Hơn 9 giờ ngày đầu tuần, sau khi đã quan sát, lắng nghe và có được một lượng lớn thông tin từ các chiến sĩ đào tạo khẩu đội trưởng tại thao trường huấn luyện pháo mặt đất 122-D30, tôi theo chân Thượng úy Nguyễn Văn Chung, Trợ lý Tuyên huấn Phòng Chính trị, Trường Quân sự Quân khu 2 đến Tiểu đoàn 5-một đơn vị đang quản lý học viên đào tạo khẩu, tiểu đội trưởng binh chủng. Mặc dù đóng quân ở địa bàn thành phố, lại nằm chẳng xa đường lớn mỗi chiều có tới hai làn xe lưu thông nhưng để đến được nơi Tiểu đoàn này đứng chân, chúng tôi phải đánh vật với mấy cây số đường mòn uốn lượn nhỏ hẹp, lồi lõm màu đất đồi nâu đỏ đặc trưng. Mỗi lần vào cua, vượt mặt đường xấu, chiếc xe của tôi phải gằn máy, đi như bò rồi liên tục lắc ngang lắc dọc, trồi lên ngụp xuống giống như con thuyền đi trong sóng dữ biển khơi.

Đang tập trung đánh vật với con đường, tôi bỗng giật mình vì nghe tiếng anh Chung vỗ đùi đen đét, miệng tươi như hoa. Anh khoe, bên thao trường Bản Long, bộ đội kiểm tra bắn đạn thật súng máy phòng không 12,7mm đã diệt mục tiêu từ loạt đạn đầu. Anh bảo, các cán bộ của Phòng Chính trị đi theo đơn vị đã gửi clip, cập nhật thông tin buổi kiểm tra. Tiếng nổ do bắn 12,7mm từ clip phát ra từng tràng giòn tan khiến tôi háo hức, cố gắng điều khiển chiếc xe nhịp nhàng để vượt qua đoạn đường lồi lõm.

leftcenterrightdel

Học viên đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật Trường Quân sự Quân khu 2 thực hành diễn tập cuối khóa năm 2023. Ảnh: MINH TÙNG 

Anh Chung kể, thao trường Bản Long thuộc quản lý của Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc, cách nhà trường khoảng 10km. Mỗi lần tổ chức bắn đạn thật hoặc diễn tập cuối khóa học, nhà trường đều phải liên hệ mượn thao trường. Việc này gây ra không ít bất cập, phiền toái mà phải hết sức linh hoạt mới giải quyết được. Có thời điểm kế hoạch đã lên, địa điểm đã chọn, nhưng do Bộ CHQS tỉnh có nhiệm vụ đột xuất phải sử dụng thao trường, thành ra cơ quan huấn luyện của nhà trường lại phải thay đổi kế hoạch.

Rồi xe lại gằn máy vượt qua con dốc và cánh cổng lưới B40 đơn sơ. Tôi lia mắt sang bên lề đường, trên chiếc sân cỏ rộng gần bằng hai sân bóng đá, bóng áo dã chiến thoắt ẩn thoắt hiện dưới nắng thu vàng ruộm, lẫn vào những tán keo, bạch đàn thưa thớt. Chỉ vào những dãy nhà cấp 4 tường màu vàng, mái tôn màu xanh nằm dưới chân đồi, anh Chung chia sẻ với tôi, các anh giáo viên trong trường nói vui, nếu ai đó muốn tìm lại hình bóng, cảnh quan về đơn vị Quân đội trong thập niên 1990 thì hãy đến Tiểu đoàn này.

Đến đây thì tôi bắt đầu hiểu hơn về khó khăn mà đội ngũ cán bộ quản lý cùng những người thầy ở đây gặp phải. Thượng tá Bùi Mạnh Hùng, vốn là một giáo viên dạy quân sự, nay được bổ nhiệm giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 tâm tình với tôi: Nhiều năm gần đây, thời gian đào tạo tiểu đội trưởng bộ binh và khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng các binh chủng có nhiều thay đổi nên giảng viên và cán bộ quản lý cũng phải nhanh chóng thích nghi. Họ phải kết cấu lại giáo án, nội dung huấn luyện sao cho vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, nhưng không thiếu nội dung trọng điểm. Việc này tốn rất nhiều thời gian và tâm sức của giáo viên. Hơn nữa, mỗi đối tượng đào tạo lại có một yêu cầu khắt khe khác nhau nên nếu không tâm huyết thì công sức sẽ dễ bị đổ xuống sông, xuống biển.

leftcenterrightdel

Binh nhất Đỗ Xuân Hinh, học viên Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 4, Trường Quân sự Quân khu 2 nạp đạn pháo 122-D30. Ảnh: MINH TÙNG 

Anh Hùng ví dụ, kiến thức đào tạo đối tượng chỉ huy xã, phường, thị trấn cần rộng hơn, mang tính lý luận. Nội dung huấn luyện với vũ khí, khí tài của đối tượng này có nhiều nội dung không kỹ như đối tượng đào tạo khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng binh chủng. Vì đối tượng đào tạo chỉ huy xã, phường, thị trấn học tập trung theo giai đoạn và hướng tới mục tiêu tổ chức hoạt động quân sự, quốc phòng ở địa phương nên các kiến thức tập trung vào chủ trương, đường lối, cách xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch liên quan đến xây dựng đội ngũ dân quân, tự vệ, huy động nguồn lực quốc phòng, dự bị động viên... Còn trong đào tạo các khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng binh chủng, nội dung huấn luyện quân sự rất nặng. Không chỉ huấn luyện họ thuần thục về chức trách, nhiệm vụ mà còn huấn luyện họ có khả năng chỉ huy tiểu đội tác chiến trong các tình huống khác nhau. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng thuần thục về phương pháp, tác phong công tác; quy trình, các khâu, các bước trong tiến hành huấn luyện, duy trì, tổ chức bộ đội luyện tập.

