Là nữ đạo diễn sân khấu truyền thống đã thành danh với không ít danh hiệu, huy chương, giải thưởng nhưng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai vẫn muốn được gọi là đạo diễn trẻ. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, chị chia sẻ: Trong sáng tạo nghệ thuật, hãy luôn coi mình là “trăng 13 và là ổi còn xanh”.

Phóng viên (PV): Thời gian gần đây gặp chị hơi khó. Hình như chị luôn bận rộn?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Thời gian này tôi đang bận rộn với nhiều dự án. Trong năm, tôi dựng xong vở tuồng “Tam Khúc chúa”, rồi vở cải lương “Thiên mệnh”, vở tuồng “Vua thánh triều Lê” ở Bình Định, vở chèo “Người hát gọi mặt trời” ở Ninh Bình... rồi ra Tết lại tiếp tục với một số dự án mới. Tôi cảm thấy dường như càng ngày mình càng bận hơn chứ chẳng nhàn đi chút nào cả. Trước đây, tôi dựng cải lương và dân ca, rồi thế nào bén duyên với chèo, tuồng, bây giờ còn cả kịch nói, lễ hội, sự kiện. Nói chung là quay cuồng với công việc. Tôi tự nhận mình là người tham công tiếc việc, mà với nghề đạo diễn, ngoài tham việc thì còn là đam mê của tôi nữa. Thế nên nhiều người vẫn bảo tôi “thích” ngủ trên ô tô, máy bay. Thế nhưng cứ thử tưởng tượng một ngày không lên sàn tập là tôi thấy phát ốm lên được. Năm 2020 vừa rồi với tôi cũng là một năm làm việc đặc biệt không ngưng nghỉ. Lúc cách ly xã hội thì tôi ở nhà viết, nghiên cứu; khi dịch bệnh đỡ hơn, tôi và các nghệ sĩ đeo khẩu trang để tập luyện, lúc tình hình an toàn thì dàn dựng, ra vở mới. Cứ thế, nhiều khi tôi ước một ngày dài hơn 24 tiếng để làm được nhiều việc hơn nữa. Chắc đúng là tôi tham lam thật.

leftcenterrightdel

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai trẻ trung cả trong sáng tạo và đời thường. Ảnh: CHÂU XUYÊN

PV: Đạo diễn vẫn thường được cho là nghề của đàn ông. Một phụ nữ như chị làm công việc của đàn ông, chị có thấy cực?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Nói thật ra thì cũng vất vả lắm! Người ta bảo nghề đạo diễn không dành cho phụ nữ nhưng tôi thấy số tôi phải vậy, kiểu như kiếp sinh ra là nữ nhưng mang phận đàn ông. Có học trò, đàn em trong nghề còn làm bài thơ vui về tôi, có câu “Trời sinh phận nữ nhưng là chí trai”. Đạo diễn vốn đã là một công việc khó, ngoài năng lực chuyên môn, tài năng còn yêu cầu tính quyết đoán, mạnh mẽ, nền tảng sâu rộng về văn hóa, tri thức, có khả năng tổng hợp ở nhiều lĩnh vực, từ hội họa, âm nhạc, văn học, văn hóa, tính triết học... Tôi học chuyên văn từ nhỏ. Từ bé đã ham đọc, lúc nào cũng có cuốn sách bên người. Chính những kiến thức, thói quen đó là nền tảng đầu tiên cho công việc đạo diễn của tôi. Nghề này nếu không chịu học hỏi, không làm nhiều sẽ không bao giờ tiến bộ được. Lúc nào cũng phải coi mỗi một tác phẩm là một lần mình học lại từ đầu. Hơn nữa, phụ nữ làm đạo diễn còn yêu cầu hy sinh rất nhiều, cần cố gắng 200%. Nhìn tôi bề ngoài vui vẻ, nhẹ nhàng như này thôi nhưng khi vào công việc, tôi như một người hoàn toàn khác, rất quyết đoán, quyết liệt, ghê gớm. Nhiều anh chị em còn nói vừa quý lại vừa sợ tôi nữa cơ. Nhưng tôi nghĩ chính sự quyết liệt, nghiêm khắc đôi khi đến tàn nhẫn ấy đã tạo nên sự nghiêm túc, hiệu quả công việc.

PV: Vậy khi đứng cạnh những đồng nghiệp nam giới, những tên tuổi thế hệ trước, chị có áp lực?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Thực ra tôi cũng áp lực lắm nhưng áp lực giúp tôi tốt lên, đôi khi làm cho tôi trở nên hiếu thắng. Chính vì áp lực nên mình càng phải cố gắng làm tốt để chứng tỏ bản thân, tạo được phong cách, dấu ấn cá tính sáng tạo qua từng tác phẩm.

PV: Hiếu thắng đôi khi không phải là tính tốt, thưa chị?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Tôi nghĩ hiếu thắng trong sáng tạo nghệ thuật là rất cần, nhất là đạo diễn. Hiếu thắng không có nghĩa là bảo thủ, chà đạp lên những cái khác để thắng mà phải bằng mọi cách để hay. Mọi cách ấy không có nghĩa giữ khư khư cái dở, không biết mình hay dở ở đâu mà phải biết tìm ra cái hay người khác chỉ ra cho mình để liên tục hoàn thiện và cuối cùng là có được tác phẩm tốt. Bảo thủ rất dễ rơi vào cực đoan và không biết mình dở, khi đó sẽ trở thành “hiếu thua”. Không bảo thủ nhưng cái gì đúng thì phải bảo vệ quyết liệt. Tôi nghĩ tính sáng tạo cũng giống như bức tranh, có thể người này thích, người khác không, nhưng mình phải là người vẽ bức tranh của mình và không để ai bôi bẩn nó.

PV: Theo đuổi nghệ thuật, theo đuổi đam mê của riêng mình, chị có thấy mình phải hy sinh những thứ riêng tư?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Không chỉ mình hy sinh đâu mà gia đình cũng phải hy sinh vì mình. Chồng, con, bố mẹ đôi bên cũng phải rất thông cảm, chia sẻ, nếu không thì khó mà chấp nhận được vì hầu như tôi vắng nhà quanh năm. Nhiều khi trong nghệ thuật, tôi thấy mình giống một người phụ nữ đa đoan, gặp anh nào yêu anh nấy. Tôi yêu cải lương cuồng nhiệt, tôi yêu chèo cháy bỏng, với tuồng tôi cũng yêu đến quyết liệt... Với loại hình nào tôi cũng hết mình. Nói khoe khoang một chút. Khi xem tôi làm chèo, nhiều người xem bảo tôi sang cải lương là nhầm chỗ, lẽ ra tôi phải dành cho chèo. Có người lại nói tôi là “bà chúa” cải lương. Vừa rồi vào Bình Định, đất tổ của tuồng, dựng vở mới, tôi được nhận xét là đã thổi làn gió mới cho tuồng, người ta lại nói tôi làm tuồng hay hơn cả. Ở loại hình nào tôi cũng được nhận xét là làm tốt nhưng trên thực tế, tôi thấy mình đang nỗ lực để làm cái gì cũng tốt, đi đúng thi pháp loại hình nào ra loại hình ấy, không được lẫn lộn.

PV: Sân khấu truyền thống là thách thức cho các đạo diễn. Chị đã và đang làm như thế nào với sân khấu truyền thống trong giai đoạn hiện nay, khi sân khấu đang vắng khán giả?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Tôi nghĩ nghệ thuật truyền thống ngày nay nên làm mới, không phải là phá bỏ cái cũ mà trên cơ sở cái truyền thống, nghệ sĩ đưa những sáng tạo của mình vào để hấp dẫn khán giả. Kể lại một chút vở tuồng “Vua thánh triều Lê” tôi dựng ở Bình Định vừa rồi, nhiều người nhận xét tôi đã thổi làn gió mới cho tuồng Bình Định nhưng xem vẫn thấy rất tuồng. Tức là, muốn làm cho nghệ thuật mới mẻ, sáng tạo phải dựa trên cơ sở đã có, không được làm chệch khỏi loại hình, không phá vỡ nó. Muốn làm mới tuồng trước hết phải đúng là tuồng đã thì mới hay được. Đạo diễn có thể kết hợp nhiều loại hình trong một tác phẩm nhưng phải khéo léo và đủ tinh tế, hiểu biết để tính đến liều lượng phù hợp, không làm các loại hình phá nhau, nếu không khéo sẽ rất dễ thất bại. Nói là vậy nhưng để làm thật sự khó. Với tôi, đó là cuộc vật lộn trăn trở và học tập không ngừng. Nhưng tôi nghĩ mình cố gắng cứ đi rồi sẽ đến, không bao giờ chùn bước.

