Nhà Đại tướng Lê Đức Anh ở giữa làng quê yên bình. Anh Lê Hữu Đức, cháu gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng ông trông coi khu nhà thờ họ, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Khói hương trầm lan tỏa. Anh Lê Hữu Đức sinh ra và lớn lên ở ngoài Bắc; năm 2000, anh chuyển công tác về Huế, làm nhân viên an ninh ở Sân bay quốc tế Phú Bài và được Đại tướng Lê Đức Anh giao trông coi, chăm sóc nhà thờ, phần mộ tổ tiên. Anh Đức tâm sự: “Mỗi lần có dịp gặp chúng tôi, ông thường hỏi thăm về quê nhà Lộc An. Mỗi lần như thế, dường như ông rưng rưng xúc động. Ông luôn trăn trở về quê hương làng xóm còn nghèo, đời sống người dân còn khó khăn…”.

leftcenterrightdel
Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Em, Phó bí thư Đảng bộ xã Lộc An nói với tôi: “Năm 2012, Đại tướng về thăm quê và cắt băng khánh thành Nhà Văn hóa-Thư viện Lê Đức Anh. Đại tướng dặn dò cán bộ, đảng viên trong xã phải nỗ lực, cố gắng chăm lo đời sống nhân dân tốt hơn nữa”. Khuôn viên công trình Nhà Văn hóa-Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh nằm đối diện nhà thờ họ Lê và nhà Đại tướng, chỉ bước qua một con đường nhỏ. Cảnh vật hài hòa, tĩnh lặng. Công trình có hệ thống nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn, khuôn viên khép kín. Chúng tôi được biết, đây là một công trình nhiều ý nghĩa, được thực hiện theo nguyện vọng của người dân địa phương. Khi chúng tôi đến, có nhiều em học sinh Trường THCS Lộc An đang tổ chức hoạt động ngoại khóa ở đây, đọc sách báo, tìm hiểu lịch sử, truyền thống. Em Trương Công Pháp, học sinh lớp 8/1 tâm sự: “Ở đây có nhiều sách hay. Mỗi tuần cháu thường đến đây khoảng 3-4 lần để đọc sách. Cháu thích đọc sách và rất thích nơi này. Cháu rất tự hào về quê mình, về bác Đại tướng. Bác Lê Đức Anh là tấm gương để chúng cháu noi theo”.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Quê tôi có núi Truồi và sông Truồi. Sông Truồi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây của huyện Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang. Sông Truồi có nguồn nước dồi dào làm cho làng xóm hai bên bờ trở nên sầm uất và làm cho cánh đồng quê tôi tươi tốt… Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1938), ông Đỗ Tram và ông Lê Bá Dị, sau đó anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn Viễn (tức anh Huỳnh Văn Viết) đến nhà tôi. Ông Đỗ Tram nói: Hôm nay Chi bộ đồng ý cho cháu Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản. Anh Huỳnh Văn Viết và anh Hồ Nguyên là hai người giới thiệu. Anh Viết chính là cậu thiếu niên mà tám năm trước (năm 1930) đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và, đêm 30-4, rạng ngày 1-5-1938, tôi đã bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang”.

Chúng tôi tìm đến chợ Trường Hà. Nơi đây, cảnh vật đã đổi thay rất nhiều từ cái đêm 30-4, rạng ngày 1-5-1938. Thật khó nhận biết vị trí cây phi lao mà hai người cộng sản trẻ tuổi đã treo cờ. Và giờ đây, cứ vào mỗi dịp ngày lễ, tết của đất nước, của dân tộc, người dân nơi đây lại treo cờ Tổ quốc. Tôi bất chợt hình dung từ một lá cờ đơn lẻ được bí mật treo trên ngọn cây phi lao năm nào, giờ đây là cả rừng cờ tung bay trong gió, điều đó biểu trưng cho tinh thần cách mạng của con người nơi đây vẫn luôn rực cháy…

