Năm 1999, cơn lũ lịch sử được gọi là “đại hồng thủy” cuối cùng trong thế kỷ 20 ập đến Huế. Đó là trận lũ mà mưa bắt đầu vào đêm 1-11-1999 và kéo dài suốt một tuần lễ đã nhấn chìm 20 huyện, thị xã, thành phố miền Trung, làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sập và trôi. Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng tại thời điểm đó. Tôi khoác ba lô bám theo những đoàn quân của Quân khu 4 cơ động khẩn cấp vào cứu hộ, cứu nạn người dân đang chìm ngập trong biển nước mênh mông. Lữ đoàn 414 công binh, Lữ đoàn 16 pháo binh, Lữ đoàn 80 thông tin, Sư đoàn 968 và bộ đội địa phương, lực lượng tại chỗ với hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đồng thời xuất quân tổ chức cứu dân. Hệ thống thông tin liên lạc dân sự bị tê liệt, điện mất hoàn toàn. Hệ thống giao thông bị tắc nghẽn nhiều nơi, phương tiện cầu, phà tự hành của công binh phải tìm đường vòng tránh, từ Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) theo đường 13 của Lào qua Savannakhet, quay về đường 9 (Quảng Trị) để vào Huế... Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu 4 được thành lập ở Mang Cá, từ đây, các mệnh lệnh, chỉ thị kịp thời truyền đến từng đơn vị, địa phương đều mang thông điệp “Mệnh lệnh: Cứu dân!”.

Trên các phố, phường ở TP Huế và từ những nếp nhà nhỏ xinh giữa vườn cây trong Đại Nội, Hoàng Thành đến những khu dân cư hiện đại bên bờ Nam sông Hương hay từng thôn, xóm Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy... đều lưu dấu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với màu áo xanh lá giản dị. “Bộ đội về rồi. Bộ đội đã về!”-câu nói đó tôi nghe thường xuyên khi chúng tôi lái xuồng len lỏi vào những khu vực nước lũ dâng cao, chảy xiết để tiếp tế lương thực và vận chuyển người già, em bé, các sản phụ, người bệnh đến nơi an toàn. Nước mưa chan vào bát mì tôm của dân và bộ đội. Bánh mì sũng nước. Tấm áo mưa Quân đội bị rách. Chiếc mũ cối bị bong vải bọc. Những ngôi nhà bị cuốn trôi. Những bàn tay chới với trong nước lũ... Chúng tôi, từ người chỉ huy tới từng chiến sĩ đến với nhân dân như đến với người thân, gia đình mình, với tinh thần xả thân, vì cuộc sống nhân dân... Và rồi nhiều người dân đã tình nguyện chèo xuồng nhỏ dẫn đường cho bộ đội tránh những khu vực xoáy nước nguy hiểm trên đường cơ động.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ LLVT TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa người dân đến nơi an toàn. Ảnh: QUANG ĐẠO 

Năm 2020, lũ lớn lại ập đến Huế. Tại huyện Phong Điền, đoàn cán bộ Quân khu 4, Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 chỉ huy trên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích, bất ngờ bị sạt lở đất vùi lấp tại Trạm Kiểm lâm 67, 13 đồng chí hy sinh. Người dân Huế ra đứng tràn hai bên những tuyến đường đưa tiễn các anh. Rất nhiều người đã bật khóc. Chiếc camera của Thiếu tá Nguyễn Đức Cương, Phó tổng biên tập Báo Quân khu 4, thành viên trong đoàn được tìm thấy chìm trong bùn đất và đoạn video phục hồi được cho thấy những hình ảnh cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng đồng đội tại Trạm Kiểm lâm 67, thật xúc động: Trong đêm tối, họ quây quần bên bếp lửa nhỏ vừa nhóm lên, hơ khô áo quần. Họ bàn bạc với nhau về công tác ngày mai... Nhưng ngày mai đó (13-10-2020), 13 đồng chí không trở về nữa...

2. Năm 2023, giữa tháng 11, mưa lũ lại ào ào giội xuống Huế. Khi nước bắt đầu dâng lên mấp mé bờ sông Hương, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức huy động các lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, các cơ quan, đơn vị tổ chức ứng trực và cơ động đến các khu vực trọng điểm di dời nhân dân đến nơi an toàn. Trong đêm tối, hàng nghìn hộ dân, người già, trẻ em, phụ nữ có thai được ưu tiên lên xuồng cứu hộ của Quân đội đi trước. Khẩn trương, hối hả nhưng bình tĩnh, trật tự và khoa học. Giữa biển trời nước lũ, hành động của từng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân càng củng cố niềm tin của nhân dân, là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền địa phương. Rồi không quản nguy hiểm, các hướng, các mũi, các đoàn công tác của lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh cơ động đến những địa bàn gian khó nhất, tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân. Đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã đến Huế trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang tỉnh và thăm hỏi, động viên, tặng quà 11 hộ gia đình ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt tại TP Huế. Đặc biệt, đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm, động viên, chia buồn và hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Đình Đức ở phường Hương Sơ, TP Huế, có vợ và con gái bị đuối nước...

Một vụ sạt lở đất đã xảy ra tại thôn Đông Hòa, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà làm vợ chồng ông Trần Đình Minh, sinh năm 1972, bị vùi lấp. Nhận được tin báo, Ban CHQS thị xã Hương Trà đã nhanh chóng huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng đến giải cứu thành công, đưa hai vợ chồng ông Minh đến Trạm Y tế xã Bình Điền theo dõi sức khỏe và điều trị. Ông Minh nhớ lại: “Vợ chồng tôi đang nghỉ trưa, bỗng nghe ào ào rồi tối tăm mặt mũi. Tôi thở không nổi. Sau này mới biết có các chú bộ đội giải cứu kịp thời, nếu chậm dăm mười phút thì... Vợ chồng tôi tạ ơn các chú, các anh!”. 

Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đoàn công tác đến thăm một gia đình chiến sĩ dự bị động viên thuộc Trung đoàn 176 có người thân vừa mất ở tổ dân phố Địa Linh, phường Hương Vinh, TP Huế. Chiếc ca-nô chòng chành len vào từng ngõ hẹp trong ánh chiều muộn. Ông Lê Ứng, chủ nhà, cầm tay Chính ủy Hoàng Văn Nhân, rưng rưng: “Mưa lũ như ri mà các chú lội nước đến thăm chia sẻ với gia đình tôi, thật là quý quá. Chúc các chú đi làm nhiệm vụ cứu dân chân cứng đá mềm, không gặp nguy hiểm...”.

3. Hàng trăm trận bão lũ trong lịch sử đã tràn qua đất đai xứ Huế, cơn lũ nào cũng để lại dấu vết tàn khốc. Trở lại với cơn “đại hồng thủy” năm 1999, nước lũ tràn về từ hạ lưu làm vỡ phá Tam Giang, đồng thời mở ra hai cửa biển mới, gọi là cửa Hòa Duân và Vĩnh Hải. Sự kiện tạo cửa biển này được xem là chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Và hậu quả, một ngôi làng nơi cửa biển Hòa Duân có 64 hộ đã bị lũ cuốn hết ra biển. Nhưng sau khi lũ rút, ngay tại đây, một ngôi làng mới lại được hồi sinh, do các đơn vị thuộc Quân khu 4 giúp nhân dân xây dựng. Làng Rồng, tên làng do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt để ghi nhớ sự kiện năm Canh Thìn-2000. Làng mới ra đời với nỗ lực, can trường của quân và dân Thừa Thiên Huế chống chọi thiên tai bão lũ, cũng như thể hiện tình đoàn kết quân dân.

Nước lũ rút dần, mặc dù trong doanh trại các cơ quan, đơn vị còn ngổn ngang bùn đất nhưng cán bộ, chiến sĩ lại tỏa đến các trường học, thôn xóm giúp các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và những gia đình người già, neo đơn, bệnh tật dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả. Nước rút đến đâu thì dọn dẹp vệ sinh đến đó mới tiết kiệm công sức. Tại Trường Tiểu học số 1 Hương Vinh, nước rút trong đêm khuya, sáng ra còn trơ lại từng lớp bùn đất dày 30-40cm. Giáo viên của trường toàn là nữ, khi được bộ đội và dân quân đến giúp đỡ, hỗ trợ, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng, rất cảm động: "Lũ năm nay lớn, lại kéo dài. Nhờ chủ động phòng, chống nên cơ sở vật chất, các trang thiết bị, đồ dùng học tập của nhà trường không bị hư hỏng. Tuy nhiên, lũ rút để lại lượng lớn rác thải, bùn non rất dày, trong khi đội ngũ giáo viên hầu hết là nữ. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng dân quân, không biết đến bao giờ nhà trường mới có thể đón học sinh trở lại học tập".

Nước lũ rút dần, với sự nỗ lực khắc phục hậu quả của các lực lượng, cả hệ thống chính trị đến từng người dân, Huế dần trở lại phong quang, sạch đẹp, dù trên những thành quách rêu phong xưa cũ vẫn còn in dấu bùn đất. Những chuyến xe quân sự chở quân đi làm nhiệm vụ thưa dần, trả lại cho thành phố dáng vẻ thanh bình, mềm mại, nên thơ vốn có. Chúng tôi nhìn thấy những tốp khách du lịch nước ngoài thong dong tản bộ trong Hoàng Thành, Đại Nội và trên các tuyến đường vừa được dọn sạch bùn đất. Thừa Thiên Huế xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030 trở thành điểm đến di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách. Huế còn là thành phố của festival. Di sản văn hóa và lễ hội cũng được xác định là thế mạnh, động lực để xây dựng, phát triển Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương và là thành phố di sản, thành phố festival ngang tầm thế giới.

Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi rời Huế. Xe chạy qua Kỳ đài, Ngọ Môn, và chúng tôi được biết, tại đây chỉ ít tuần nữa sẽ diễn ra Tuần lễ Âm nhạc quốc tế với chủ đề “Giai điệu bốn mùa”. Ở đâu cũng vậy, thiên nhiên và con người-văn hóa luôn hòa quyện với nhau, nhất là trong một vùng đất dù triền miên mưa lũ, thiên tai bão tố nhưng chất chứa rất nhiều di sản văn hóa, tinh thần.

Ghi chép của TRẦN HOÀI