Tùy theo hợp đồng, họ sẽ chịu trách nhiệm với những công việc cụ thể, có thể tham gia vào quá trình xây dựng một tác phẩm sân khấu, tức là chỉ đạo dàn dựng, diễn xuất từng cảnh diễn sao cho đạt được ý đồ nghệ thuật cao nhất. Mọi bộ phận đều phải tuân theo sự chỉ đạo của đạo diễn... Vậy ĐDSK là ai?

Như chúng ta biết, nghề đạo diễn sân khấu luôn có cơ hội nghề nghiệp phong phú, được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều nền văn hóa khác nhau để áp dụng sáng tạo, tạo nên những tác phẩm có giá trị. Nhưng ĐDSK luôn phải đương đầu với thách thức bởi áp lực công việc lớn, phải chịu nhiều rủi ro như tác phẩm không tạo được tiếng vang, không được công chúng đón nhận... Đặc biệt, còn nhiều rủi ro cho mức thu nhập dựa vào tác phẩm do mình tạo ra. Vì vậy, ĐDSK đâu phải nghề để chơi hay cốt chỉ là cái mác dán cho oai! Lại càng không phải cái nghề “câu cơm” dễ dàng.

Ở nước ta, lâu nay, đánh giá về những tác phẩm sân khấu trên các phương tiện thông tin truyền thông và cả trong các hội thi nghệ thuật, người ta thường chỉ đánh giá nhận xét các vở diễn đã, đang hoặc sẽ được trình diễn trên sân khấu. Và chỉ ở đấy, một tác phẩm sân khấu mới được hoàn chỉnh. Nhưng gần đây, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã nêu thực trạng thiếu vắng đội ngũ sáng tạo của sân khấu, trong đó không thể không nhắc tới sự thiếu hụt đáng kể lớp đạo diễn trẻ kế cận giỏi nghề.

Vậy họ đi đâu, làm gì khi mỗi năm, hai trường đại học sân khấu-điện ảnh ở hai thành phố lớn của nước ta đã cho tốt nghiệp mấy chục đạo diễn trẻ ra nghề? Câu hỏi ấy phải chăng chỉ như câu trả lời của một vị lãnh đạo đơn vị sân khấu từng nói, đó là: “Đối với các nhà hát, mỗi năm vài ba vở đã là cả gia tài nên không ai dám trao vở diễn vào tay những đạo diễn non kinh nghiệm. Để không rơi vào tình trạng “xôi hỏng bỏng không”, các nhà hát thường mời đạo diễn tên tuổi, đã có uy tín trong nghề...”.

Vậy là tất yếu, lớp trẻ bị lấy mất đi cơ hội. Câu hỏi đau đáu của các đạo diễn vẫn là: Sao lại không tin vào chúng tôi? Nhưng cũng khó cho các lãnh đạo nhà hát khi... tin vào các vị để nhà hát chúng tôi... “đi ăn mày” à?

Phần lớn các ĐDSK tên tuổi ở nước ta hiện nay đều được đào tạo cơ bản qua các trường nghệ thuật ở Liên Xô và một vài nước Đông Âu (trước đây), Cộng hòa Dân chủ Đức. Cũng có ở cả Trung Quốc. Có thể nói, tất cả những đạo diễn này đều được đào tạo theo phong cách nghệ thuật hiện thực mô tả, tái hiện lại đời sống thực tại phục vụ cho một nền sáng tác kịch bản (cả điện ảnh và sân khấu), cũng theo phong cách nghệ thuật hiện thực mô tả và tái tạo lại đời sống thực tại.

leftcenterrightdel

Một cảnh trong vở diễn "Lá đơn thứ 72" của Sân khấu Lệ Ngọc (tác giả: Hoàng Thanh Du, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ).  Ảnh: HOÀNG THANH

Cho nên, nhìn một cách tổng quát, hầu như tất cả vở diễn sân khấu của chúng ta từ khi có nền sân khấu cách mạng (năm 1945) đến nay đều có chung một phong cách hiện thực. Có thể do cá tính học thuật, trình độ văn hóa và tài năng của mỗi đạo diễn khác nhau nên tùy mức độ mà vở này vở kia có những sáng tạo khác nhau, nhưng tựu trung hầu như không thoát ra khỏi cái bóng của một trường phái phong cách Stanilapski “Hai cái tôi trong một nhân vật”.

Vì vậy, dù hoàn cảnh xã hội có tạo ra được một nền sân khấu nhộn nhịp, tưng bừng, khởi sắc ở giai đoạn này, thời điểm kia thì cái sự nhộn nhịp, tưng bừng, khởi sắc đó cũng chỉ là trong một trật tự nào đó, vẫn chỉ là đơn điệu. Điều đó khiến nền sân khấu của chúng ta theo thời gian đã xuất hiện những vết rạn nứt nguy biến mà có nhiều đạo diễn tên tuổi, nhiều nghệ sĩ, diễn viên, nhiều nhà viết kịch, nhà quản lý và đông đảo người xem đã nhận định là xuống cấp. Trong khi ấy, bản chất của nhân vật sân khấu là cuộc sống muôn màu, không thể là đơn điệu.

Về mặt học thuật và phong cách dàn dựng vở diễn, với tình hình hiện trạng của nền sân khấu nước nhà, người chỉ đạo nghệ thuật của một đơn vị sân khấu hiện nay đang là một trong những người phải chịu trách nhiệm lớn nhất, bởi không chịu thay đổi cách nghĩ, cách làm. Hãy mở cửa cho lớp trẻ! Hãy mở toang những cách làm mới cho thế hệ trẻ theo nghề.

Vì hơn ai hết họ đang khát khao sáng tạo, tìm cho riêng mình một lối đi. Hãy đừng “ăn mày dĩ vãng”, hãy đừng để an toàn cho riêng mình mà cứ “lối cũ ta về”. Ngay cả việc các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật đi tìm đạo diễn có tên tuổi rồi nhờ đạo diễn ấy tìm kịch bản để dàn dựng đã là một cách "ăn đong", không có vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho một phong cách riêng biệt của đơn vị mình.

Sao không làm ngược lại, tức là tìm kịch bản hay, phù hợp với phong cách của đơn vị mình rồi nhờ chính tác giả ấy giới thiệu đạo diễn dàn dựng. Bởi tác giả sống và viết ra kịch bản thì hơn ai hết là người hiểu đạo diễn nào sẽ làm tác phẩm của mình thăng hoa.

Hiện nay, về mặt phong cách nghệ thuật, các ngành văn học và mỹ thuật đang có những tìm tòi, đổi mới, tạo nên sự đa dạng trong sáng tạo tác phẩm. Riêng về sân khấu, các đạo diễn đều "giậm chân tại chỗ" trong những lao động nghệ thuật của họ. Sự nghèo nàn về cách dàn dựng, vở diễn đã làm cho sân khấu tự dồn mình vào "ngõ cụt", càng ngày càng xa rời người xem với những vấn đề xã hội cũ rích.

Đừng đổ cho người xem sân khấu ngày càng xa dần sân khấu. Chẳng qua vì chúng ta không thay đổi, vẫn sự đơn điệu, nhàm chán của nó, vì những khẩu vị quá "quen miệng" mà sân khấu đã mang đến cho khán giả mấy chục năm nay. Sân khấu Việt đang thiếu vắng những đột phá, đang không theo kịp bước tiến của xã hội, vẫn đang lẩn tránh sau hào quang của những tác phẩm sân khấu thời bao cấp. Hãy thôi ngay và đừng đòi hỏi thế hệ người làm sân khấu thứ nhất đó phải gánh mãi trên vai sứ mạng khai sáng cho nền sân khấu Việt Nam.

