Nín thở chờ... lộc trời

Chiều chủ nhật, chúng tôi về xã An Thanh bắt rươi theo lời hẹn với cựu chiến binh, thương binh Phạm Xuân Thưởng. Bởi theo lệ các cụ, tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm là những ngày rươi nổi. Nếu không về là mất cơ hội hiểu rươi, biết rươi và yêu rươi.

14 giờ, chúng tôi có mặt tại đê An Thanh cao hơn nhà ba tầng. Nắng vàng như mật trải mênh mông trong gió và tiếng sáo diều vi vu. Làng quê phía trong đê xanh mượt, rực rỡ, nổi bật dưới nắng thu lành lạnh. Trên mặt đê, nhiều nhóm 3-5 chiếc xe ô tô với màu sắc khác nhau của khách phương xa về chờ đợi mua rươi, xem bắt rươi. Những chiếc xe máy chở hộp xốp nặng rươi bên trong gằn máy vượt dốc, để lại những cụm khói trắng đục mỏng manh phía sau tan nhanh trong gió. Lên đến mặt đê, chúng như được “sổ lồng” lao đi vun vút. Phóng tầm mắt ra ngoài đê, cả vùng đất là những vuông ruộng rươi lấp lóa trong nắng. Con sông Thái Bình rộng lớn xưa kia với bãi bồi ngập cỏ lác nay bị thu hẹp bởi sức người với những ruộng rươi...

leftcenterrightdel
Người trong gia đình cựu chiến binh Phạm Xuân Thưởng thu hoạch rươi, cung cấp cho thương lái. Ảnh: PHẠM NGUYỄN  

Cựu chiến binh Phạm Xuân Thưởng có nước da bánh mật, cặm cụi xả nước từ ruộng ra sông để thu rươi. Chiếc túi lưới bịt miệng cống đã khá nặng rươi giống như một con trăn khổng lồ uốn éo theo dòng nước trong cống xây gạch. Vừa làm, ông lão 70 tuổi vừa oang oang, đêm qua ông không ngủ được, sốt ruột vì rươi quá. Rươi của nhà bên nổi và cho thu hoạch, còn ruộng rươi nhà ông thì chẳng thấy gì. Sáng nay có vài đốm hồng hồng nổi lên ngoe nguẩy trong nước mới đỡ sốt ruột. Đến chiều rươi nổi đông đặc hồng mặt nước. May quá, lộc trời đã về!

Ông Thưởng gập lưng, cặm cụi tháo nút túi lưới. Cậu con trai nhanh nhảu đẩy cái chậu nhựa màu đỏ về phía ông Thưởng. Rươi tuôn tràn đầy chậu trong tiếng trầm trồ, phấn khởi của người xem, người mua. Con trai ông Thưởng đưa chậu rươi lên bờ rồi san ra các túi lưới nhỏ. 10 phút sau, khi đã ráo nước, rươi lại được đưa vào chậu nhựa. Hộp xốp được đưa đến, người mua múc rươi vào các ngăn hộp xốp rồi cho rươi "ăn" nước đá sạch. Với cách làm ấy, rươi được bảo quản và đưa đi tiêu thụ bảo đảm chất lượng, không vỡ, không chết. Hiện trên thị trường, giá rươi ở mức 420.000-450.000 đồng/kg. Nhà ông Thưởng có 6 mẫu mặt nước. Mỗi năm, ngoài lúa và cáy, ông Thưởng thu về gần một tỷ đồng từ bán rươi. Ông Thưởng đã làm rươi được hơn 10 năm kể từ sau khi về hưu.

Trăn trở đầu ra cho rươi

Trước đây An Thanh là rốn chiêm khê mùa thối của tỉnh Hải Dương, lại quanh năm thiếu đói. Nếu như các huyện khác của tỉnh Hải Dương đã phát triển và có nhiều sản vật đáng tự hào thì người dân nơi đây luôn bị mang tiếng bởi câu: "Mắt toét chân chì không Tứ Kỳ cũng Gia Lộc". Ấy nhưng, giờ đây nông dân ở An Thanh lại là những người tiên phong trong làm nông nghiệp sạch và cho thu nhập cao. Họ ở trong những căn nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi đắt tiền... An Thanh hiện là vựa rươi nổi tiếng, ngon nhất Đồng bằng Bắc Bộ. Người đưa rươi trở thành sản phẩm thương mại như hiện nay là cựu chiến binh Phạm Văn Tơ đã hơn 70 tuổi.

Năm 2003, xã An Thanh có phong trào làm ao nuôi cá nên ông Tơ quyết định đấu thầu vùng đất bãi lau lách um tùm của xã ở ven sông Thái Bình. Vợ ông can, già rồi, về hưu nghỉ cho khỏe, ham hố gì. Không làm thì sao đủ chi tiêu. Đồng lương thiếu tá về hưu và lại phải nuôi 5 đứa con đang tuổi lớn. Đồng đội của ông cũng phân tích, nước lên, cá ra thì mất cả chì lẫn chài.

