Nỗ lực bên xứ người
Phải hẹn nhiều lần chúng tôi mới gặp được Trung úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trung úy Đỗ Thị Nhàn-hai nữ học viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Bauman, Liên bang Nga trở về nước. Cả hai đều tốt nghiệp xuất sắc với số điểm tuyệt đối 5.0. Được Bộ Quốc phòng tạo điều kiện, Hạnh và Nhàn đang làm thủ tục để trở lại Liên bang Nga học cao học.
Cuộc gặp gỡ không lâu nhưng chúng tôi thật sự ấn tượng với hai nữ sĩ quan xinh xắn, duyên dáng. Hạnh sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Bố làm ruộng, mẹ là giáo viên tiểu học. Từ nhỏ, Hạnh đã biết phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Những ngày tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy khiến Hạnh càng thương bố mẹ và quyết định thi vào trường quân đội để giảm bớt gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cho gia đình. Ngày Hạnh nhận giấy báo trúng tuyển Học viện Kỹ thuật Quân sự, người dân trong xã như được vui lây. Nhiều gia đình lấy Hạnh làm tấm gương để giáo dục con cháu noi theo, làm bố mẹ Hạnh rất tự hào.
|
|
Bức ảnh kỷ niệm của đội bạn Hạnh (bên phải) và Nhàn tại nước Nga |
Do hoàn cảnh gia đình tương đối giống nhau nên ngày đầu nhập học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, Hạnh và Nhàn đã có sự thấu hiểu, chia sẻ và trở thành đôi bạn thân thiết. Nhàn quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Gia đình có 3 anh chị em. Bố mẹ đều làm ruộng. Nhìn Nhàn hiền, ít nói nhưng lại là cô gái rất giàu nghị lực. Ngày mới nhập học, thấy học viện thông báo có chỉ tiêu đi đào tạo ở nước ngoài, Nhàn bàn với Hạnh, cả hai quyết tâm phấn đấu giành suất đi học. Những ngày đầu, thân con gái mảnh mai, chân yếu tay mềm phải huấn luyện những nội dung điều lệnh vất vả, cả Nhàn và Hạnh mặc dù mệt mỏi nhưng đều cố gắng vượt qua. Vất vả là vậy nhưng mỗi khi rảnh, đôi bạn lại mang sách ra học. Năm đầu ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, Hạnh và Nhàn chủ yếu học tiếng Nga. Ngoài việc tích cực học trên lớp, cả hai tranh thủ ngoài giờ tìm kiếm tài liệu trên mạng, cùng nhau ôn bài. Cường độ học tập căng thẳng, cả hai đều gầy sút đi. Có lần Hạnh ốm mệt, Nhàn bên cạnh chăm sóc, động viên: “Cố gắng thêm chút nữa, đất nước Nga tươi đẹp đang vẫy chào chúng ta đến du học và khám phá”. Nghe Nhàn nói, Hạnh tươi cười mà nước mắt lại rơi. Hai năm phấn đấu, với biết bao nhọc nhằn, cố gắng kết quả Hạnh và Nhàn là hai trong số 5 cô gái trong khóa được học viện cử sang Liên bang Nga học tiếp. Một dấu mốc đáng tự hào, đánh dấu sự trưởng thành của hai cô gái bé nhỏ, sau khi vượt qua rất nhiều thử thách.
Vào một chiều thu, Hạnh và Nhàn đặt chân đến nước Nga, cảm giác rất tuyệt vời nhưng cũng có biết bao gian nan đang chờ đón. Nhàn kể: “Văn hóa của người Nga rất khác người Việt Nam. Nước bạn học xuyên trưa, học từ sáng tới chiều, khoảng thời gian nghỉ giữa giờ rất ngắn nên làm việc gì cũng phải rất khẩn trương”. Thường thì tranh thủ giờ giải lao lúc gần trưa, Nhàn và Hạnh lên căng tin ăn vội món gì đó rồi vào học. Vì Nhàn và Hạnh sang nhập học chậm so với chương trình của lớp nửa học kỳ nên nợ môn rất nhiều. Hạnh tâm sự: “Chúng em học chung lớp với sinh viên người Nga, chỉ có em và Nhàn là học viên nước ngoài. Chương trình học ở Nga rất nặng nên cả hai phải “bò ra” để học. Có những hôm, làm thí nghiệm trên lớp xong, 22 giờ mới về đến nhà. Cả hai tranh thủ ăn qua loa rồi lại lao vào học, chuẩn bị bài cho ngày hôm sau”.
