Cảnh trong phim "Đường thư"-tác phẩm phim truyện đầu tay của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, sản xuất năm 2005. Ảnh: CÚC PHƯƠNG

Với bộ phim truyện nhựa đầu tay, Đường thư, đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng đã tạo được những thành công nhất định về đề tài chiến tranh trên màn ảnh rộng. Đầu năm 2007 này, Bùi Tuấn Dũng lại vừa hoàn thành bộ phim truyện nhựa mới, Vũ điệu tử thần, với những pha gây “sốc” về đề tài phòng chống ma túy. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bùi Tuấn Dũng xung quanh bộ phim này và một số vấn đề về điện ảnh hôm nay.

* Anh đã được nhìn nhận như là một đạo diễn trẻ có nhiều sáng tạo khi làm phim về chiến tranh, còn lần này, với “Vũ điệu tử thần”, anh chọn một đề tài ăn khách hơn?

- Tôi nghĩ đề tài nào cũng có thể ăn khách nếu đạo diễn đưa tính hấp dẫn của phim lên hàng đầu. Với Đường thư, tôi mới chỉ tạo được chút xíu "épphê" từ hiệu quả chiến tranh thôi. Vũ điệu tử thần là một thứ mới và hoàn toàn khác hẳn trong việc xử lý hình ảnh và phương pháp thể hiện. Chúng tôi, từ quay phim, họa sĩ thiết kế, phục trang, hóa trang, khói lửa… cho đến diễn viên đã phối hợp với nhau nhuần nhuyễn và ăn ý hơn. Chúng tôi hướng tới công chúng và làm mọi thứ để tạo ra một Vũ điệu tử thần hấp dẫn.

* Hiện nay có hai kiểu làm phim, kiểu làm phim để đoạt giải và kiểu làm phim để kéo người xem đến rạp. “Vũ điệu tử thần” của anh thuộc kiểu nào?

- Tôi cố gắng dung hòa cả 2 mục tiêu. Phải ăn khách nhưng phim vẫn định hướng nghệ thuật. Năm 2007 tôi hy vọng tiêu chí chấm giải của Giải thưởng của Hội Điện ảnh và Giải thưởng của Liên hoan phim Quốc gia cũng sẽ thay đổi. Tôi cũng như các đạo diễn trẻ hy vọng sẽ có cả những thành viên trẻ trong ban giám khảo và cả những giải thưởng do khán giả bình chọn nữa… Như vậy Điện ảnh Việt Nam có nhiều cơ hội chuyển mình nhờ những định hướng sát thực tế hơn.

* Ngoài các yếu tố ăn khách như sàn nhảy, thuốc lắc, tội phạm, bắn súng, đua xe… anh chọn điểm nhấn nào trong “Vũ điệu tử thần” để gửi gắm ý tưởng nghệ thuật của mình?

- Tôi cố gắng tạo những hiệu quả đặc biệt trong một sự gắn kết trên tổng thể bộ phim chứ không đơn thuần câu khách bằng mấy yếu tố đó. Câu chuyện phim hấp dẫn với những bí mật được giấu kín đến phút cuối là yếu tố then chốt khiến cho khán giả thấy thú vị. Ngoài ra yếu tố hài hước cũng được chú trọng vì nó làm mềm bộ phim vốn khá nhiều cảnh bắn giết và những pha hành động căng thẳng…

* Anh có gặp khó khăn gì khi chọn bối cảnh cho “Vũ điệu tử thần” không?

- Nhiều vô kể. Không trường quay là điều buồn chán nhất khiến ê -kíp làm phim nhiều phen lao đao. Tôi gặp khó khăn với hầu hết các bối cảnh vì Vũ điệu tử thần là một phim được hư cấu phức tạp và tôi không thích quay một thực tế trần trụi. Họa sĩ thiết kế rất vất vả khi phải cải tạo hoặc xây dựng bối cảnh. Tuy nhiên chúng tôi thấy hài lòng vì những gì đã làm.

* Khi làm “Đường thư” anh đã phải rất khéo trong chi tiêu để có được những thước phim có hiệu quả nghệ thuật cao. Còn với “Vũ điệu tử thần”, kinh phí có vẻ dồi dào hơn, liệu có vì thế mà phim hay hơn?

- Chẳng dồi dào hơn đâu! Vật giá leo thang, Vũ điệu tử thần cũng chỉ có hơn bốn trăm triệu cho sản xuất trực tiếp ngoài hiện trường thôi. Đường thư là một phim chiến tranh tiêu tốn kinh khủng nhưng Vũ điệu tử thần cũng có cái phức tạp riêng của nó. Mỗi phim mang một màu sắc khác nhau nên khó mà nói phim nào hay hơn phim nào. Tuy nhiên sau bộ phim đầu tay Đường thư, tôi đã thêm những kinh nghiệm nên Vũ điệu tử thần chắc chắn có nhiều điều thú vị.

* Anh hài lòng với dàn diễn viên trong "Vũ điệu tử thần" chứ?

- Rất hài lòng. Giống như Lưu Hà-Tuấn Tú trong Đường thư, tôi hy vọng sẽ có một vài ngôi sao mới, dù nhỏ thôi, xuất hiện từ dàn diễn viên Vũ điệu tử thần. Biết đâu, đây sẽ là những viên gạch đầu tiên…

* Có ý kiến cho rằng tính nhân văn trong “Vũ điệu tử thần” không bằng “Đường thư”. Anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ ý kiến của họ hơi sớm quá. Tính nhân văn trong Vũ điệu tử thần là một khái niệm tổng hòa, không vì sự hấp dẫn và gây sốc của đề tài mà Vũ điệu tử thần lại để mất giá trị nhân văn vốn rất cần thiết cho một tác phẩm điện ảnh.

* Lần này anh có sử dụng nhiều kỹ xảo điện ảnh hoặc có áp dụng kỹ thuật gì mới cho việc làm phim "Vũ điệu tử thần"?

- Không kỹ xảo nhiều nhưng có những “épphê” đặc biệt đủ mạnh để khán giả thích thú. Tuy không được làm hậu kỳ ở nước ngoài với sự hỗ trợ tuyệt vời của kỹ xảo hiện đại, nhưng tôi khai thác tối đa những gì mà điều kiện kỹ thuật ở Việt Nam cho phép. Tôi không ngồi chờ công nghệ mà muốn làm việc, sáng tạo trên cơ sở những gì mình đang có.

* Gần đây có thể nói đã xuất hiện một thế hệ đạo diễn 7x trong đó có anh. Liệu họ làm nên một diện mạo điện ảnh mới cho nước nhà?

- Không nên thất vọng nhưng cũng không nên quá kỳ vọng! Chúng tôi, thế hệ 7x thực ra cũng chưa làm được gì nhiều. Giải Cánh diều vàng năm ngoái thuộc về hai phim thế hệ 6x của anh Bùi Thạc Chuyên và anh Quang Hải. Thế hệ 7x chúng tôi thực ra vẫn còn thiếu nhiều thứ lắm…Trong nghề này, sự trải nghiệm bao giờ cũng là cần thiết. Cái đó cần thời gian…

* Nếu cho anh chọn lại nghề, anh sẽ chọn nghề gì?

- Tôi học mọi thứ chỉ để làm phim. Tôi không có thứ gì khác để mà chọn lựa.

* Xin cảm ơn đạo diễn Bùi Tuấn Dũng!

NGUYỄN ĐÌNH TÚ (thực hiện)