Người thầy truyền lửa
Võ Văn Sơn sinh ra trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Năm 2010, anh tốt nghiệp Trường Đại học Tiền Giang, được nhà trường giữ lại công tác tại Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp. Phát huy tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, từ năm 2014, anh lần lượt được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Liên chi đoàn viên chức, Bí thư Đoàn Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản, Ủy viên Thường vụ Đoàn trường. Cũng trong năm đó, anh vinh dự được kết nạp Đảng và tham gia giảng dạy Bộ môn Khoa học xã hội.
Anh Sơn kể: "Tôi luôn tâm đắc lời Bác Hồ dạy đoàn viên, thanh niên phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; phải có lòng ham tiến bộ. Tôi nghĩ sự quyết tâm và tinh thần học hỏi không bao giờ thừa để phát triển bản thân và đóng góp cho quê hương".
Trong quá trình công tác, anh Sơn luôn chủ động học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực sư phạm, không ngừng trau dồi kiến thức, đổi mới giảng dạy. Trong đó, anh chủ trì phương pháp tiếp cận CDIO, trực tiếp giảng dạy bằng e-learning, triển khai các phần mềm cũng như các mô hình giảng dạy trực tuyến. Anh Sơn giải thích: "Tiếp cận CDIO nghĩa là sinh viên học các kỹ năng cá nhân, giao tiếp, kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống cùng với kiến thức chuyên ngành. Nói cách khác, đây là học tập tích hợp, cho phép sinh viên sử dụng thời gian kép để vừa học kiến thức, vừa học kỹ năng. Điều này đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo hiệu quả hơn".
Từ năm 2011 đến nay, anh thực hiện 9 đề tài nghiên cứu khoa học (3 đề tài xuất bản sách tham khảo); công bố 35 bài báo khoa học đạt chỉ số ISSN và ISBN (mã số chuẩn quốc tế tạp chí, sách), trong đó, nhiều tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm. Điều anh luôn trăn trở là giải pháp giúp sinh viên dễ tiếp cận kiến thức, chủ động tiếp thu bài và đạt kết quả cao trong học tập bởi công việc trọng tâm của giảng viên là truyền đạt thế nào để có những giờ học bổ ích, tạo hứng thú cho sinh viên. Vì vậy, anh đã nghiên cứu, tìm phương pháp tổ chức dạy học phù hợp với tâm lý sinh viên, tạo nên những tiết học sinh động, giàu tính ứng dụng, gắn liền với thực tế cuộc sống, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng như tăng cường học tập theo nhóm, phát huy năng lực tự chủ của sinh viên, đổi mới quan hệ người dạy và người học theo hướng cộng tác, kết nối bài học với thực tiễn... Ngoài ra, những kinh nghiệm hoạt động Đoàn giúp anh xây dựng các bài giảng hấp dẫn hơn.
Theo anh Sơn, trong "Di chúc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt đoàn viên, thanh niên ở vị trí "những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa "chuyên". Do đó, phải thường xuyên giáo dục cán bộ, đoàn viên, thanh niên học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Bác. Anh Nguyễn Minh Quân, Bí thư Đoàn trường, Trường Đại học Tiền Giang, cho biết: "Anh Sơn luôn tâm niệm: Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ là quá trình tự giác, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn Người, cũng như xem đó là niềm vinh dự, tự hào. Vì vậy, anh sống giản dị, trách nhiệm với công việc, truyền lửa đam mê học hỏi, khơi dậy tinh thần sáng tạo cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên".
Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phụ trách tuyên giáo, anh Sơn tranh thủ viết tin, bài tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình hoạt động của công đoàn các cấp qua hệ thống phát thanh, website, fanpage của nhà trường và các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang. Nhiều bài viết của anh Sơn về các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xây dựng văn hóa công sở", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", Chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn"... góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên hăng hái thi đua lập thành tích mới trên mọi lĩnh vực công tác. Năm 2020, anh là một trong 3 đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ X.
