Hệ giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia. Những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đạo sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia là góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia gặp không ít khó khăn bởi các điểm nghẽn chưa đồng thuận. GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đã chia sẻ một số quan điểm về vấn đề này.

leftcenterrightdel

 GS, TS Từ Thị Loan thông tin về các hệ giá trị quốc gia. Ảnh: HẢI HẬU 

Phóng viên (PV): Thưa bà, các quốc gia trên thế giới quan tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia như thế nào? Chúng có đặc điểm chung và khác gì so với ở Việt Nam?

GS, TS Từ Thị Loan: Mấy năm trước, chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, đa số các nước trên thế giới đều rất quan tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, lấy đó làm “kim chỉ nam” cho phát triển, biến thành động lực để cả xã hội phấn đấu thực hiện. Thực tiễn cho thấy, các quốc gia phát triển thành công, trở thành những dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển. Ví dụ, Quốc hội Singapore đã thông qua “Các giá trị chung Singapore” (Singapore Shared Values) bao gồm 5 giá trị từ năm 1991: Dân tộc trước cộng đồng, xã hội trên cá nhân; Gia đình là đơn vị cơ bản nhất của xã hội; Hỗ trợ cộng đồng và tôn trọng cá nhân; Đồng thuận, không xung đột; Hòa hợp chủng tộc và tôn giáo. Đã xuất hiện những hệ giá trị chung cho châu lục, liên minh, như “các giá trị châu Á”, “các giá trị phương Tây”...

Đối với Việt Nam, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia đã được thực hiện, nhưng có những đặc điểm khác so với các nước trên thế giới, khu vực vì bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế, chính trị và chiến tranh...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những giá trị độc lập, tự do, bình đẳng... hết sức căn cốt của nhân loại để thổi bùng ngọn lửa cách mạng Việt Nam. "Tuyên ngôn độc lập" Người viết năm 1945 mà chúng ta biết đã nói lên tất cả. Trong "Di chúc", Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng ta luôn lãnh đạo để đạt các giá trị cốt lõi ấy. Các chủ trương về lãnh đạo xây dựng hệ giá trị của Đảng đều có tính hệ thống. Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) đề ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Trên bình diện thực tế, có nhiều căn cứ cho thấy việc xây dựng hệ giá trị quốc gia là cấp thiết. Ví dụ việc giáo dục giá trị của chúng ta có biểu hiện bị coi nhẹ. Các trường học chủ yếu mới tập trung giáo dục tri thức, kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục phẩm chất, đạo đức, xây dựng các giá trị con người. Các giá trị gia đình đang bị đe dọa từ nhiều phía, nhất là những tác động từ bên ngoài. Nhiều giá trị đang chao đảo, thậm chí đảo lộn trong cơn lốc của kinh tế thị trường. Trong một nghiên cứu do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện, kết quả khảo sát cho thấy nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một, nhiều hành vi sai trái, lệch chuẩn xuất hiện (xem biểu đồ 5).

leftcenterrightdel
 

 

PV: Vâng! Từ những gì bà đã phân tích thì rõ ràng việc xây dựng hệ giá trị quốc gia là tất yếu trong hội nhập, phát triển và rất cần kíp đối với Việt Nam? 

GS, TS Từ Thị Loan: Không những vô cùng cần thiết mà rất cấp bách bởi xuất phát từ vai trò quan trọng của hệ giá trị quốc gia với vận mệnh, sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Nếu có một hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục thì chúng ta có thể cổ vũ, dẫn dắt, “khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong các tầng lớp nhân dân, vượt qua các thách thức, khó khăn. Ví dụ vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19, các khó khăn trong cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường và nhiều nguy cơ, thách thức khác.

