QĐND - Thượng tướng Vũ Lăng (1921-1988), tên thật là Đỗ Đức Liêm, quê tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Các Quyết tử quân của Thủ đô năm xưa luôn kể về ông, hình ảnh một người chỉ huy có vóc dáng tầm thước, đẹp trai với đôi mắt sáng, áo quần bảnh bao, mái tóc chải chuốt và sành rượu như một công tử Hà thành hào hoa.

Ngày 14-1-1947, tại rạp hát Tố Như (ngày nay là rạp Chuông Vàng ở phố Hàng Bạc), Tiểu đoàn phó Vũ Lăng đã thay mặt các chiến sĩ Hà Nội làm lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ngày 6-2-1947, Vũ Lăng chỉ huy các chiến sĩ Tiểu đoàn 103 chiến đấu chống lại 5 lần tấn công của quân Pháp ở nhà Xô-va (phố Hàng Tre), buộc địch phải từ bỏ ý định đánh vào ngôi nhà này. Vũ Lăng là một chỉ huy rất mưu trí, gan dạ, dũng cảm; đồng thời là người nổi bật với bộ râu quai nón. Ông là nguyên mẫu của nhân vật Văn Việt trong tác phẩm "Sống mãi với Thủ đô’’ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vũ Lăng là vị tướng trận góp mặt trong nhiều chiến dịch lớn như: Tây Bắc, Lê Hồng Phong, Hà Nam Ninh, Sông Thao, Biên Giới... Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, đã lập chiến công vang dội trong tiến công đồi C1. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (năm 1974). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 do ông làm Tư lệnh nhận mũi nhọn đột kích chủ yếu theo hướng Tây Bắc, Đường 22, đồng thời thọc sâu đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của Quân đội ngụy tại Sài Gòn, đã góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vốn là vị tướng trận, tính nóng như “hổ lửa” nhưng Vũ Lăng là một vị tướng rất ham làm thơ. Những lá thư ông viết gửi vợ khi đi chiến dịch thể hiện tình cảm nồng nàn, sâu sắc đồng thời cũng cho thấy ở ông một tâm hồn rất lãng mạn. Thư gửi vợ ngày 22-2-1953, ông viết: “Gởi em cả mấy bông hoa đào hái ở một bản vắng một chiều hành quân. Những bông hoa nở trên hố bom, hố đại bác, hớn hở đón một mùa xuân chiến thắng, biểu hiện sức đấu tranh của dân tộc ta, mỗi ngày một mạnh lên, bom đạn của kẻ thù không thể nào ngăn cản nổi. Thôi khuya rồi. Chúc em ngủ ngon giấc. Kéo chăn len hồng lên tận má cho ấm nhé !... Hôn em”.
Còn trong lá thư đề ngày 17-6-1953, ông cho hay: “Hôm nay viết thư cho em trên dọc đường hành quân khi dừng lại nghỉ ở một bản trên đường. Trong mùi thơm ngát của hoa cau buổi sớm, nhớ đến nụ cười, đôi mắt, tiếng nói thân yêu của những ngày nào tháng 6 năm ngoái ở chợ Chu. Nhớ căn nhà lá xinh xinh bên dòng suối trong mát, những bữa cơm rau dền, những đêm trăng chênh chếch chiếu qua khung cửa sổ…”.

VÂN ĐÌNH