Đại tá Lữ Giang (1918-1987) tên thật là Nguyễn Trương Bờn, quê xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ ông là Nguyễn Trương Diễm, một nhà Nho yêu nước, đỗ tú tài Hán học, được bà con trong vùng gọi là cụ Hàn Diễm. Bốn người con trai của cụ đều là những chiến sĩ cách mạng theo lý tưởng cộng sản từ sớm. Người con trai cả là Nguyễn Trương Nhĩ. Con trai thứ hai là Nguyễn Trương Thúy (còn gọi là Nguyễn Trường Thúy), người sáng lập chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và là Bí thư Huyện ủy Xuân Trường. Hiện nay, tại huyện Xuân Trường có Trường THPT Nguyễn Trường Thúy. Con trai thứ ba là Nguyễn Trương Khoát, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Là con trai út trong gia đình có truyền thống nên Nguyễn Trương Bờn-Lữ Giang sớm được các anh trai giác ngộ cách mạng. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936. Cuộc đời của ông trải qua nhiều đơn vị với nhiều chức vụ công tác: Trưởng phòng Chính trị Liên khu 4, Chính ủy Trung đoàn 9 (Liên khu 4); Chính ủy Phân khu Bình Trị Thiên, Chính ủy Trung đoàn 101 (Liên khu 4), Trưởng phòng Chính trị Đại đoàn 304... Bến đỗ cuối cùng với nhiều năm gắn bó của ông là NXB QĐND, từ Phó giám đốc rồi Giám đốc-Tổng biên tập (1961-1980).

Không giấu giếm cái ác liệt của chiến tranh

Thiếu tướng Trần Văn Phác, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nhận xét: “Anh Lữ Giang có nhiều đóng góp giữ cho con thuyền xuất bản quân đội phát triển thuận buồm xuôi gió... Anh thạo tiếng Pháp nên có thuận lợi trong việc nghiên cứu sách nước ngoài. Anh lại tự học giỏi tiếng Trung Quốc, thường đàm đạo trôi chảy với các cố vấn Trung Quốc không cần phiên dịch. Anh em thường gọi đùa anh là "đồ Nghệ", anh nhíu đôi lông mày rậm và chỉ cười”.

leftcenterrightdel

      Đại tá Lữ Giang - Nguyễn Trương Bờn (1918-1987).

Trong ký ức của Thiếu tướng Trần Văn Phác, Đại tá Lữ Giang là người “rất thận trọng trong việc thông qua bản thảo”. Nhà văn Vũ Sắc, biên tập viên NXB QĐND trong hồi ký làm nghề của mình ghi lại nhiều kỷ niệm xúc động với Giám đốc-Tổng biên tập Lữ Giang. Một trong số đó là câu chuyện ông Lữ Giang nhận xét bản thảo truyện “Dứt điểm” của tác giả Nguyễn Kiệp (tức Lâm Phương) viết về Anh hùng Trần Ngọc Thái, quân nhân sửa chữa tàu hải quân là “thiếu tính Đảng”, phải sửa lại. Biên tập viên NXB tìm gặp tác giả thì cũng là lúc Nguyễn Kiệp chuẩn bị lên đường đi B vào chiến trường miền Nam nên phó thác tất cả cho biên tập viên. Không rũ rối bản thảo ra được thì chữa “giậm” vào. Với tài nghệ "bếp núc" biên tập của mình, nhà văn Vũ Sắc đã bổ sung “tính Đảng” cho bản thảo hết sức “linh hoạt”.

Khi xem lại bản thảo “Dứt điểm” đã biên tập thì Đại tá Lữ Giang nhận thấy Đảng có mặt khắp mọi lúc, mọi nơi, “Đảng lãnh đạo toàn diện”. Song ông cũng tủm tỉm cười và nói với biên tập viên Vũ Sắc: “Sao lần này lại “lắm Đảng” thế! Chỉ nên để một số chỗ thôi", rồi lật bản thảo chỉ cho nhà văn Vũ Sắc thấy: " ... chỗ này... chỗ này... còn thì bớt đi...”.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên trong thời gian làm biên tập viên NXB QĐND đã ghi lại kỷ niệm về tập trường ca “Đường tới thành phố” của tác giả Hữu Thỉnh mà ông gọi là có "số phận đặc biệt". Khi tác phẩm in xong, Giám đốc Lữ Giang chưa cho phát hành, sách vẫn nằm im trong kho NXB QĐND. Hơn một tháng sau-khoảng tháng 5-1979, tập trường ca mới ra mắt bạn đọc. Lý do là Giám đốc Lữ Giang đọc đến đoạn Hữu Thỉnh viết về người lính bị địch chặt cụt đầu, dòng dây từ máy bay xuống: ... Nó dòng xuống xác một người đồng chí/ Bị chặt đầu/ Chân còn dép, chân không/ Máu anh bỏng xuống núi ngàn/ Đời anh treo một dấu than giữa đời/ Kẻ thù cách một gang thôi/ Phải dằn súng lại. Cắn môi tìm đường.