Kệ! Bỏ ngoài tai tất cả những lời ong tiếng ve, ông Tơ bí mật vay mượn bạn bè, người thân một số vốn rồi thuê máy đào ao thả cá. Ông xuống sông để vây lưới xung quanh ao, đắp bờ. Mồ hôi đổ xuống mặt ao nhưng lãi cũng chẳng được bao nhiêu. Vào mùa tháng 10 âm lịch năm 2005, sau khi xả nước, ông bất ngờ thấy rươi nổi lên. Thế là ông xoay ra tìm hiểu về con rươi. Rồi ông quyết định phá ao cá đã đầu tư nhiều tiền của để trồng lúa, làm rươi. Bây giờ, sau 17 năm làm rươi, mỗi vụ ông thu bạc tỷ. Kinh nghiệm làm rươi của ông được phổ biến rộng rãi. Nhà nhà ở An Thanh học ông Tơ làm rươi. Hiện nay, diện tích làm rươi của An Thanh là 137ha. Mỗi héc-ta cho thu khoảng 450 triệu đồng/năm. Sang năm, khi cống Sồi được mở trở lại, 214ha ruộng trong đê cũng được chuyển đổi cấy lúa, nuôi cáy và làm rươi.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Phạm Văn Tơ và Phạm Xuân Thưởng (áo xanh) rạng rỡ trong ngày thu hoạch rươi. Ảnh: PHẠM NGUYỄN 

Ông Tơ bảo, rươi là lộc trời ẩn sâu trong lòng đất và chỉ nổi vào những thời điểm nhất định trong năm. Rươi đỏng đảnh và khó tính như thiếu nữ mới lớn. Tuy nhiên, nếu hiểu rươi, giữ môi trường đất trong sạch thì rươi sẽ về và không phụ công người chăm sóc.

- Sao phải giữ môi trường đất trong sạch? - tôi hỏi.

- Con rươi nó không sống được nếu dùng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu!

- Nó ở trong đất, làm sao bác biết nó cần gì mà đáp ứng?

- Đơn giản thôi, phải thử nghiệm nhiều năm rồi đúc rút ra kinh nghiệm, ông Tơ trả lời.

Kinh nghiệm mà ông Tơ đúc rút nhiều năm là phải tạo được cốt nền mặt ruộng sao cho nước sông lên và ở lại trong đó. Nước sông xuống thì xả ra thuận lợi. Mặt ruộng phải làm phẳng như sân bóng đá. Nếu không thoát được hết nước thì phải tạo các rãnh xương cá. Ruộng phải cấy lúa. Sau khi thu hoạch phải xới xáo tơi xốp. Lúa chỉ được bón phân chuồng hoai mục. Hiện nay, có người chào đón sử dụng phân vi sinh nhưng không ăn thua. Thế nên, người dân An Thanh đi khắp nơi để mua chất thải gia súc, gia cầm về ủ mục để bón cho lúa và làm thức ăn cho rươi. Nếu nhà nào chăm sóc tốt, khi cầm trên tay đất sẽ tơi vì có các lỗ rươi. Để chuẩn bị cho mùa rươi, nông dân phải dọn cỏ và cho nước sông vào rồi chờ rươi nổi các ngày như đã nói ở trên.

Để rươi, cáy có thương hiệu, ông Tơ và các đồng đội trong Hội Doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân của huyện Tứ Kỳ đã tổ chức đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 4 sao. Đây là câu chuyện dài, rất khó khăn. Thế là con rươi An Thanh có tên tuổi, "có số có má" trong lòng thực khách. Nhưng điều khiến ông Tơ và đồng đội trăn trở là tìm đầu ra cho con rươi. Ông giải thích, rươi là đặc sản giàu dinh dưỡng và đắt đỏ nên không phải ai cũng ăn. Hiện giá rươi đến tay người tiêu dùng phải cõng gần 50% phí dịch vụ nên tiêu thụ chưa mạnh. Hơn nữa, các xã ở huyện Thanh Hà bên kia sông Thái Bình cũng bắt đầu có rươi khiến cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt. Và buồn hơn, thương lái đến mua rươi không sử dụng bao bì OCOP vì đội giá. Điều này sẽ khiến thương hiệu rươi dễ bị đánh đồng với vùng khác chưa có tên tuổi... Mặt khác, vấn đề bảo quản rươi và chế biến rươi bán ra thị trường, hoặc xuất khẩu cũng gặp khó vì rươi chỉ thu hoạch trong thời gian rất ngắn nên nhiều người e ngại không đầu tư.

Khi trò chuyện với ông Tơ tại nhà, trong tôi bất chợt ngân nga giai điệu bài hát “Mẹ” của nhạc sĩ Phan Long: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/Và những vết thương trên ngực cha/Cứ trở gió lại đau nhức nhối/Chiếc ba lô gió sương đã gội/Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi”. Nhưng với tôi, câu hát da diết ấy không mang đến nỗi buồn. Bởi tôi biết, trên cả nước Việt thanh bình đang có hàng trăm, hàng vạn CCB như ông Tơ, ông Thưởng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Với họ, không chỉ hiền mà còn giỏi làm giàu. Ý chí người lính, đôi bàn tay cùng những giọt mồ hôi của họ đổ xuống đã mang lại mật ngọt cho đời...

Rươi là loài nhuyễn thể thuộc họ rươi, ngành giun đốt và dân gian gọi rươi là rồng đất. Bề ngoài rươi có 1 thùy nhỏ ở trước miệng. Trên miệng có 2 mắt màu đen. Thân rươi dài khoảng 6-7cm và rộng khoảng 5-6mm, có 65 đốt với nhiều màu sắc khác nhau như: Hồng, trắng, nâu... Phần lưng trên được phủ một lớp tơ dài và dày. Hằng năm, rươi chỉ xuất hiện vào tháng 9, 10 và 11 âm lịch nên số lượng thu hoạch khá khan hiếm. Rươi giàu đạm, chất béo, khoáng chất và rất bổ dưỡng. Rươi thường được chế biến làm chả, nem, nấu canh măng, rươi om niêu đất, rươi rang muối...

 

MẠNH THẮNG - HOÀNG VIỆT