Ứng dụng công nghệ số - xu hướng tất yếu
Ngày nay, hiện vật bảo tàng không chỉ được giới thiệu trong trạng thái tĩnh mà sự tương tác dưới nhiều hình thức đã được áp dụng rộng rãi ở các bảo tàng trên khắp thế giới, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Ở nước ta, các phần mềm audio guide dần được bảo tàng ứng dụng cung cấp các bài giới thiệu trưng bày và hiện vật bằng lời nói, như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm... Với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu ngày càng phong phú của công chúng và yêu cầu gìn giữ, phát huy giá trị các hiện vật, di sản văn hóa, đã cho thấy số hóa là xu hướng tất yếu trong hoạt động bảo tàng.
Tuy nhiên, để thực hiện những chương trình như vậy, bảo tàng thường không đủ nguồn lực mà phải phối hợp với các công ty công nghệ. Thực tế là công tác phối hợp không hề dễ dàng, nó đòi hỏi rất nhiều thiện chí và nỗ lực của các bên, cũng như hành lang pháp lý và cơ chế phù hợp.
Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của Bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số. Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trực tiếp, trực tuyến bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Thời lượng mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 8 ngôn ngữ. Ứng dụng ra đời trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu bị tê liệt thời gian dài do đại dịch Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì đều đặn tương tác với khách tham quan.
iMuseum VFA là dự án xã hội hóa phối hợp giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một công ty công nghệ, có thể coi là thành công bước đầu trong hợp tác công-tư chưa từng có tiền lệ. Vậy nên những bước triển khai cũng hết sức cẩn trọng và cần có sự hợp tác, giúp đỡ của rất nhiều ban, ngành liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý và sự thành công của dự án. Dự án này cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Hiệu quả từ hợp tác công - tư
Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của bảo tàng vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hóa, theo đó, vẫn chưa có những quy định cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng. Trên thực tế, là tổ chức phi lợi nhuận, thông thường các bảo tàng không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác bên ngoài bảo tàng là hướng đi để bảo tàng có thể thực hiện được chức năng của mình. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công-tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. Do đó, các dự án xã hội hóa chưa có nhiều, và không phải mô hình hợp tác nào cũng hiệu quả, mang tính bền vững.
Gây quỹ, tìm kiếm tài trợ là hoạt động vô cùng cần thiết của các bảo tàng trên thế giới để bảo đảm duy trì hoạt động. Hiện nay, xu hướng chuyển dịch từ mô hình tài trợ sang mô hình hợp tác ngày càng trở nên rõ nét, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu với mô hình “tài trợ”, đó là việc cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trao tặng những khoản kinh phí dựa trên nhu cầu của bảo tàng và đóng vai trò hỗ trợ, không liên quan đến hoạt động cốt lõi của họ; thì mô hình “hợp tác” là cả hai bên cùng có lợi, hỗ trợ trên nhiều phương diện, cùng làm việc như những đối tác và bình đẳng trong sử dụng nguồn chuyên gia và dựa trên nhu cầu của cả đôi bên.
Ở Việt Nam, xã hội hóa trong hoạt động bảo tàng cho đến nay phần lớn là hợp tác không bình đẳng. Ví dụ, với sự cho phép của bảo tàng, một công ty công nghệ có thể đầu tư kinh phí xây dựng phần mềm công nghệ, tự xây dựng nội dung và đưa vào sử dụng, khai thác tại bảo tàng và trả bảo tàng một khoản phí nhất định. Ở mô hình này, bảo tàng không cần đầu tư kinh phí, nguồn lực con người mà vẫn có thể thu được chút lợi ích, tuy nhiên, chất lượng chuyên môn không bảo đảm và tính bền vững của mô hình này không cao.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã lựa chọn mô hình bình đẳng hơn, đó là hợp tác “win-win”, đôi bên cùng có lợi. Tức là Bảo tàng và đối tác cùng đồng hành thực hiện dự án từ những bước đi đầu tiên: Xây dựng đề án, phê duyệt đến triển khai thực hiện. Với nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ, nhân sự thực hiện dịch vụ của đối tác; Bảo tàng xây dựng nội dung, cung cấp địa điểm; Bảo tàng và đối tác cùng truyền thông, quảng bá cho sản phẩm... và điều quan trọng là đôi bên cùng chia sẻ lợi ích thu được từ sản phẩm công nghệ.
Nhưng... không dễ tìm đối tác
Để thực hiện dự án xã hội hóa, việc lựa chọn đối tác phù hợp là vô cùng quan trọng. Đối tác hợp tác trước hết phải có năng lực tài chính đủ mạnh để có thể đồng hành với bảo tàng trong thời gian dài; có khả năng công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời cũng như đoán định các xu hướng công nghệ trên thế giới để đáp ứng nhu cầu hoạt động của bảo tàng cũng như nhu cầu thưởng lãm của công chúng. Cùng với đó, các bảo tàng cần có đội ngũ chuyên gia chủ động tham gia xây dựng nội dung cho sản phẩm. Việc này không những bảo đảm chất lượng nội dung, mà còn là cơ hội cho các cán bộ bảo tàng cọ xát, tìm hiểu về lĩnh vực công nghệ; cán bộ công nghệ sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu của bảo tàng, từ đó xây dựng các sản phẩm đáp ứng chính xác nhu cầu thực tế.
Đầu tư công nghệ cho hoạt động bảo tàng là khoản đầu tư phục vụ xã hội là chủ yếu mà không nhằm thu lợi nhuận. Đối tác công nghệ chắc chắn phải bỏ ra khoản đầu tư rất lớn, nhưng thu hồi vốn rất ít và chậm. Chính vì thế, nếu không phải là nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội, có tinh thần phục vụ cộng đồng, hoạt động vì mục đích cao cả là phát huy giá trị di sản của đất nước thì rất khó có được dự án hợp tác với bảo tàng.
Tuy nhiên, trong khi chưa có chính sách ưu đãi nào nhằm thu hút nhà đầu tư công nghệ vào các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực di sản, như giảm thuế chẳng hạn, thì thời hạn ký kết hợp đồng 5 năm/lần đối với một dự án xã hội hóa như dự án của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang làm cũng là quá ngắn. Do đó, rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số.
TS NGUYỄN ANH MINH - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam