Trước đây, nhất là khi xem những hình ảnh, đọc những bài viết về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 93 tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm 2023, tôi hình dung, Đội cứu sập ASEAN thường xuyên được huấn luyện rất bài bản, quy mô và cường độ cao. Tôi mong có cơ hội đến với họ để được xem họ “luyện võ” thế nào!

Một ngày tháng 9, bất ngờ tôi được Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, Trưởng phòng Tuyên huấn Cục Chính trị, Binh chủng Công binh giới thiệu đến Tiểu đoàn 93 đóng quân ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), một trong những địa phương mang văn hóa đặc trưng của xứ Đoài, giáp ranh với thị xã Sơn Tây, nơi được biết đến là vùng đất ngập tràn nắng, thời tiết vào loại khắc nghiệt nhất nhì miền Bắc.

Hôm ấy, đầu giờ làm việc buổi chiều, khi nắng thu trải vàng như mật, tôi theo chân Thiếu tá Lê Đức Tài, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93 và là Đội trưởng Đội cứu sập ASEAN ra thao trường. Trên đường đi, anh chia sẻ với tôi thông tin ít ỏi, sau vụ động đất ở Maroc tối 8-9-2023, suốt mấy ngày qua, toàn đội luôn ở trạng thái trực SSCĐ.

Các thành viên trong đội được thông báo dừng phép, tranh thủ và chỉ huy không cử đi công tác xa để sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ được ngay. Theo quy định, mỗi năm, phân đội cứu sập ASEAN sẽ huấn luyện hai giai đoạn với tổng thời gian 140 giờ, giai đoạn 1 là 105 giờ, giai đoạn 2 là 35 giờ. Mỗi tháng, đội huấn luyện tổng hợp một lần với đủ các thành phần, từ lái xe, lái máy, thợ sửa chữa, thông tin đến quân y, nuôi quân.

leftcenterrightdel

Đội cứu sập ASEAN Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh sử dụng máy dò RO để xác định vị trí nạn nhân sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 2-2023). Ảnh: PHẠM HIẾU 

Thao trường huấn luyện cứu sập được thiết kế là một nhà tầng bị sập đổ giống như thật. Ở chân công trình sập đổ ấy, tôi để ý thấy nhiều tấm bê tông lăn lóc và trên đó in hằn những vệt cắt dang dở, vệt mũi khoan đen ngòm sâu hoắm. Tôi cũng phát hiện ra nhiều tấm bê tông bị vỡ, nhưng bề mặt không còn nham nhở mà nhẵn bóng, điều này chứng tỏ nó bị tác động rất nhiều trong thời gian dài và liên tục bởi con người.

Lúc này, các chiến sĩ trong đội đang tích cực làm công tác chuẩn bị. Theo Thiếu tá Lê Đức Tài, do đã được huấn luyện rất bài bản nhiều lần nên họ thuần thục cả trong phối hợp và sử dụng thiết bị chuyên dụng. Thế nên, trong điều kiện hoạt động bình thường và ổn định, các thành viên Đội cứu sập ASEAN chỉ kiểm tra tình trạng kỹ thuật của trang bị. Thiếu tá Lê Đức Tài gọi đó là huấn luyện hạn chế, giữ phản xạ, giống như cầu thủ bóng đá tập phản xạ trước khi thi đấu ít ngày.

Trong khi đa số thành viên của đội làm công tác chuẩn bị phương tiện tác nghiệp, phục vụ buổi huấn luyện thì Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hưng, Tổ trưởng tổ trinh sát di chuyển ra một góc. Anh Hưng đứng một mình dưới nắng thu gần như bất động. Lâu lâu, tôi lại thấy anh chuyển tư thế. Khoảng 15 phút sau, anh rời vị trí, trở lại với các thành viên trong đội.

Dường như hiểu được thắc mắc của tôi về hiện tượng lạ ấy, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hưng giải thích, làm như vậy là để rèn khả năng tập trung, rèn phản xạ. Anh bảo, đây là bài học bổ trợ không có trong giáo trình mà bất cứ cá nhân nào trong đội cũng phải tìm ra để tự rèn, phù hợp với công việc trong cứu sập. Bởi công việc trinh sát của anh rất quan trọng.

Nếu không có các thông tin tổng thể, chi tiết về mức độ nguy hại tại hiện trường mà tổ trinh sát cung cấp thì đội trưởng khó đưa ra các phương án cứu hộ, cứu nạn an toàn, nhanh, hiệu quả nhất. Anh nói thêm, nhờ việc rèn luyện này mà anh có thể xác định được những mối nguy hiểm tiềm ẩn với đồng đội trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hưng cũng kể chi tiết những góc khuất trong công việc. Theo đó, sau khi cung cấp thông tin, đưa ra được phương án cứu hộ, cứu nạn, anh sẽ đứng ngoài quan sát, cảnh giới cho đồng đội từ xa bằng tín hiệu còi; đồng thời sẵn sàng làm những việc khác khi đội trưởng yêu cầu. Anh lập luận, nếu không có cảnh báo thì chính anh phải cứu hộ, cứu nạn đồng đội của mình.

