Thiếu tá Lê Văn Trọng, giảng viên Khoa Giáo dục quốc phòng-an ninh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, sau khi ra trường và làm công tác quản lý học viên ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thì anh được cấp trên điều đi sĩ quan biệt phái. Khi đến nơi, điều khiến anh choáng ngợp là số lượng sinh viên đào tạo lớn, nhận thức tốt nhưng có một số chưa chú trọng nhiều đến nội dung. Có một số mang tâm lý học cho xong chứ không chú trọng tập trung nghiên cứu, học để ứng dụng.

Bên cạnh đó, trong môi trường sư phạm chuyên nghiệp, rất nhiều giảng viên là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và trình độ văn hóa, ngoại ngữ đáng nể. Do vậy, vấn đề hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mỗi sĩ quan biệt phái là phải tự “làm mới mình”, bắt nhịp với môi trường mới. Trước hết, để thực hiện tốt các nhiệm vụ của giảng viên, Thiếu tá Lê Văn Trọng đã chủ động tự học nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ, kỹ năng thuyết trình, tiếp thu kinh nghiệm của các sĩ quan biệt phái đi trước trong giảng dạy. Bên cạnh đó, anh cũng đã tăng cường nghiên cứu các tài liệu về quân sự, nghiên cứu những trận đánh trong lịch sử để khơi dậy tinh thần, động cơ học tập cho sinh viên.

Trước khi lên lớp giảng dạy, Thiếu tá Lê Văn Trọng thường chú trọng chuẩn bị kỹ lưỡng về giáo án, mô hình, động tác thị phạm, làm mẫu. Có hôm anh đứng trước gương để thục luyện nhiều giờ nội dung bài giảng được phân công. Khó nhất vẫn là tổ chức huấn luyện chiến thuật cho sinh viên. Bởi địa hình, thao trường huấn luyện có mặt chưa đáp ứng như đỏi hỏi thực tế, chưa có điều kiện để anh mở rộng kiến thức cho sinh viên. “Chúng tôi thường đầu tư nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp sư phạm, huấn luyện động tác thị phạm sao cho phù hợp với đối tượng giảng dạy, để sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ nội dung nhất”, Thiếu tá Lê Văn Trọng tâm tình.

leftcenterrightdel

Thượng tá Lê Văn Quyết, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội giới thiệu Điều lệnh Đội ngũ cho sinh viên. Ảnh: ĐÌNH MẠNH

Thiếu tá Chu Hữu Sơn, giảng viên các bộ môn chính trị thuộc Trung tâm Giáo dục quốc phòng-an ninh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội thổ lộ, sau thời gian dài làm chính trị viên ở đơn vị cơ sở của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội được biệt phái sang làm nhiệm vụ giảng dạy sinh viên, anh có nhiều bỡ ngỡ. Việc kết cấu bài giảng chính trị một cách hệ thống, cơ bản, khoa học cho đối tượng sinh viên không hề dễ dàng. Nếu tập trung vào thông tin chính trị thì bài giảng bị khô, thiếu sức sống. Nếu dẫn chứng nhiều quá và không cân đối thì rất dễ tổ chức giảng không hết nội dung, “cháy giáo án”... Thế nên, từng bước phải đúc rút kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ năng.

Nâng cao chất lượng giảng dạy quốc phòng, an ninh cho sinh viên là một chủ trương đúng của Đảng, không những bồi dưỡng cho các trí thức trẻ về bản lĩnh chính trị mà còn củng cố cho họ kiến thức lịch sử, quân sự cũng như nhiều nội dung bổ ích khác.

Để hoàn thành trọng trách ấy, những sĩ quan biệt phái đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ. Ở họ, ngoài tinh thần trách nhiệm của một người thầy, người giảng viên thì vinh dự là một sĩ quan Quân đội luôn là động lực, “sợi chỉ đỏ” để thôi thúc họ phấn đấu.

THẢO TRANG