Xã Lộc An, quê hương Đại tướng Lê Đức Anh là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Nghĩa trang liệt sĩ của xã dành nơi trang trọng an táng hài cốt các ông: Lê Bá Dị, Bí thư chi bộ đảng trong những năm 30 của thế kỷ 20; Anh hùng LLVT Trần Tiến Lực... và ngôi mộ tập thể 12 liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông Lê Bá Dị là cậu của Đại tướng Lê Đức Anh, là người đã hướng dẫn, động viên, khích lệ chàng thanh niên Lê Đức Anh tích cực tham gia cách mạng khi còn ở quê nhà. Cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng ở Thừa Thiên, nhiều đảng viên bị bắt, cầm tù. Thực hiện chủ trương của tổ chức đảng: “Tất cả đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tự thân di tản để bảo toàn lực lượng, khi có thời cơ thì tìm cách bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động cách mạng”, chàng thanh niên Lê Đức Anh đã bí mật rời khỏi làng, dấn thân vào hiểm nguy.

Tôi hình dung, đêm ấy chàng trai làng Lộc An bước đi trong bóng tối dọc bờ sông Truồi để tìm chỗ vượt qua sông. Đi mà không hẹn ngày trở lại, không biết được điều gì sẽ chờ mình ở quãng đời phía trước. Dòng sông ăm ắp nước về, lặng lờ trôi dịu dàng như mọi dòng sông ở xứ Huế này. Xa xa, bóng núi Truồi in thẫm trên nền trời. 15 năm sau, cuối năm 1953, lúc này đồng chí Lê Đức Anh cùng đoàn cán bộ từ Chiến khu Việt Bắc trở về Nam Bộ, đến Chiến khu Phú Lộc thì tình cờ gặp lại người em gái Lê Thị Xoan. Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bà Xoan lúc này mới biết anh trai mình còn sống, sau bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc. Đồng chí Lê Đức Anh trao cho em gái ít tiền công tác phí, bảo mua cho ba má ở nhà tấm vải may quần áo. Ông căn dặn bà Xoan giữ gìn sức khỏe, hoạt động công tác tốt; rồi tiếp tục theo đoàn hành quân vào phía trong. Theo hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà Xoan làm Bí thư Chi bộ làng Bàn Môn (xã Lộc An), bám trụ hoạt động ở quê nhà. Bà từng bị địch bắt, kết án và giam cầm 3 năm ở nhà lao Thừa Phủ…

leftcenterrightdel
Các học sinh Trường THCS Lộc An (Lộc An, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) hoạt động ngoại khóa ở Nhà Văn hóa - Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: HẦU VĂN TỶ

Trong căn nhà Đại tướng ở Lộc An, anh Lê Hữu Đức pha nước chè Truồi tiếp khách. Nước chè Truồi, quả dâu Truồi là những sản vật giản dị quê nhà được nhiều người biết đến. Vị nước chè ngọt, thanh, thoảng mùi thơm của đồng đất xứ Huế. Mọi người kể chuyện mỗi lần Đại tướng Lê Đức Anh về thăm quê, việc đầu tiên là xin được uống một bát nước chè Truồi. Chúng tôi nhìn ra phía trước, dòng sông Truồi êm đềm chảy. Sông bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, cho vị nước chè Truồi đằm thắm còn lưu mãi trong ký ức một vị Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước. Và chúng tôi biết, những truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của các vị nhân sĩ, trí thức, các đảng viên 1930 nơi đây đã ươm mầm, gieo hạt trong tâm trí chàng thanh niên Lê Đức Anh từ những năm xưa xa đó, đã thôi thúc anh lựa chọn và suốt đời đi theo, chiến đấu cho lý tưởng độc lập, tự do của Tổ quốc, trở thành một vị Đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, một vị Chủ tịch nước gánh vác trọng trách nặng nề và vinh quang của Tổ quốc, của dân tộc ta.

Chúng tôi viết những dòng này khi Đại tướng đã đi xa. Ngoài kia, sông Truồi vẫn đang mải miết chảy về phía biển nhưng đã lưu lại cho bãi bờ những giọt phù sa khiến ngàn cây tươi tốt. Hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh còn đọng lại mãi với người dân Lộc An nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

TRẦN HOÀI