Giữa năm 1950, từ vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Anh Đệ xin phép lên Việt Bắc để cưới vợ. Éo le thay, đám cưới diễn ra đúng vào lúc đơn vị do ông chỉ huy ở trong tình huống chiến sự gay go ác liệt. Vì vậy, ông đã phải nhận hình thức kỷ luật: Giáng chức, thông báo tới toàn quân và khai trừ lưu Đảng 6 tháng.

Không nản chí, ông đấu tranh tư tưởng: “Ta hãy làm lại, cố gắng phấn đấu vươn lên!”. Được cấp trên giúp đỡ, bạn chiến đấu động viên, ông không một lời thanh minh, vượt qua mọi thử thách, mặc cảm, làm việc hết mình, cần mẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; nhất là thời gian ông làm Trưởng ban Tác chiến ở Sư đoàn 320 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như khi ông giữ cương vị Phó tư lệnh B5 rồi phụ trách B5-chiến trường khốc liệt nhất ở miền Nam.

Mùa hè năm 1982, từ Đặc khu Quảng Ninh về Hà Nội họp, ông ghé thăm nhà đúng lúc trận chung kết World Cup diễn ra ở Tây Ban Nha. Đang xem thì chiếc ti vi đen trắng 14 inch không còn mới của nhà ông nhấp nháy như “ma trơi” một lúc mới hồi lại... Anh cần vụ vừa giận vừa thương ông, phàn nàn: “Người ta phân cho thủ trưởng được mua một chiếc ti vi mới mà thủ trưởng lại từ chối, cứ nhường nhịn mãi!”. Ông từ tốn: “Thôi! Nhà mình thế là còn hơn các đồng chí chưa có”, rồi lại hào hứng theo dõi trận đấu.

Một lần, ông được cấp 5m vải pho để may bộ lễ phục cấp tướng theo tiêu chuẩn. Ông liền bảo đồng chí phụ trách hậu cần đơn vị để món đó cho người khác, vì “hồi học ở Liên Xô, mình đã được phát một bộ quân phục cấp tướng rồi”. Trong thời gian làm Cục trưởng Cục Quân lực (tháng 3-1974 đến tháng 12-1976), ông vẫn ở khu tập thể của Bộ Quốc phòng, gần cơ quan để có thêm thời gian học tập, nghiên cứu. Thỉnh thoảng, sáng chủ nhật, ông đạp xe về nhà tại khu tập thể quân đội ở Hà Đông thăm vợ con, chăm luống rau, hốc bí... Tờ mờ sáng thứ hai, ông đạp xe đi. Hồi ấy, gia đình ông thuộc diện được chuyển ra Hà Nội nhưng ông không đi, ông bảo ở đâu chả là đất Việt Nam, di chuyển cũng phiền cho tổ chức.

Mỗi lần có chút “cải thiện”, ông lại mời các chiến sĩ lái xe, cần vụ, thư ký, bảo vệ… (trực tiếp giúp việc ông) quây quần với ông như gia đình. Một ngày chủ nhật, người trợ lý đến thăm, thấy ông xoay trần xây lại bức vách bếp, liền cùng với đồng chí cần vụ xông vào làm giúp. Ông gạt ngay, nói như hạ lệnh: “Các cậu về nghỉ đi! Chỉ một lát là tớ làm xong thôi. Ngày chủ nhật đối với “thanh niên tơ” như các cậu là vàng ngọc đấy!”. Rồi ông cười khà khà trước sự chấp hành nghiêm chỉnh của cấp dưới.

PHẠM XƯỞNG