Việc học tập nặng nề, vất vả như vậy nhưng lúc nào Hạnh và Nhàn cũng động viên nhau: “Phải cố gắng học thật giỏi, tiếp thu thật nhiều kiến thức về phục vụ quân đội, đất nước”. Điều đó trở thành động lực để Nhàn và Hạnh vượt lên. Kết thúc ba năm học tại Liên bang Nga, được sự dìu dắt của thầy cô giáo, sự giúp đỡ của các bạn, Hạnh và Nhàn đều đạt kết quả xuất sắc với số điểm tuyệt đối 5.0 trong sự thán phục của biết bao sinh viên nước bạn cùng khóa.
Phát huy truyền thống của cha ông
Có thể tự tin nói rằng, hầu hết học viên các nhà trường quân đội được cử đi học ở nước ngoài đều là những học viên tiêu biểu, có ý chí, nghị lực rất lớn. Ngoài tố chất thông minh, họ còn là những người có ý thức tự giác tốt. Chúng tôi gặp Thượng úy Nguyễn Thành Luân khi anh vừa tốt nghiệp Trường Đại học Nghiên cứu Y khoa quốc gia Nga trở về nước. Năm 2010, Luân đỗ thủ khoa đầu vào Học viện Quân y với số điểm 31,5; vinh dự được vào Phủ Chủ tịch nhận quà của Chủ tịch nước và được Bộ Quốc phòng cử đi đào tạo tại Liên bang Nga.
Luân bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến Moscow với biết bao bỡ ngỡ, khó khăn như bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa, thiếu thốn tình cảm, xa cha mẹ, bạn bè và nỗi nhớ quê hương trong những ngày Tết cổ truyền nơi đất khách quê người. Sau 7 năm học tập bên nước Nga tươi đẹp, vượt qua rất nhiều khó khăn, Luân đã đạt được thành tích học tập đáng nể. Là thủ khoa đầu ra với số điểm tuyệt đối 5.0 của Trường Đại học Nghiên cứu Y khoa quốc gia Nga, được Hiệu trưởng nhà trường tặng danh hiệu “Summa cum laude”, kèm theo kỷ niệm chương và là sinh viên xuất sắc tiêu biểu, được vinh danh, treo ảnh trên góc truyền thống nhà trường từ năm 2016. Để có niềm vinh dự đó, ngoài những thành tích học tập xuất sắc, Luân đã thường xuyên tham gia các hội thảo khoa học thường niên về tim mạch, nhãn khoa, các hội thảo ngoại khoa do nhà trường, Viện Hàn lâm khoa học và viện nghiên cứu tổ chức. Chia sẻ bí quyết đạt những thành tích như vậy, Luân bộc bạch: “Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông quê hương Thanh Hóa. Bố tôi là thương binh, từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nam và tham gia Quân tình nguyện bên nước bạn Campuchia. Cha mẹ sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm. Thêm vào đó, ngay từ nhỏ tôi đã được truyền cảm hứng từ tấm gương người bác ruột là bác sĩ quân y, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972”. Ngoài những chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, Luân cũng cho biết thêm, động lực to lớn để em thành công đó là được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Tính kỷ luật, nghiêm khắc của quân đội đã thôi thúc Luân không ngừng rèn luyện tác phong chính quy để xứng đáng là người bác sĩ, sĩ quan mẫu mực, đủ đức, đủ tài phụng sự Tổ quốc, quân đội và nhân dân.
Trong những ngày cuối tháng 8, Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt và tuyên dương 60 học viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, 30 học viên đạt giải nhất các kỳ thi Olympic quốc gia, nhân dịp này, chúng tôi gặp mặt và trò chuyện với nhiều tấm gương tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực. Các học viên quân đội đều tỏ rõ được tài năng, bản lĩnh, giành lấy đỉnh cao tri thức, khẳng định vị thế học viên quân sự so với mặt bằng chung sinh viên cả nước, cũng như ở nước ngoài. Ngoài nhiệm vụ học tập, nâng cao trình độ, trên vai những sĩ quan trẻ tương lai là trọng trách to lớn, là sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi Tổ quốc cần. Con đường phía trước của các sĩ quan trẻ tương lai còn rất nhiều nhưng với những kiến thức và bản lĩnh được quân đội tôi luyện, trang bị, chúng tôi tin tưởng rằng, trên bất cứ cương vị công tác nào các sĩ quan trẻ tương lai- “những bông hoa nở trên thép” đều phát huy, tỏa sáng được hình ảnh, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
PHẠM TUẤN