Phóng viên (PV): Ứng dụng công nghệ đang là xu hướng tất yếu trong hoạt động bảo tàng. Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Việc chuẩn bị cho sự ra đời ứng dụng này như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Anh Minh: Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một sản phẩm thông minh tích hợp âm thanh, hình ảnh, bài viết... với nhiều tính năng vượt trội như: Cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí trưng bày hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày... Ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon hỗ trợ du khách tham quan trực tuyến và trực tiếp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với 8 ngôn ngữ.
Với hơn hai năm xây dựng ứng dụng và một quá trình hết sức công phu, dự án nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, chuyên gia về mỹ thuật trong và ngoài bảo tàng. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc xây dựng nội dung các bài giới thiệu sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng công chúng. Cảm nhận về tác phẩm nghệ thuật của mỗi người rất đa dạng nên việc đưa ra mẫu số chung nhất, cô đọng nhất để đưa vào ứng dụng này không dễ dàng. Do vậy, chúng tôi đã nghiên cứu những mô hình tương tự của các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới cũng như nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia mỹ thuật và bảo tàng để xây dựng những nội dung giới thiệu phù hợp. Bên cạnh đó, công tác biên tập, dịch thuật cũng mất nhiều công sức và thời gian. Với mong muốn chuyển tải đầy đủ và chính xác ý nghĩa mỗi tác phẩm tới công chúng quốc tế, chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia nước ngoài để chuyển ngữ và thu âm các bài viết.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Anh Minh 

PV: Sau một thời gian ra đời, phản hồi của khách tham quan về ứng dụng này như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Anh Minh: Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi của khách tham quan và những người trong ngành, hầu hết là những nhận xét rất tích cực. Ông Michael Johnston, một du khách Mỹ chia sẻ rằng ông đã đến tham quan bảo tàng nhiều lần, khi xem các tác phẩm mỹ thuật, ông có nhiều câu hỏi nhưng không biết tìm ai để có câu trả lời cụ thể. Và khi biết đến phần mềm iMuseum VFA này thì ông đã có đáp án.
Hay có bạn sinh viên ngành văn hóa sau khi sử dụng ứng dụng trực tiếp ở bảo tàng còn thuyết trình về ứng dụng trong môn học và đánh giá Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ, dần thoát đi những lớp áo cũ kỹ để chuyển đổi số, khẳng định vị thế và giá trị của mình, từng bước đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt những người trẻ.
Nhà thiết kế kiến trúc và trưng bày James Hicks cho rằng, ứng dụng giúp người dùng không những được nghe mà còn có thể đọc bài viết. Tính năng này hỗ trợ rất nhiều với những du khách khiếm thính. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm chu đáo của bảo tàng đến các đối tượng khách tham quan.
Ứng dụng iMuseum VFA cũng được ngành du lịch đánh giá là giúp các công ty lữ hành trong việc tiết kiệm thời gian và bớt đi việc phụ thuộc vào hướng dẫn viên, đặc biệt là những ngôn ngữ hiếm.
PV: Ứng dụng iMuseum VFA trong hoạt động bảo tàng có điểm ưu hơn so với tham quan trực tiếp không, thưa ông?
TS Nguyễn Anh Minh: Cần khẳng định, tham quan trực tiếp tại bảo tàng vẫn là hình thức ưu việt nhất, giúp du khách có thể cảm nhận đầy đủ nhất về hiện vật. Ứng dụng iMuseum VFA ra đời với mục đích hỗ trợ và cải thiện những trải nghiệm tham quan dành cho du khách, đồng thời tạo cơ hội cho những người không có điều kiện đến bảo tàng có thể tìm hiểu và khám phá các hiện vật tiêu biểu trên hệ thống trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi hy vọng iMuseum VFA sẽ trở thành một kênh truyền thông hữu hiệu đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, cũng như thu hút nhiều khách tham quan đến với bảo tàng hơn.

