Trong khi chưa có chuyên ngành công nghệ thông tin cho lĩnh vực di sản thì ở một số nước trên thế giới, phương pháp hiệu quả thường dùng cho chuyển đổi số di sản là vận dụng mô hình thông tin BIM-tổ hợp các lĩnh vực, chuyên ngành liên kết chặt chẽ với nhau trong kiến trúc xây dựng, để áp dụng cho lĩnh vực di sản. Ở nước ta, đơn vị công nghệ chuyên làm về lĩnh vực di sản không nhiều. Với lĩnh vực liên ngành này, đa số là hình thức đơn vị tổng thầu tập hợp các đơn vị khác nhau cho từng hạng mục. Mỗi nơi, mỗi đơn vị công nghệ sẽ có cách làm khác nhau, tùy theo mức kinh phí và công nghệ, vì thế khó để thống nhất một cách làm chuẩn. Lĩnh vực công nghệ thông tin thường phải đầu tư kinh phí rất lớn, bởi vậy nếu không có một tiêu chuẩn ngay từ những bước đầu để những bước tiếp sau, đơn vị công nghệ sau đó có thể thụ hưởng, khai thác tiếp nối được thì sẽ trở thành lãng phí rất lớn.

Theo KTS Đinh Việt Phương, câu chuyện chuyển đổi số di sản không phải là việc đưa công nghệ lên đầu, mà bản chất ngành văn hóa di sản vẫn phải là trung tâm. Điều đó đòi hỏi trước tiên phải đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hóa di sản đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số; xây dựng hệ tiêu chuẩn số hóa di sản cho cả nước; xây dựng hệ thống tập trung cơ sở dữ liệu đồng bộ quốc gia.

 
Phần còn lại của tòa tháp cổ thời Lý hiện ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. 


leftcenterrightdel
Tòa tháp cổ thời Lý được KTS Đinh Việt Phương và cộng sự nghiên cứu phục dựng bằng công nghệ. Ảnh: NVCC

Có thể nói, Việt Nam có cơ sở thuận lợi cho chuyển đổi số so với các nước trong khu vực và thế giới với công cụ, phần mềm tốt, nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, hạ tầng internet với đường truyền tốt, độ phủ rộng... Nhưng chọn đi vào thị trường ngách lĩnh vực di sản như KTS Việt Phương không nhiều. Gắn bó với di sản, từ thực hiện những bức ảnh 3D, phim 3D về phố cổ Hà Nội năm 2004; rồi cùng cộng sự được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2009 với hai dự án “Phục dựng phố cổ Hà Nội bằng kỹ thuật 3D” và “Tái hiện di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội bằng công nghệ 3D”, những ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản...; với KTS Việt Phương, đó là từ sự yêu thích, tâm huyết, trách nhiệm với việc gìn giữ văn hóa, di sản mà khiến anh say sưa với lĩnh vực này.

Như dự án phim mô phỏng 3D tái hiện các trận đánh lớn của Vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng quân xâm lược của Bảo tàng Quang Trung (Bình Định). Nếu với cách làm thông thường, sẽ mất khoảng từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng KTS Việt Phương cùng cộng sự đã sáng tạo cách sử dụng công nghệ scan 3D người, kết hợp với phần mềm game, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo hình nhân vật và các chuyển động, trận đánh... rồi quay phim lại. Cách làm này giúp thời gian thực hiện dự án chỉ 3 tháng, chi phí thấp hơn, hiệu quả kinh tế cao. Đáng nói là hệ thống scan 3D người có thể coi là máy duy nhất ở nước ta hiện nay, do anh tự mày mò lập trình và mua đồ về làm, với mong muốn để phim mô phỏng 3D về lịch sử hiệu quả nhất. Nó còn có thể áp dụng để số hóa những di sản phi vật thể như lễ hội, múa dân gian, bài võ, quyền... kể cả khi không còn đầy đủ mẫu.

Công nghệ gắn với văn hóa luôn đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, có thể thành công hoặc không nhưng đó là cơ hội để tạo ra những startup công nghệ cho lĩnh vực di sản văn hóa. Nếu những ý tưởng, dự án, sáng tạo về công nghệ nói chung, lĩnh vực văn hóa di sản nói riêng được khuyến khích, hỗ trợ kịp thời, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp công nghệ cho lĩnh vực này nhiều hơn-điều rất cần cho quá trình chuyển đổi số cũng như xây dựng công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay.

HOÀNG DƯƠNG