Một số đạo diễn tài giỏi của trường phái Stanilapski cũ kỹ đã quá già, đã mất dần vai trò đầu đàn của mình... “Hai cái tôi” kia đã lạc hậu. Thế giới họ biểu diễn sân khấu theo trường phái Brecht “Một cái tôi” lâu rồi... Tức là chỉ chính nhân vật sẽ tự toát lên cái hay, cái nhân văn, cái điều mà tự tác phẩm sân khấu ấy muốn chuyển tải thông điệp tới người xem.

leftcenterrightdel

Một cảnh trong vở diễn "Thiên mệnh" của Nhà hát Kịch Việt Nam (tác giả: Hoàng Thanh Du, đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Kỷ). Ảnh: HOÀNG THANH 

Hơn thế nữa, gần đây, sân khấu của chúng ta đã báo trước một sự xuống cấp các vở diễn nào đó nếu cứ tiếp tục được dàn dựng bởi các đạo diễn tên tuổi. Đó là sự thật, cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho sân khấu Việt mất dần khán giả bởi chất lượng kém cỏi của nó. Theo tôi, không một đạo diễn nào lại muốn làm việc một cách cẩu thả. Nếu vì một lý do nào đó thúc ép thì họ bắt buộc và cũng chỉ muốn làm nhanh, chứ không ai lại tự nguyện làm cẩu thả cái công việc lao động nghệ thuật rất thú vị và không kém phần thiêng liêng đó của mình. Xem xét cụ thể thì nguyên nhân chính là do thị hiếu khán giả tác động đến người đạo diễn.

Quan điểm đề cao hóa, thần thánh hóa khán giả-coi họ là những người thầy của sân khấu-là một quan điểm thô sơ và phiến diện... Quan điểm này dễ dàng bị sụp đổ thảm hại khi một vở diễn rẻ tiền hư cấu lệch lạc, bẻ cong lịch sử. Vì vậy, nghệ thuật sân khấu luôn phải cảnh giác với số đông tán thưởng và sự náo nhiệt.

Các vở diễn nếu có được người xem hiện nay, phần lớn đều phải đáp ứng thị hiếu của người xem. Mà nếu thị hiếu đó vừa dễ dãi, nông cạn, lại vừa lai căng, mất gốc thì chính nó đang làm băng hoại nền sân khấu nước nhà. Nó làm mất dần nhân cách của nghệ sĩ, trong đó có ĐDSK. Nó là nguyên nhân đẻ ra các vở diễn rất tồi... Bởi hơn tất cả, đạo diễn là người đọc kịch bản, cũng là người sàng lọc, cảm nhận tư tưởng tác phẩm sân khấu và chính đạo diễn sẽ cho khán giả được xem một nền nghệ thuật đích thực của sân khấu, có định hướng những giải trí đích thực, chứ không phải chỉ là để thỏa mãn những khoái cảm thô sơ, thấp kém khi tiếp cận và giao lưu với nghệ thuật sân khấu.

Và nên chăng, chính chúng ta-những người “đương thời”-đừng đổ cho áp lực ghê gớm của những thị hiếu tầm thường trong cơ chế thị trường hiện nay, mà thị hiếu khán giả phải là chúng ta định hướng, bằng chính đầu óc sáng tạo của những người làm sân khấu đích thực đối với người xem sân khấu.

Những người làm sân khấu, đã đến lúc hết "ve vuốt" nhau mà cần phải thẳng thắn cùng nhau tìm ra nguyên nhân và khắc phục. Đừng cứ đổ thừa cho bất cứ lý do nào. Và đặc biệt, đừng đổ thừa cho sự đào tạo ở các trường nghệ thuật. Bởi nơi ấy, chí ít họ vẫn đang “đãi cát tìm vàng” và âm thầm đốt lên ngọn lửa yêu nghề của những thế hệ tiếp nối. Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông cảnh báo về đội ngũ ĐDSK Việt.

Nếu không sớm được quan tâm và khắc phục thì chẳng bao lâu nữa, hồi chuông cảnh báo với sân khấu Việt Nam sẽ rung lên. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải chứng kiến sự đi xuống của một nền sân khấu đã có những thành tựu đáng kể đóng góp cho nền văn học-nghệ thuật nước nhà.

Đạo diễn, nhà viết kịch HOÀNG THANH DU