leftcenterrightdel

Khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng ứng dụng iMuseum VFA trên thiết bị di động. Ảnh: THU HƯƠNG

 

PV: Có ý kiến cho rằng với mức giá vé 50.000 đồng cho 8 giờ sử dụng là cao, trong khi nhiều bảo tàng trên thế giới miễn phí vé. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Anh Minh: Qua tham khảo các khu di tích, bảo tàng trong và ngoài nước, đồng thời căn cứ trên tình hình thực tế, chúng tôi cho rằng mức giá này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của bảo tàng là hỗ trợ và khuyến khích người dùng, tăng cường kết nối bảo tàng với công chúng.
PV: Số hóa trong bảo tàng đã được phổ biến trên thế giới. Đây là hướng đi tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Ở Việt Nam, số hóa trong công tác bảo tàng đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Anh Minh: Ngày nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, chuyển đổi số đang dần chứng tỏ tầm quan trọng và tính cấp thiết của nó, cho thấy đây là hướng đi tất yếu trong sự phát triển chung của toàn xã hội. Không nằm ngoài xu hướng đó, các bảo tàng tại Việt Nam đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong hỗ trợ công tác chuyên môn của bảo tàng để phục vụ khách tham quan.
Riêng với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bên cạnh ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vừa ra mắt, chúng tôi cũng đang triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ khác như: Xây dựng nền tảng tham quan 3D, xây dựng các video giới thiệu hiện vật tiêu biểu... với mong muốn mang đến cho công chúng những trải nghiệm tham quan đa dạng và hấp dẫn.

leftcenterrightdel

Khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng ứng dụng iMuseum VFA trên thiết bị di động. Ảnh: THU HƯƠNG

 

PV: Công nghệ hiện đại luôn phát triển và thay đổi cùng nhu cầu của con người. Để nâng cao chất lượng hoạt động, nếu bảo tàng chỉ “chạy” theo công nghệ là chưa đủ, thưa ông?
TS Nguyễn Anh Minh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang nỗ lực tăng cường nhận diện, đổi mới hình ảnh, quan tâm hơn đến trải nghiệm của du khách. Không gian sáng tạo tại bảo tàng cũng thường xuyên tổ chức các chương trình thực hành mỹ thuật nhằm khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao nhận thức thẩm mỹ đối với công chúng, đặc biệt là trẻ em. Tất cả những nỗ lực đó đều hướng tới mục tiêu tôn vinh những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật mà bảo tàng đang lưu giữ và đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng.
Tôi luôn cho rằng nhân tố con người đóng vai trò tiên quyết đối với sự tồn tại và phát triển của bảo tàng. Do đó, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường làm việc thuận lợi, ứng dụng khoa học công nghệ để tối ưu hóa chất lượng công việc, đáp ứng với sự thay đổi của xã hội luôn là một trong những trọng tâm trong chiến lược trước mắt và lâu dài của bảo tàng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 Ứng dụng iMuseum VFA là công cụ hết sức đắc lực và hiện đại. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục có những đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm về du lịch, văn hóa có ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu, quảng bá về lĩnh vực này thông qua các công nghệ hiện đại. (Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Hiện nay có 4 công nghệ được ứng dụng phổ biến trong số hóa bảo tàng: (1) Công nghệ website 3D: Giúp tạo ra các bảo tàng 3D trên website phục vụ tham quan, trải nghiệm. (2) Công nghệ thực tế ảo VR: Có thể tạo ra các di tích 3D cho khách tham quan bằng công nghệ mới nhất VR. (3) Công nghệ thực tế ảo tăng cường AR: Tạo ra các ứng dụng hay địa điểm, trưng bày ảo cho khách tiếp cận, tham quan bằng thiết bị di động. (4) Công nghệ thực tế ảo VR360: Giúp người xem có thể tham khảo qua view ở mức rất tốt qua các hình ảnh, video chất lượng, tạo ra góc nhìn, không gian thu hút người dùng.

DƯƠNG THU (thực hiện)