QĐND - Mùa mưa năm 1967, tổ phóng viên A14 của Báo Quân giải phóng miền Nam, được chuyển cứ về ở khu vực gần biên giới Cam-pu-chia. Anh em tập trung viết bài và học tập chính trị.

Một hôm, tôi đang hí hoáy viết bài thì anh Phan Cẩn-phụ trách Ban Biên tập Báo Quân giải phóng ở vòng trong ra, phân công tôi và Tô Tấn đi công tác gấp. Anh Phan Cẩn nói với chúng tôi: Hiện nay tân binh của ta ở ngoài Bắc vào rất đông, nhưng nghe tin anh em phải đi nằm viện quá nhiều. Bây giờ Đình Thịnh và Tô Tấn ra Bệnh viện K50 xem tình hình thế nào. Cố gắng viết bài động viên anh em yên tâm điều trị bệnh và cổ vũ y, bác sĩ khắc phục khó khăn, chăm sóc anh em chu đáo để anh em sớm được ra viện. Viết được bài thì gửi về ngay để kịp đăng số tới.

Thế là tôi và Tô Tấn vác ba lô đi ngay trưa hôm đó. Mặc dù phải đi như chạy nhưng cũng phải hơn ba ngày mới tới Bệnh viện K50. Đây là một bệnh viện quân y dã chiến. Tuy ở trong rừng nhưng quy mô cũng khá rộng. Các lán trại đều làm bằng cây rừng và lợp lá trung quân. Bệnh viện có hàng chục lán rộng, mà lán nào thương binh, bệnh binh cũng mắc võng nằm kín. Số anh em bị sốt rét, một số ít bị bệnh đường ruột vì dọc đường hành quân ăn uống nước suối, không bảo đảm vệ sinh. Người nào cũng xanh xao, môi thâm. Tôi rất thông cảm, vì chính tôi khi mới vào chiến trường cũng như thế. Tôi còn bị sốt rét ác tính, hôn mê mấy ngày, suýt mất mạng.

Bốn phóng viên Báo Quân giải phóng gặp nhau sau ngày giải phóng miền Nam (từ phải qua: Đình Thịnh, Hải Bật, Tô Tấn, Phú Bằng) Ảnh do tác giả cung cấp

 

Khi tới bệnh viện, chúng tôi gặp ngay Ban giám đốc Bệnh viện để biết khái quát về tình hình bệnh nhân và công tác chăm sóc điều trị của y sĩ, bác sĩ. Đồng chí Hai Thạch, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện K50 hết sức nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi.

Trong khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ của mình thì được tin đồng chí Nguyễn Thị Định - Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam đến thăm bệnh viện. Đồng chí đến tất cả các lán trại, ân cần hỏi thăm từng chiến sĩ như một người chị ruột đến thăm những người em trong gia đình.

Đồng chí khen ngợi và biểu dương tập thể cán bộ, y sĩ, bác sĩ của bệnh viện, đã khắc phục nhiều khó khăn để phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện đã có sáng kiến thành lập một xưởng sản xuất, tự điều chế huyết thanh đẳng trương để chữa trị và bồi dưỡng cho bệnh nhân ngay trong rừng.

Tôi và Tô Tấn đã thu thập nhanh tài liệu và phân công nhau viết bài. Tôi viết bài tường thuật về chuyến thăm bệnh viện của đồng chí Nguyễn Thị Định, thể hiện sự quan tâm của Bộ chỉ huy Miền, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đối với các chiến sĩ mới được bổ sung từ miền Bắc vào. Còn Tô Tấn viết về y tá Hồng Vân, trước là du kích Củ Chi, mặc dù bị thương cụt mất một bàn chân vẫn khắc phục khó khăn phục vụ thương binh, bệnh binh.

Viết xong, chúng tôi đã thông qua Ban giám đốc Bệnh viện để các đồng chí ấy góp ý. Để kịp thời gian như anh Phan Cẩn đã dặn, chúng tôi phải cấp tốc mang bài về Tòa soạn. Suốt hai ngày đội mưa, đi không dám nghỉ, gần tối hôm sau mới về tới khu vực của Bộ chỉ huy Miền. Chúng tôi định cắt rừng về cho nhanh, nhưng lại rơi vào đúng khu vực thuộc Cục Tham mưu quản lý. Chúng tôi có đầy đủ giấy tờ, nhưng đồng chí bảo vệ cứng nhắc, nhất định không cho đi qua. Trời đã tối sẫm, chúng tôi nói khó và xin ngủ nhờ một tối ở đây. Đồng chí trạm trưởng không những không cho còn gay gắt:

- Các anh đi ngay khỏi khu vực này, ông lớn nhất cũng không được ở đây!

