Năm 1975, con gái đầu Nguyễn Thị Minh Phương đang học lớp 10 (hệ 10 năm), từ Hà Nội vào Sài Gòn gặp cha. Trong không khí cờ hoa của ngày giải phóng, cha con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Đêm đến, được gần cha, con gái ướm hỏi về việc chọn ngành thi đại học, ông trầm tĩnh nói: “Ngành y con ạ”. Ông lý giải: “Nghề này là nghề cứu người” và căn dặn: “Nghề này khó, phải học cả đời và cũng đừng bao giờ nghĩ nghề này có thể làm giàu được”... Nghe lời cha, Phương theo ngành y và đến năm 1981, sau 6 năm đèn sách tại Học viện Quân y, con gái ông tốt nghiệp. Ra trường, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương được điều về Quân khu 7 công tác. Lúc ấy chiến trường Campuchia rất nóng bỏng. Cũng như bao người trẻ khác, bác sĩ Minh Phương có nguyện vọng muốn về cơ sở để có điều kiện phát triển chuyên môn. Và không như mọi người nghĩ là con của cán bộ cao cấp hẳn sẽ có vị trí công tác tốt tại thành phố, bác sĩ Minh Phương đã nhận nhiệm vụ tại Mặt trận 779 để rèn luyện con người, rèn luyện y đức đúng như lời cha dặn “phải học
cả đời”...
(Theo sách “Thượng tướng Nguyễn Minh Châu mưu lược và giản dị” NXB QĐND, năm 2006)
XUÂN SONG