(Tiếp theo và hết)

Bắp ngô thoát đói

Sáng sớm, trên chiếc xe máy của đơn vị, Thiếu tá Vừ Mí Chứ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) cùng đồng đội chở chúng tôi đi “khám phá” vùng đất khô cằn này. Anh Chứ giới thiệu: Sơn Vĩ là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, có đường biên giới dài hơn 17km, giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc. Ở đây ít đất, hệ thống sông suối nghèo nàn, chỉ có duy nhất dòng sông Nho Quế chảy qua nhưng nước thì ít, còn đá thì nhiều.

Thôn Cò Súng, nằm trải dài theo đường biên giới với Trung Quốc. Những nóc nhà của người dân nằm rải rác, khuất sau những triền núi. Qua nhiều khúc cua đường mòn, men theo dốc núi cao, chúng tôi đến nhà anh Già Mí Chả. Năm nay 36 tuổi, anh Chả gần như không nói được tiếng phổ thông. Để trò chuyện được với anh, chúng tôi phải nhờ Thiếu tá Vừ Mí Chứ phiên dịch.

Nét mặt trầm buồn, anh Chả kể về hoàn cảnh gia đình. Theo lời dịch của anh Chứ, chúng tôi được biết, anh Chả sinh ra và lớn lên ở mảnh đất khô cằn này. Từ nhỏ, anh theo bố mẹ đi lấy từng nắm đất nhét vào các kẽ đá để trồng ngô; nhưng ngô tốt hay xấu đều phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Cả tuổi thơ nỗi ám ảnh lớn nhất của anh là cái bụng lúc nào cũng lép kẹp, tha thẩn quanh những mỏm đá núi đen xám, lạnh lẽo và cô liêu. Đến khi lớn lên lấy vợ, cái đói, cái nghèo vẫn quấn lấy anh và gia đình mãi không chịu buông tha.

Không thể chịu được sự nghèo đói, vợ anh Chả đã bỏ đi. “Lúc vợ bỏ đi, tôi cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng. Không biết làm thế nào để khá lên được, tôi cũng đi lang thang”, anh Chả nhớ lại. Cho đến một ngày, anh thấy những rặng ngô mỡ màng, bắp mây mẩy. Lân la hỏi chuyện, anh biết bí quyết của thành công nằm ở kỹ thuật do các anh Bộ đội Biên phòng hướng dẫn cho gia đình chủ hộ. Anh liền mang những băn khoăn đến gặp bộ đội.

Nhờ những kỹ thuật do bộ đội hướng dẫn, đến nay trung bình mỗi vụ gia đình anh Chả gieo được 20kg hạt giống, bình quân thu hoạch được trên dưới 2 tấn ngô/vụ. Ngoài việc trồng ngô một vụ từ tháng 4 đến tháng 8, tranh thủ những khoảnh đất tốt, dễ che chắn gió sương, gia đình anh trồng thêm các loại rau xanh, nuôi thêm con gà. Kinh tế gia đình từ đó cũng dần khấm khá hơn.

 Trong miền ký ức của Chả, anh không nhớ vợ đã bỏ đi bao nhiêu năm, sau một thời gian dài tìm kiếm nhưng vẫn bặt vô âm tín. Căn nhà lá xiêu vẹo, mỏng mảnh của anh đã bị gió cuốn bay. Nay nhờ bộ đội góp công, góp sức cất cho anh một nóc nhà mới, trong nhà lại có ngô tích trữ, dù chưa thoát được hộ nghèo nhưng có ngô ăn quanh năm không bị đói, anh lấy được vợ mới, chung lưng lao động, sản xuất.

Hồ hởi trong câu chuyện thoát đói, anh Chả dẫn chúng tôi ra rặng núi quanh nhà. Giới thiệu hơn 200 gốc mận và lê đang vươn lên xanh tốt, anh hy vọng: “Gia đình tôi may mắn được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ lựa chọn là một trong 8 hộ thực hiện thí điểm mô hình vườn tạp. Tôi hy vọng trong vài năm tới những gốc mận, gốc lê là điểm tựa để gia đình tôi thoát nghèo”.

Con bò xóa nghèo

Từ nhà anh Chả ở thôn Cò Súng, chúng tôi sang thôn Lũng Chỉn, cách khoảng vài cây số. Đường đi khá khó khăn, có những đoạn đường đất hẹp, dốc chỉ vừa đủ cho một xe máy đi. Mặt trời gần đứng bóng, Thiếu tá Vừ Mí Chứ nói nhỏ với tôi: “Ở Sơn Vĩ ban ngày người dân thường vắng nhà đi làm nương. Do hẹn trước nên sáng nay anh Chứ Mí Giống ở nhà đợi đoàn”.

leftcenterrightdel

Chứ Mí Giống (thứ hai, từ trái sang) và Bộ đội Biên phòng Sơn Vĩ trong ngôi nhà mới khánh thành đầu năm 2022 của anh. 