Những lời tâm tình của Thượng tá Bùi Mạnh Hùng khiến tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Thượng úy Đào Ngọc Duy, Phó đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 4 ngay tại nơi huấn luyện khẩu đội pháo mặt đất 122-D30 hồi đầu giờ làm việc buổi sáng. Anh Duy chia sẻ, các chiến sĩ được đơn vị cử đi đào tạo tiểu đội trưởng đa phần vừa trải qua 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới. Quá trình đào tạo, họ phải học thuần thục kỹ thuật sử dụng khí tài, chiến thuật trong chiến đấu và cả phương pháp tổ chức huấn luyện, duy trì tiểu đội luyện tập. Ngoài ra, họ còn được học và thực hành các nội dung bổ trợ, giúp cho quá trình tổ chức, chỉ huy tiểu đội đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Đó là những tháng ngày gian khổ của cả thầy và trò.

Cũng trong thời gian ở đây, tôi chứng kiến các giáo viên ướt đẫm mồ hôi tổ chức huấn luyện pháo mặt đất 122-D30 cho học viên Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 4. Lúc giải lao, Binh nhất Đỗ Xuân Hinh, học viên của Trung đội 1 tâm tình rất thật. Hinh kể, mỗi lần huấn luyện thực hành với pháo là một bài học đáng giá. Bởi khi học lý thuyết, về phần chuẩn bị, giáo viên có thể “kéo” khẩu pháo từ trong nhà ra trận địa bằng một vài dòng chữ là xong. Nhưng trong thực tế khi vào huấn luyện thực hành, muốn di chuyển pháo đến trận địa, dưới sự dẫn dắt của giáo viên, các học viên phải tổ chức xây dựng trận địa chính, dự bị rồi mới kéo pháo di chuyển đến vị trí tác chiến. Quá trình tác chiến, các khẩu đội trưởng phải tích cực quan sát và xử lý những tình huống có thể đến bất ngờ. Chỉ riêng việc vận chuyển rồi nạp đạn vào nòng pháo cũng rất khó khăn. Mỗi quả đạn nặng gần 22kg, thêm một liều phóng nặng 4kg nữa. Khi có lệnh bắn gấp, trong 1 phút, khẩu pháo bắn được từ 6 đến 8 phát. Thế nên 3 chiến sĩ nạp đạn phải làm việc hết công suất, tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng mới đáp ứng được nhu cầu làm việc của khẩu pháo.

Để các học viên nắm được nhiệm vụ của từng vị trí và phối hợp thực hành thì các giáo viên huấn luyện cũng phải đổ mồ hôi hột. Binh nhất Đỗ Xuân Hinh kể, lúc đầu vào huấn luyện, các chiến sĩ mới như gà mắc tóc, không dám làm động tác thừa, thậm chí còn phải nín thở nghe giáo viên giảng. Bây giờ sau mấy tháng huấn luyện, chuẩn bị diễn tập cuối khóa thì không còn chuyện đó và các giáo viên cũng nhàn hơn đôi chút. Họ thường đứng ngoài quan sát và tổ chức rút kinh nghiệm ngay sau mỗi lần tập luyện.

Thượng úy Đào Ngọc Duy đứng cạnh tôi và Binh nhất Đỗ Xuân Hinh bổ sung: Huấn luyện với khí tài lớn nặng mấy tấn, hoạt động phức tạp không hề đơn giản, rất dễ mất an toàn nên các giáo viên không thể rời xa bộ đội. Chỉ cần động tác đẩy đạn vào buồng không chuẩn là chiến sĩ sẽ bị thương ở tay, mất an toàn huấn luyện. Cho nên trong huấn luyện, các giáo viên phải quan sát và uốn nắn ngay cho chiến sĩ, nhất là phải giúp họ tập trung cao độ tinh thần thì chất lượng huấn luyện mới cao.

Giáo viên huấn luyện quân sự, đặc biệt là huấn luyện sử dụng khí tài đặc chủng trong các học viện, nhà trường Quân đội nói chung và giáo viên huấn luyện tại Trường Quân sự Quân khu 2 nói riêng thường vất vả hơn giảng viên, giáo viên các trường dân sự. Tôi rất tâm đắc với những chia sẻ của Đại tá Phạm Văn Hảo, Chính ủy nhà trường về phẩm chất của những người thầy nơi đây. Anh nhấn mạnh: Để "cho ra lò" các học viên có khả năng chỉ huy tiểu đội hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ đòi hỏi mỗi giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng sư phạm và quan trọng nhất là một tinh thần nhiệt huyết được nuôi dưỡng bằng trái tim rực màu hoa phượng vĩ. 

Hình ảnh hoa phượng rực cháy mà Đại tá Phạm Văn Hảo dùng để nói về tinh thần của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường khiến tôi bâng khuâng, rạo rực trong lòng cho dù trời đã lập đông, đã có gió lạnh đầu mùa...

THẢO TRANG