Luôn đồng hành với sinh viên nghèo vượt khó
Ngoài các hoạt động chuyên môn, anh Sơn còn được đồng nghiệp gọi với biệt danh thân thương “Sơn từ thiện” từ khi anh đề xuất mô hình "Tuổi trẻ Trường Đại học Tiền Giang đồng hành với sinh viên nghèo vượt khó" năm 2012.
Anh Sơn chia sẻ: "Để thực hiện mô hình này, ngoài những giờ giảng dạy, tôi tìm hiểu những sinh viên có hoàn cảnh kém may mắn để viết bài gửi các cơ quan báo chí cũng như đăng tải trên mạng xã hội kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ. Đây là cầu nối lan tỏa thông điệp yêu thương theo tinh thần của Bác Hồ". Đến nay, anh cùng các nhà hảo tâm đã tổ chức hơn 200 chương trình thiện nguyện, trong đó có một số chương trình tiêu biểu như: "Em nuôi của Đoàn", "Đồng hành cùng em đến trường", "Vui Trung thu", "Ấm áp mùa xuân", "Nhịp cầu nhân ái", "Nhận từ người có, trao tặng người khó", "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", "Nâng bước đến trường"; đồng thời vận động hỗ trợ hơn 1.000 suất học bổng, xây tặng 10 “Nhà tình bạn”, hỗ trợ sinh viên chữa bệnh... với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
|
|
Anh Võ Văn Sơn (thứ hai, từ trái sang) tặng quà thương binh ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang dịp 27-7-2022.
|
Từ những hoạt động thiết thực đó, nhiều sinh viên khó khăn được cộng đồng tiếp sức trên hành trình chinh phục ước mơ. Chẳng hạn như sinh viên Nguyễn Minh Giàu, lớp Đại học Xây dựng K9, không may bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật và xây nhà. Hiện nay, Nguyễn Minh Giàu đang công tác tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang. Sinh viên Trần Thị Phúc Trân, lớp Đại học Kế toán K10, bị mắc bệnh hiểm nghèo phải cắt bỏ một chân, được tài trợ học bổng toàn phần, hiện đã tốt nghiệp và làm việc tại một công ty kế toán. Sinh viên Nguyễn Minh Nghĩa, lớp Đại học Quản trị kinh doanh K12 được tài trợ kinh phí chữa bệnh và học tập, đã tốt nghiệp, công tác tại Phòng Kinh doanh VNPT Tiền Giang. Sinh viên Biện Trần Thành Long, lớp Đại học Ngữ văn K14, cũng được tài trợ kinh phí chữa bệnh, ra trường được Công ty Cathay Life Việt Nam chi nhánh Mỹ Tho tiếp nhận làm việc...
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trên mọi lĩnh vực phụ trách, từ năm 2011 đến 2021, anh Võ Văn Sơn đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được vinh danh cấp tỉnh với các thành tích như: "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2012, "Đảng viên trẻ tiêu biểu" và "Viên chức trẻ tiêu biểu" năm 2015, "Giảng viên trẻ tiêu biểu làm theo lời Bác" năm 2019, "Tuổi trẻ tiêu biểu" năm 2020, "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" giai đoạn 2012-2016 và 2016-2018... Đặc biệt, thầy Võ Văn Sơn hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo năm học 2014-2015 và năm học 2018-2019; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" năm học 2019-2020...
Trò chuyện cùng chúng tôi, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng
Trường Đại học Tiền Giang, nhận xét: "Đồng chí Võ Văn Sơn luôn thể hiện
tinh thần ham học hỏi, chủ động nghiên cứu, tìm tòi bổ sung kiến thức,
kỹ năng cho bản thân cũng như thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin
xây dựng giáo án điện tử, cập nhật thực tiễn vào bài giảng làm tiết học
thêm sinh động, hấp dẫn, nâng cao chất lượng giảng dạy, hiệu quả các
hoạt động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, đồng chí rất
xông xáo, nhiệt huyết với phong trào, các hoạt động vì cộng đồng,
truyền cảm hứng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên phấn đấu học tập, góp
phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương".
|
HỒ KIÊN GIANG