Tôi và Tô Tấn đành phải lủi thủi vác ba lô ra khỏi trạm. Đêm đó chúng tôi phải uống nước suối, nhịn đói, mắc võng ngủ ngay bên cạnh suối. 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã dậy, tính toán tìm đường về sao cho kịp thời gian in báo. Định cắt chéo ngoài khu vực của Trạm bảo vệ, nhưng khi vào rừng gặp rất nhiều bụi gai rậm, phải cắt rừng đi lượn vòng vèo. Không ngờ, loanh quanh một hồi lại vào đúng Trạm bảo vệ tối qua.

Lúc đó vào khoảng hơn 8 giờ, một đồng chí chiến sĩ gặp chúng tôi vẻ thông cảm:

- Thế từ tối qua đến giờ, các anh vẫn chưa tìm được lối về à?

Tôi vội trả lời:

- Chúng mình cắt rừng mãi mà không ra, không ngờ lại lạc vào đây.

- Tối qua các anh ngủ ở đâu?

- Chúng mình đành phải ngủ đại bên suối.

- Các anh chắc chưa ăn gì, thôi vào đây, còn ít cơm, tôi lấy cho mà ăn, rồi hãy đi.

Tôi đã ngồi vào bàn. Nhưng Tô Tấn còn thủng thẳng tìm chỗ đặt ba lô và chưa kịp bỏ mũ cối ra, thì đồng chí Trạm trưởng chạy tới:

- Tôi bảo các anh phải đi khỏi đây, từ tối hôm qua rồi kia mà, sao giờ vẫn còn nấn ná!

Tôi nhẹ nhàng trả lời:

- Anh ơi, trời tối quá, cây rừng bị B52 quăng quật tanh bành, chúng tôi không tìm ra đường nên mới lạc trở lại đây. Chúng tôi xin lỗi, các anh thông cảm cho!

- Các anh chỉ nói xạo! Có mỗi một con đường từ đây tới tòa báo mà còn lạc. Lạc... cái gì!

Tô Tấn đã tức sẵn từ nãy, giờ lại nghe Trạm trưởng bảo chúng tôi nói xạo, kìm nén không được, liền ngửa cái mặt đỏ bừng hướng về phía Trạm trưởng:

- Rừng thì thiếu cha gì con đường!

Trạm trưởng càng gay gắt:

- Ra ngay, các anh ra ngay khỏi đây. Chỉ có một con đường mà còn cãi gì?

Tức quá, Tô Tấn dằn giọng nhại lại câu nói của Trạm trưởng:

- Quân...giải...phóng...chỉ...có...một...con...đường. Vậy đấy!

Tôi ngồi ghế nhìn Tô Tấn dằn giọng nói, rung rung cả chiếc mũ cối đang đội trên đầu. Tôi thấy vừa buồn cười, vừa tức lây vì thấy thái độ của cậu Trạm trưởng quá phũ phàng.

Hôm đó về nộp bài xong, cả bài của tôi và Tô Tấn đều kịp đăng số báo mới. Khi anh Phú Bằng từ vòng trong mang báo ra cho anh em A14, tôi kể lại câu chuyện trên. Anh Bằng cười nắc nẻ, đầy vẻ khôi hài. Nhưng nghĩ lại: Rừng thì có nhiều con đường thật nhưng đánh Mỹ thì Quân giải phóng chỉ có một con đường là rất đúng.

Nghe ra câu nói của Tô Tấn cũng có ý nghĩa, anh Bằng tự nhiên nghiêm nét mặt trở lại, nửa đùa, nửa thật nói như ra lệnh:

- Từ nay trở đi, A14 phải coi câu nói của Tô Tấn: "Quân giải phóng chỉ có một con đường" là tuyên ngôn của báo ta đấy. Dù khó khăn gì cũng chỉ có một con đường tiến lên thôi. Đánh Mỹ, không có con đường nào khác đâu đấy nhé!

Bây giờ mỗi lần nhắc đến Tô Tấn, ai cũng không quên câu nói nổi tiếng trên.
ĐÌNH THỊNH