánh nghiên cứu nói riêng và toàn Viện 69 nói chung đều là chuyên ngành rất hẹp, không có tài liệu giáo trình. Để nâng cao trình độ, anh Khánh phải chủ động tìm tài liệu viết tay của các thế hệ đi trước, kết hợp với việc mày mò nghiên cứu. Để ấp ủ một đề tài khoa học, anh Khánh cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần thử nghiệm thất bại, bao nhiêu đêm thức trắng trong viện. Trong môi trường chuyên môn hẹp, thiếu thốn tài liệu như vậy, xuất phát từ lòng kính yêu Bác vô hạn đã giúp anh vượt lên thử thách, hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2011, bác sĩ Nguyễn Danh Khánh đã bảo vệ thành công đề tài Nghiên cứu phương pháp xác định các ACID béo của mô mỡ dưới da và trong dung dịch bảo quản bằng sắc ký khí-khối phổ. Đề tài nhanh chóng đem lại hiệu quả ứng dụng cao trong công tác bảo quản thi hài Bác, đến nay, còn phát triển rộng ra ngoài dân sự. Năm 2012, anh Khánh được cử sang Nga làm nghiên cứu sinh, nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tiểu đường, nhưng do luôn nghĩ tới nhiệm vụ bảo quản thi hài Bác nên anh chọn một nhánh nhỏ đi sâu vào nghiên cứu thêm vấn đề liên quan đến lipid. Do vậy, kết thúc thời gian nghiên cứu sinh, anh vẫn tốt nghiệp xuất sắc, đồng thời với kiến thức thu được, hiện nay anh Khánh đang thực hiện đề tài cấp bộ: Nghiên cứu trạng thái lipid trong mô mỡ dưới da ướp bảo quản và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn lipid trong quá trình giữ gìn lâu dài thi thể ướp phục vụ thăm viếng. Đề tài đang trong quá trình thực hiện đến năm 2020, được các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài quân đội đánh giá rất cao.

Đến nay, Viện 69 đã có thể chủ động, độc lập trong việc bảo quản thi hài Bác, song trong công tác bảo quản cũng đặt ra những thách thức mới. Công việc dù khó, song với những cán bộ tận tâm như anh Khánh và rất nhiều tấm gương cán bộ, bác sĩ khác, chúng tôi tin tưởng rằng Viện 69 sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Bài và ảnh: HÀ AN