Ông nói với biên tập viên Tạ Hữu Yên: “Phải công nhận là tác giả viết hay, nhưng nó "ghê" quá. Tôi cân nhắc mãi, sau rồi thấy viết thế là mới, mà mình không giấu giếm cái ác liệt của chiến tranh".

leftcenterrightdel

Cục trưởng Cục Xuất bản Trần Thị Minh Châu (ngồi hàng đầu, thứ sáu, từ phải sang) thăm Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 1977 .   Ảnh do tác giả sưu tầm 

Người thầy của nữ Cục trưởng Cục Xuất bản đầu tiên

Trong lịch sử ngành xuất bản Việt Nam, bà Trần Thị Minh Châu là Cục trưởng Cục Xuất bản đầu tiên. Sinh thời, bà có kể lại cho người viết bài này nghe kỷ niệm về Đại tá Lữ Giang, người thầy của bà. Đó là năm 1972, khi bà đang làm Cục trưởng Cục Xuất bản, một lần cục triệu tập giám đốc các NXB về họp.

Lần đầu tiên gặp Giám đốc NXB QĐND với tên gọi Lữ Giang. Nghe tên thì lạ nhưng nhìn cặp mắt có đôi lông mày rậm song rất hiền từ và hơi buồn thì bà Châu lại thấy quen quen. Bà thoáng nghĩ hình như là người quen, nhưng là ai nhỉ, bà nhớ mãi không ra.

Chiều hôm sau, bước vào cuộc họp, bà Châu đến ngồi cạnh và khẽ hỏi: “Đồng chí Lữ Giang còn có tên nào khác không?”.

Giám đốc NXB QĐND cười, không trả lời ngay, mà hỏi lại Cục trưởng Cục Xuất bản: “Ngày xưa chị giỏi toán lắm cơ mà, tại sao bây giờ lại làm nghề này?”.

Bà Trần Thị Minh Châu đứng bật dậy khẽ kêu lên: “Ôi, đúng là thầy giáo cũ của tôi rồi, thầy Nguyễn Trương Bờn của xứ Nghệ”. Rồi bà lúng túng: “Thưa thầy...” thì ông vẫn cười, ấn bà ngồi xuống và nói nhỏ: “Ở đây cứ gọi tôi là anh, là đồng chí, sau sẽ có dịp nói chuyện”.

Ký ức của Cục trưởng Trần Thị Minh Châu trở về những năm 1934-1935. Khi đó, tỉnh Hải Dương quê bà chỉ có trường công mở đến lớp nhất. Khi thi hết bậc tiểu học, học sinh phải đến thi ở Hải Phòng. Gia đình cô học trò Trần Thị Nguyệt Lãng (tên khai sinh của bà Trần Thị Minh Châu) rất nghèo, song cô lại thông minh, học giỏi, đã thi đỗ để vào học năm thứ nhất. Lớp có hơn 20 học sinh, chỉ mình Nguyệt Lãng là con gái.

Trong trường, các thầy giáo hầu hết dạy bằng tiếng Pháp. Có một thầy giáo người Nghệ An, hiền lành, cục mịch. Hơn nửa thế kỷ sau, bà Minh Châu vẫn nhớ thầy Nguyễn Trương Bờn “thường mặc áo dài the, đi dép trong khi các thầy khác hầu hết đều mặc Âu phục”.

Ông thầy giáo trẻ xứ Nghệ này đã thổi vào tâm hồn những học sinh nhỏ tuổi của mình tinh thần yêu nước, nỗi bất công của xã hội do thân phận người dân mất nước. Không chỉ giảng bài trên lớp, thầy Nguyễn Trương Bờn còn tìm hiểu một số gia đình quá nghèo lại có con học giỏi để đặt vấn đề với ông đốc học và xin học bổng cho số học sinh này. Cô học trò Trần Thị Nguyệt Lãng cũng có tên trong đó.

Khi học trò học hết bậc tiểu học, vì nhà nghèo phải lên Hà Nội kiếm việc làm, chính thầy Trương Bờn lại là người đưa học trò Nguyệt Lãng đến một hiệu sách của cơ sở đảng ở xế cửa chợ Đồng Xuân do ông Phạm Văn Hảo làm chủ để xin việc. Từ một cô gái bán sách báo của cơ sở đảng, qua các sách báo tiến bộ trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, cô Trần Thị Nguyệt Lãng đã sớm được giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên khi 18 tuổi. Không lâu sau, ở tuổi ngoài 20, cô đã lần lượt làm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Hà Đông, Hưng Yên; Chánh văn phòng Khu giải phóng Tân Trào...

Nghỉ hưu, Đại tá Lữ Giang chuyển vào miền Nam sinh sống. Năm 1987, ông viết một lá thư dài gửi cho người học trò lúc này đang đứng đầu ngành xuất bản. Khi bức thư ấy đến tay bà Trần Thị Minh Châu thì cũng là lúc bà được tin thầy qua đời. Bức thư dài, từ đầu chí cuối, ông luôn xưng thầy: "... Thầy tuy ở xa em nhưng vẫn theo dõi công việc của em. Em đã trưởng thành, đã trở thành người cán bộ trải qua nhiều công tác lãnh đạo các cấp, có nhiều thành tích. Thầy vui và cảm thấy được đền bù. Thầy chỉ nhắc lại cho em và mong em thực hiện được nguyện vọng mà chính thầy không thể làm được. Bây giờ em cần suy nghĩ và cuối đời phải làm, đó là “viết", phải viết lại những gì ta đã trải qua cả một cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ để lại cho con cháu đời sau”.

Chính từ lá thư động viên này của Đại tá Lữ Giang, bà Trần Thị Minh Châu đã bắt tay vào viết hồi ký. Từ những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Văn Thụ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo... đến hồi ký nhà chùa với cách mạng ở Hưng Yên, hay thời gian Cứu quốc quân Võ Nhai (Thái Nguyên) chiến đấu chống Pháp-Nhật khủng bố đêm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945...

KIỀU MAI SƠN