Xả thân chữa cháy

Tôi không thể nào quên “trận đánh” lúc 5 giờ 25 phút ngày 9-12-2011. Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh nhận được tin báo cháy tại Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Mạch nha Thành Công ở đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông. Trong quá trình chữa cháy, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều bị bỏng vì cơ thể dính phải dầu hạt điều có chứa axit văng tứ tung. Song, mọi người đều cố chịu đựng, không ai rời vị trí chiến đấu. Kết thúc “trận đánh”, 52 cán bộ, chiến sĩ bị bỏng dầu điều phải chữa trị tại Bệnh viện Bình Tân. Có người bị bỏng lột da hết hai đùi, có anh thì vai, tay, chân phải băng bó chằng chịt, nhiều anh không thể ngồi vì vết thương ở mông quá lớn, có người bị bỏng cả bộ phận sinh dục…

Rồi “trận đánh” ngày 16-4-2014. Vụ cháy, nổ lớn tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Trong cơ sở trước khi xảy ra cháy có chứa 185 hóa chất các loại với khối lượng khoảng hơn 1.000 tấn. Khó ai có thể hình dung hết được mức độ nguy hiểm, độc hại từ hiện trường vụ cháy, ngoài tác động nhiệt tỏa ra từ đám cháy, mùi hóa chất nồng nặc bao trùm cả khu vực. Đối mặt với “giặc lửa” từ hơn 1.000 tấn hóa chất độc hại, 27 chiến sĩ bị ngất và bỏng hóa chất, trong đó 15 đồng chí phải điều trị tại bệnh viện.

leftcenterrightdel

Chiến sỹ Nguyễn Văn Quang (Công an Hà Nội) trong giờ trực thông tin

Ngày 15-10-2015 xảy ra vụ cháy lớn trong xưởng sản xuất, tái chế nhựa tại cụm làng nghề Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Là chiến sĩ trẻ, khỏe, có kỹ thuật cá nhân tốt nên Nguyễn Văn Quang, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH TP Hà Nội được giao nhiệm vụ cầm lăng giữ vị trí số 1 trực tiếp gần đám cháy nhất. Mải tập trung thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, Quang không biết dòng nhựa trong xưởng bị nóng chảy đang chảy ngược về phía mình. Một quầng lửa bùng lên. Khi được đồng đội kéo ra khỏi “biển” nhựa nóng chảy và lột bỏ quần áo chữa cháy để sơ cứu thì toàn thân Quang da cũng tuột theo đau đớn và ngất lịm. Hơn hai năm điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia với nhiều cuộc phẫu thuật cấy, ghép da để lại trên cơ thể Nguyễn Văn Quang chằng chịt những vết sẹo. Đau đớn nhất là cánh tay trái đã bị tàn phế vì 5 ngón tay co quắp, co rút lại không duỗi ra được nữa. Quang không còn khả năng tham gia chữa cháy mà được phân công về vị trí trực thông tin…

Những người bị thương, dẫu sao cũng còn cảm thấy may mắn vì trong những năm qua, không ít chiến sĩ PCCC đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Các anh được công nhận là liệt sĩ, còn những đồng đội bị thương khi làm nhiệm vụ lại chưa được công nhận là thương binh. Đó là một nỗi niềm của những “thương binh không thẻ”.

Nỗi niềm trăn trở

Chia sẻ tâm tư, chiến sĩ Phan Nguyễn Trung Hải, người bị bỏng nặng hai chân, phần lớn lớp da đã bị trầy xước trong vụ chữa cháy xưởng mạch nha ở TP Hồ Chí Minh năm 2011 kể: “Mấy ngày nằm viện, ngày nào vợ con tôi cũng đòi đến chăm sóc nhưng tôi không cho vì cứ mỗi lần thấy tôi băng bó nằm một chỗ là vợ tôi khóc hoài, lo lắng không yên”.

Cũng trong vụ chữa cháy xưởng mạch nha đó, chiến sĩ Nguyễn Xuân Giảng kể rằng: “Lần này tôi bị thương là do không ngờ dầu hạt điều có chứa axit trong lúc cháy đã hòa tan vào nước lan ra xung quanh khu vực cháy. Quên mình tác chiến nên mọi người đều bị ướt sũng. Chất axit lúc đó dù làm bỏng da thịt nhưng anh em bảo nhau phải ráng sức chịu đựng, dập lửa được rồi sẽ tính sau”.

Hồ Minh Nhật, chiến sĩ bị thương trong vụ cháy Công ty TNHH Tân Hùng Thái kể rằng: “Khi đang chữa cháy, tôi có cảm giác ngứa rát vùng chân nhưng nghĩ đó là bình thường nên vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Sau hai giờ chữa cháy, tôi mới phát hiện những đốm trắng vùng chân và được bác sĩ cho biết là vết thương khá nghiêm trọng cần phải điều trị tại bệnh viện. Tôi đã phải ngừng công việc chữa cháy để về điều trị”. Anh cười và nói rằng đó là kỷ niệm đáng nhớ được ghi dấu ấn bằng vết thương nơi vùng chân không bao giờ mất đi được. Điều anh cảm động là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên rất nhiều. Chiến sĩ Kiều Văn Giàu, người từng bị thương tại vụ chữa cháy xưởng mạch nha ở Bình Tân năm 2011 tới 11% cơ thể và trong vụ chữa cháy Công ty TNHH Tân Hùng Thái cũng bị thương khá nặng do bỏng hóa chất chia sẻ rằng: Dù đã có kinh nghiệm từ nhiều vụ cháy nhưng trước những sự cố cháy xảy ra và việc trang bị cho cán bộ, chiến sĩ còn nhiều thiếu thốn thì không thể tránh khỏi những thương tích. Anh cho biết, nếu vụ cháy xưởng mạch nha chủ yếu là bỏng da thì vụ cháy hóa chất chủ yếu là bỏng đường hô hấp.

Điều đáng nói là, đối với trường hợp bị thương khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, CNCH, các anh chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm chứ chưa được hưởng chính sách ưu đãi về chế độ thương tật, dù có những người lính bị thương tới tỷ lệ 3/4 cơ thể, thậm chí di chứng và ảnh hưởng tới sức khỏe dài lâu. Các anh thường “tự phong” mình là “thương binh không thẻ”.

Cần một chính sách

Về sự hy sinh của người lính chữa cháy, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh nói rằng: “Mỗi vụ cháy đối với lính chữa cháy có một sự hy sinh khác nhau. Tuy nhiên, về chế độ chính sách thì đến nay cũng chưa có chiến sĩ nào được hưởng chế độ phụ cấp hay công nhận thương binh cả. Dù có những chiến sĩ đã bị thương nặng đến tỷ lệ 3/4 cơ thể nhưng cũng chỉ được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ bảo hiểm của ngành. Thậm chí, thời gian đầu khi chuyển các chiến sĩ đến bệnh viện huyện cứu chữa thì cơ quan chủ quản phải tạm ứng tiền để các chiến sĩ điều trị. Sau khi xuất viện rồi có đầy đủ chứng từ, thủ tục mới được thanh toán chế độ, chính sách theo quy định”.

Từ những nỗi niềm trăn trở của cảnh sát PCCC, những “thương binh không thẻ” mong rằng sẽ nhận được những chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn; đồng thời, các anh cũng mong lực lượng được hiện đại hóa, vì trong nhiều “trận đánh”, chỉ cần có thiết bị bảo hộ không thấm nước thì mức độ thương vong của cảnh sát PCCC đã được giảm thiểu đáng kể.

TS PHẠM THẢO NGUYÊN