Vừa thấy chúng tôi đến, anh Giống đã vui vẻ đợi sẵn trước cửa. Có lẽ do hơi bất ngờ vì đoàn công tác đến thăm có tới 6 người nên anh Giống phải loay hoay đi gom mọi góc ngách mới đủ ghế mời khách ngồi. Ngôi nhà tường bằng gạch xỉ của anh Giống mới được khánh thành đầu năm 2022, từ nguồn tiền do Đồn Biên phòng Sơn Vĩ vận động và 100% công sức xây dựng của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong ngôi nhà mới của anh Giống không có đồ vật nào có giá trị. Ở giữa căn nhà là một chiếc bếp củi, muội than, tro bếp còn dồn đống. Bên góc trái căn nhà, đi từ cửa vào là một chiếc nia đựng đầy bột ngô. Đây là nguồn thực phẩm chính của gia đình anh dùng trong bữa ăn hằng ngày.

Tuy mới gần 30 tuổi nhưng anh Giống đã có 4 con và tuổi sàn sàn nhau. Sau một hồi trò chuyện, anh Giống đưa chúng tôi đến xem căn nhà xiêu vẹo ngay bên cạnh.

Kể về ngôi nhà cũ, sống mũi anh cay cay: “Những ngày giá lạnh, trong nhà cũng như ngoài sân. Gió, sương, băng giá lùa vào lạnh cắt da, cắt thịt. Còn lúc mưa to gió lớn, cả nhà co cụm một góc, chỉ sợ mưa gió kéo sập”. Những khó khăn của gia đình anh dần được tháo gỡ khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ. Dẫn chúng tôi đi xem đàn bò của gia đình, nét mặt anh Giống trở nên tươi vui: “Được sự hỗ trợ từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, gia đình tôi được nhận nuôi một con bò giống. Đến nay, từ con bò mẹ đã sinh sản ra được 2 con bê con. Một con bê được luân chuyển cho một hộ nghèo khác. Còn lại trở thành tài sản của gia đình tôi. Đây là một tài sản rất lớn mà trước đó, trong mơ tôi cũng không dám nghĩ tới”.

Không chỉ giúp gia đình anh Giống chiếc cần câu thoát nghèo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ còn hướng dẫn anh tận dụng những rẻo đất ở khe núi quanh nhà để trồng cỏ, chế biến làm thức ăn dự trữ, làm chuồng trại quây kín giữ ấm cho bò trong những ngày đông lạnh giá.

Và nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả

Theo ông Đoàn Minh Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ, toàn xã hiện có 1.296 hộ với 7.593 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 69,14%. Con số khô khốc thường trực bám lấy suy nghĩ của cán bộ chính quyền xã Sơn Vĩ và các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ với những câu hỏi: Làm sao để người dân hết đói, thoát nghèo?

Từ kinh nghiệm qua thực tế đồng hành với những nỗi vất vả của người dân, Thiếu tá Vừ Mí Chứ cho rằng: “Xã Sơn Vĩ địa hình phức tạp, không có nước sinh hoạt vào mùa khô, thiếu đất canh tác, diện tích đất chủ yếu là đất lâm nghiệp và núi đá nên chính quyền và nhân dân địa phương xác định hướng phát triển kinh tế thuận lợi và bền vững nhất là chăn nuôi gia súc, chủ yếu là chăn nuôi bò hàng hóa”.

Xuất phát từ thực tế đó, nhiều năm nay, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã kiên trì thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển”, hỗ trợ hàng trăm con bò giống cho các hộ nghèo. Quá trình thực hiện, đơn vị thường xuyên cử cán bộ xuống các hộ gia đình hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về giống, chăm sóc bò đực giống, bò cái sinh sản và bê, kỹ thuật sử dụng bò đực phối giống, kỹ thuật chế biến và bảo quản thức ăn cho bò, kỹ thuật làm chuồng trại và phòng tránh rét cho bò khi mùa đông tới, thực hiện các biện pháp phòng, trị dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp bò chết do bệnh. Từ chương trình hỗ trợ bò giống của Đồn, đến nay nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã từng bước ổn định phát triển kinh tế gia đình và dần thoát nghèo.

Không dừng lại ở đó, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ còn phân công hơn 20 đồng chí đảng viên giúp đỡ gần 100 hộ nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế, cầm tay làm mẫu cho người dân trồng đa dạng các loại cây lương thực như khoai lang, khoai sọ, dong riềng... Đặc biệt, Đồn đã phối hợp với xã vận động người dân tập trung gieo trồng cây đậu tương theo hướng thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi từ trồng một vụ sang hai vụ, nhằm tạo nguồn hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ áp dụng kỹ thuật, năng suất đậu tương bình quân đạt 150-180kg/hộ/năm.

Sau một thời gian xuống tận thôn bản tìm hiểu cuộc sống của người dân, chúng tôi nhận thấy, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã và đang được cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cùng chính quyền địa phương triển khai đồng bộ. Đói nghèo dần được đẩy lùi, tạo nên sức mạnh vững chắc bảo vệ nơi biên cương xa xôi, lưng chừng trời của Tổ quốc.

Bài và ảnh: VĂN TUẤN - LIÊN VIỆT - HẢI ANH