Bởi sau sập đổ công trình, các tảng bê tông, gạch đá, gỗ, sắt... xếp chồng lên nhau và liên kết rất lỏng lẻo mà chỉ cần một tác động nhỏ, có lỗ hổng là chúng rơi xuống không thể kiểm soát. Thế nên, anh phải rèn cho mình sự tập trung, ghi vào đầu những hình ảnh thực tế hiện trường, kịp thời phát hiện ra các thay đổi, dù chỉ là vài mảnh vữa hay một miếng gạch vụn rơi xuống.

Trong thời đô thị hóa, công nghiệp phát triển mạnh, những sự vụ tai nạn, sự cố sập đổ công trình đã xảy ra ở nhiều nơi. Đội cứu sập của Tiểu đoàn 93 từng tham gia khắc phục hậu quả trong các vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, sập mỏ đá Bản Vẽ, sập mỏ đá Lèn Cờ, sập hầm thủy điện Đạ Dâng... và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gần đây, họ đã tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và được thế giới đánh giá rất cao.

Thiếu tá Lê Công Quyết, Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 93 kể lại cho tôi nghe lần cứu hộ, cứu nạn ở hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) bị sập năm 2014. Thời điểm đó, Quyết là tổ trưởng thuộc Đội cứu sập ASEAN. Sau khi xảy ra sự cố, Quyết và 6 đồng chí mang theo bộ cứu hộ, cứu nạn cầm tay đi máy bay từ ngoài Bắc đến hiện trường. Anh cùng đồng đội kết hợp với lực lượng của Lữ đoàn 293 (Binh chủng Công binh) mở một ngách ở bên trái hầm thủy điện để tiếp cận các nạn nhân theo hình thức đào đến đâu chống tạm đến đó. "Đó là một cuộc chạy đua tổng lực với thời gian trong không gian vô cùng chật hẹp", Thiếu tá Lê Công Quyết nói. Sau hai ngày làm việc liên tục, Quyết và đồng đội đã tiếp cận vị trí và đưa được nạn nhân đầu tiên ra ngoài.

Quyết là người đầu tiên bế nạn nhân ra cửa hầm sau khi vượt qua gần 500m đường hầm thủy điện đang thi công dở dang, nước ngập quá đầu gối. Nghe lại câu chuyện ấy, Thiếu tá Lê Đức Tài trầm ngâm nói với tôi mà như tự nhủ với mình, tính chất cứu hộ, cứu nạn, sập đổ công trình rất nguy hiểm, chỉ cần một sơ hở, thiếu quan sát, thiếu chú ý là có thể mất an toàn. Thế nên, huấn luyện cứu hộ, cứu nạn càng phải tuyệt đối tuân thủ và thực hiện tốt nguyên tắc, cẩn trọng, tỉ mỉ, chắc chắn, an toàn và chính xác.

Sau này, khi gặp và trò chuyện với Thượng tá Vũ Thanh Hải, Chính trị viên Tiểu đoàn 93, tôi thu được những câu chuyện khá thú vị xung quanh công việc này. Anh kể, hôm tổng kết và trao thưởng ở Hội trường Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, khi những nhân viên cứu hộ của đội được xướng tên nhận thưởng thì nhiều người ở dưới không khỏi ngạc nhiên. Có anh ngồi bên cạnh ghé tai Thượng tá Vũ Thanh Hải hỏi: Tại sao cán bộ, chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn lại giữ chức danh lái xe, lái máy?

Anh Hải trả lời câu hỏi ấy rằng, Đội cứu sập ASEAN thành lập và hoạt động kiêm nhiệm, thành viên là những lái xe, lái máy trong đơn vị được trưng dụng. Chính vì lý do này mà trong thực hiện có những bất cập. Ví dụ, khi đội di chuyển bằng ô tô đi thực hiện nhiệm vụ với quãng đường dài, nhưng không có lực lượng dẫn đoàn, trong khi cứu hộ, cứu nạn yêu cầu gấp gáp, nạn nhân không thể chờ đợi. Rủi mà tắc đường thì họ khó đến được hiện trường và xử lý đạt kết quả như mong muốn.

Ngoài những trăn trở của Thượng tá Vũ Thanh Hải, khi tiếp xúc với các nhân viên cứu hộ, cứu nạn trong đội, tôi cũng nhận được những tâm tư muốn gửi đến lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Họ nói rằng, cứu hộ, cứu nạn là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, rất cần có kinh phí tái tạo sức lao động, tinh thần.

Gần đây, khi nghiên cứu Quyết định Số 535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-5-2023 về “Phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, tôi thấy Chính phủ có giao các bộ, ngành nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm cho lực lượng này hoạt động. Hy vọng, trong tương lai, cán bộ, chiến sĩ trong Đội cứu sập ASEAN không còn băn khoăn, trăn trở khi thực hiện nhiệm vụ.

Khi rời mảnh đất xứ Đoài, tôi chợt nhớ đến mùi hương của hoa ngọc lan dịu mát thoang thoảng trong gió thu ở phía sau khu nhà Sở chỉ huy Tiểu đoàn 93. Tôi liên tưởng, hình như những việc làm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây cũng giống như hương thơm dịu mát, thanh tao, quyến rũ của loài hoa ấy. Có lẽ, đó cũng là một đặc sản, một thành tích ý nghĩa được bổ sung vào truyền thống “Mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh anh hùng.

THẢO TRANG