Trong đó bản Nậm Nghiệp nằm ở độ cao trung bình 2.200m, có diện tích trồng táo mèo lớn nhất, nhiều cây táo mèo cổ thụ, mà theo các cụ cao niên ở đây ca tụng thì tuổi đời dễ đến mấy trăm năm.

Cùng sinh trưởng ở xã Ngọc Chiến nhưng ai cũng phải công nhận, táo mèo ở Nậm Nghiệp đẹp hơn nơi khác vì hoa nở đều, nhiều cây trắng xóa, nhìn từ xa như rừng bông trắng muốt. Bữa lên bản Nậm Nghiệp đúng mùa hoa táo mèo, chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích. Chạy nhảy, tạo dáng chụp ảnh bên những gốc táo mèo xù xì, ngắm hoa táo mèo cả buổi khiến chúng tôi không khỏi đói bụng. Về đến khu nhà nghỉ là sà ngay vào mâm cỗ. Nói cỗ cho sang, thực chất là cơm gia chủ nấu cho chúng tôi. Giá bình dân nhưng ăn ngon và cảm giác rất mộc. Thực đơn có gà đen, cải Mèo luộc chấm trứng, một đĩa dưa chua, phải nói là rất chua ăn tê hết lưỡi. Bù lại, có bát miến nấu lòng mề gà, nấm hương rừng trôi đến là êm ruột. Thịt gà luộc ngọt đến kẽ chân răng. Chủ nhà đến là khéo, canh giờ chúng tôi sắp về để luộc gà, nên khi chúng tôi vừa sà vào mâm, cũng là lúc thịt gà đen nằm gọn trên đĩa được mang ra. Chấm một miếng lườn gà với gia vị mắc khén, tợp chén rượu táo mèo thơm chát, cảm thấy như mọi sự mệt mỏi tan biến.

leftcenterrightdel

Tỏ tình trong rừng hoa táo mèo.  

Ngồi bên mâm cơm, chủ nhà tâm sự cùng chúng tôi: Cây táo mèo gắn bó với đồng bào địa phương bao đời nay. Nó chính là cây mang lại nguồn lợi thu nhập chính cho người dân. Mùa xuân hoa nở thu hút du khách, sau đó thì cho gia chủ thu hoạch trái. Hồi tháng 3, tháng 4 đầu năm, nhiều hộ dân trên bản Nậm Nghiệp đã tìm được mối dưới xuôi, cắt cả cành táo mèo lủng lẳng quả chuyển xuống, bán được giá hơn, giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Thế nên trên này, đồng bào ai cũng mến táo mèo.

leftcenterrightdel
Du khách thưởng lãm hoa táo mèo trong một homestay còn chưa hoàn thiện xong.

 

Hay hơn nữa, trồng táo mèo không mất nhiều công chăm bón, trông coi. Dường như đất càng cằn, cây cho trái càng thơm, càng đẹp. Thời điểm này, ở xã Ngọc Chiến đang có một vài nhà nghỉ được xây dựng, để chuẩn bị đón khách vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Giá rất hợp lý, ngủ qua đêm 100.000 đồng/người. Ai thích tắm bể nước nóng, tắm lá thuốc đều được phục vụ chu đáo.

Có lang thang ở bản Nậm Nghiệp, chúng tôi mới biết hóa ra trước đây trên này cây táo mèo mọc tự nhiên, dân bản hái quả về ngâm rượu, làm thuốc, làm thức ăn cho gia súc. Đầu những năm 2000, người dân còn phải thồ táo mèo sang các địa phương khác để bán, giá rẻ chỉ mấy nghìn đồng/kg; giờ thì táo mèo bán được giá lắm, bán tại chỗ 15-20.000 đồng/kg nên nhà nào nhà nấy đều mong sớm đến vụ thu hoạch. Thậm chí Tết Nguyên đán, thương lái dưới đồng bằng còn lên tận nơi đặt mua, số lượng lớn đến hàng chục tấn. Có người còn đặt tiền trước Tết, thành ra cỗ Tết Nguyên đán của đồng bào Mông trên này đã to hơn trước, mâm cơm cúng tổ tiên có nhiều món ngon hơn.

Cơm nước xong, chúng tôi ra vườn táo mèo dạo một vòng. Lại biết thêm chuyện: Gia chủ mới trồng thêm vườn táo mèo nhưng phải 5 năm nữa cây mới ra trái thu hoạch được. Cây càng lâu năm cho trái càng ngon. Một cây táo mèo 10 năm tuổi gia chủ thu hoạch được từ 0,5 đến 2 tạ quả. Độc đáo ở chỗ, những cây năm nay ít quả thì năm sau quả sẽ sai. Đúng là tự nhiên, chẳng đi đâu mà thiệt. Nhiều gia đình ở bản Nậm Nghiệp nói riêng, xã Ngọc Chiến nói chung đã giàu lên nhờ cây táo mèo. Gia đình nào được “thần rừng” thương, có thể thu nhập tới hơn 100 triệu đồng từ cây táo mèo. Quan trọng hơn, nhà nào có vườn/rừng táo mèo càng đẹp, càng thu hút được nhiều du khách, nhờ đó hầu bao thêm phần rủng rỉnh.

Bài và ảnh: SƠN TRÀ - TRANG VY