PV: Cứ đi rồi sẽ đến. Trong giai đoạn khó khăn này, chị có niềm tin, hy vọng vào tương lai phát triển của sân khấu?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Sân khấu đang đứng trước những thách thức, khó khăn và để sân khấu khởi sắc cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là đội ngũ sáng tạo, phải có những vở diễn hay, hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu khán giả hiện đại nhưng vẫn phải bảo đảm tính truyền thống. Khán giả là thành phần sáng tạo thứ ba, cũng là yếu tố quyết định sự thành bại của sân khấu. Trách nhiệm cố gắng để gìn giữ và phát triển sân khấu của nghệ sĩ trong giai đoạn hiện tại thật sự không dễ. Hãy thử nhìn vào đội ngũ người làm sân khấu hiện tại, đạo diễn đang có khoảng trống thế hệ, diễn viên thiếu hụt... Sân khấu khởi sắc là ước mơ đau đáu trong mỗi nghệ sĩ, nhưng đó không thể là việc một sớm một chiều có thể làm, chỉ có thể cố gắng, trách nhiệm hết mình để tạo ra những tác phẩm chất lượng. Nhất là trong sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường sẽ như một thử thách thúc đẩy sân khấu, hoặc sẽ rất hay để vượt qua, hoặc sẽ chết.

Tôi đi nhiều nơi và cũng thấy có nhiều khán giả vẫn yêu và dành tình cảm lớn cho sân khấu dân tộc chứ đâu có quay lưng, vấn đề là tác phẩm phải hay. Tôi cũng biết, hầu hết nghệ sĩ đều đau đáu yêu sân khấu. Tôi được chứng kiến các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định tận hiến cho nghề, trân trọng nghề như một đền thờ thiêng liêng. Tôi cũng rất mừng khi Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội xuất hiện dàn diễn viên trẻ măng sinh năm 1999, 2000. Tôi không quá lạc quan vào tương lai gần của sân khấu nhưng tôi tin vào việc mình làm, tin rằng mình cứ đóng góp từng chút nhỏ nhoi của mình cùng đồng nghiệp nắm tay nhau giữ gìn sân khấu.

PV: Đã hơn 10 năm làm đạo diễn, giải thưởng, huy chương, danh hiệu đã có không ít nhưng nhiều người vẫn gọi chị là đạo diễn trẻ. Chị có thấy mình trẻ?

NSND Hoàng Quỳnh Mai: Tôi vẫn thấy mình trẻ mà (cười). Tôi vẫn nói với học trò của mình phải luôn nhớ mình là “trăng 13” và là “ổi còn xanh”, trăng tròn sẽ lặn, ổi chín sẽ rụng, trong sáng tạo nghệ thuật phải luôn cho mình trẻ. Với tôi, một đạo diễn đã thành danh mà vẫn được gọi là đạo diễn trẻ thì đó là hạnh phúc rất lớn. Đạo diễn không đủ độ chín thì không làm được, không mấy ai trẻ làm đạo diễn mà thành danh, nhưng nếu đạo diễn được gọi là trẻ, cả nghĩa đen hay nghĩa bóng, thì tức là mình không bị già cỗi trong sáng tạo. Mà làm nghệ thuật tư duy lạc hậu thì rất nguy hiểm. Tư duy trẻ sẽ làm cho sân khấu mới mẻ, trẻ trung. Và chính sự trẻ trung trong sáng tạo cũng khiến cuộc sống, con người mình trẻ trung, năng động. Vì thế, tôi vẫn thích được gọi là đạo diễn trẻ như vậy, đó không phải là “cưa sừng làm nghé” mà như một sự nhắc nhở mình không được già đi trong sáng tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

THU HÒA (thực hiện)