Khi có một hệ giá trị quốc gia phù hợp giúp bồi đắp lòng yêu nước, nâng cao ý chí độc lập, tự cường sẽ góp phần tập hợp ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc đứng vững trước âm mưu thôn tính của các thế lực bên ngoài, giữ vững biên cương, lãnh thổ từ sớm, từ xa. Trong lĩnh vực văn hóa, nếu có hệ giá trị quốc gia dẫn dắt, định hướng đúng đắn sẽ giúp chúng ta chấn hưng văn hóa, ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức, tha hóa nhân cách, các biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa, phi giá trị trong xã hội... Khi soi vào các kết quả mà chúng tôi điều tra, khảo sát trong đề tài khoa học cấp Nhà nước có tên "Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do TS Nguyễn Ngọc Thiện làm chủ nhiệm, cho thấy có nhiều giá trị truyền thống của con người Việt Nam cần phải được kế thừa, phát huy như: Yêu nước là 76%; nhân ái là 39,8%; trung thực là 63,5%... (xem biểu đồ 2)

leftcenterrightdel
 

Như vậy, việc giữ gìn, phát huy và phát triển các hệ giá trị, trong đó có hệ giá trị quốc gia-hệ giá trị nền tảng, tiên quyết, chi phối các hệ giá trị khác hiện nay là cấp bách hơn bao giờ hết. Hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân Việt Nam hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

PV: Từ những phân tích ở trên, bà có thể cho biết cơ sở nào để xây dựng hệ giá trị quốc gia? Theo bà đề xuất, hệ giá trị quốc gia gồm những giá trị nào?

GS, TS Từ Thị Loan: Trong giới khoa học hiện nay có một số ý kiến khác nhau về quan điểm lựa chọn hệ giá trị quốc gia. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như dựa trên tình hình thực tiễn Việt Nam, tôi cho rằng việc xác định hệ giá trị quốc gia chỉ nên dừng lại ở những giá trị cốt lõi, trọng điểm. Đó phải là sự kết hợp, kế thừa các giá trị quan thiết của dân tộc đồng thời gắn với các giá trị phổ quát, tiến bộ của thời đại và nhân loại. Hệ giá trị quốc gia không nên quá cao siêu, xa vời, ít tính khả thi mà phải có sự cân đối giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo với điều kiện thực hiện và sự đồng thuận của người dân, phải xuất phát từ những mong đợi của người dân để họ tự giác chung tay thực hiện.

Về cấu trúc hệ giá trị, theo tôi cần ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ tuyên truyền, dễ triển khai. Qua quá trình nghiên cứu, tôi đề xuất hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay gồm 8 giá trị như sau: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Ở đây, tôi chọn “phồn vinh” thay cho “dân giàu, nước mạnh”, bởi “phồn vinh” đã hàm nghĩa sự phát triển phồn thịnh của cả người dân và đất nước. Điều này cũng tương đồng với mục tiêu “xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Về mặt từ vựng và ngữ pháp, “dân giàu, nước mạnh” khi dịch ra tiếng nước ngoài sẽ không đồng đẳng với các giá trị kia. Tham khảo hệ giá trị các nước cũng không thấy nước nào diễn đạt như vậy, chỉ có “thịnh vượng”, “phồn thịnh”...

PV: Thưa bà, việc thực hiện 8 giá trị sẽ có khó khăn gì và hướng để gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện hệ giá trị quốc gia là thế nào?

GS, TS Từ Thị Loan: Theo đánh giá của tôi, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang hết sức cố gắng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Có thể năm 2022, sau những ngày dài đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ lại lập kỳ tích trong tăng trưởng kinh tế. Đây là kết quả cho thấy hệ giá trị quốc gia đang được bồi đắp, củng cố không ngừng. Tuy nhiên, trong thực hiện hệ giá trị, tôi thấy hai giá trị “dân chủ, công bằng” cần phải được quan tâm ưu tiên.

Xây dựng, củng cố, bồi đắp hệ giá trị quốc gia là một công cuộc lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào. Để gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện hệ giá trị quốc gia, theo tôi cần những giải pháp tổng thể và đồng bộ cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Ngoài những giải pháp lớn, chủ đạo mà tôi nêu ở trên thì mấu chốt vấn đề hiện nay là phải đồng thuận để xây dựng hệ giá trị, thống nhất lựa chọn được những giá trị phù hợp, làm nền tảng cho sự phát triển. Đây chính là điểm nghẽn khó nhất cần phải tháo gỡ. Để lâu là muộn, là mất cơ hội.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

MẠNH THẮNG - NGUYỆT MINH (thực hiện)

Bài 2: Cần hệ giá trị văn hóa dẫn đạo