Vốn là vị tướng cả đời gắn bó với biên giới, hải đảo nhưng mang trong mình niềm đam mê âm nhạc, ông đã trở thành nhạc sĩ nhờ những nỗ lực tự học không ngừng.
Vợ ông, bà Phạm Nguyên Cường cho biết: Vũ Hiệp Bình quê ở Thanh Hóa nhưng lớn lên tại vùng đất mỏ Quảng Ninh. Thuở niên thiếu của ông rất vất vả, thiếu thốn. Khi còn bé, mẹ hay đi công tác nên thường gửi ông về bên ngoại. Lúc 6-7 tuổi, ông đã thường xuyên phải ở nhà một mình, tự kiếm củi để đun, chăn nuôi lợn, gà và tự lo cho mình, bữa đói, bữa no. Nhiều bữa nhà hết gạo phải ăn sắn triền miên nhưng cậu bé Bình vẫn say sưa chạy ra chân cột điện nghe chương trình ca nhạc từ loa phóng thanh của khu dân cư. Lên cấp II, ông học giỏi và bắt đầu mày mò tự học nhạc, thổi sáo. Nhập ngũ rồi trở thành sĩ quan quân đội, ông thường được phân công làm công tác tuyên huấn hoặc phụ trách công tác tuyên huấn cũng vì cấp trên thấy năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc ở ông. Tuy nhiên, với mỗi tài năng, năng khiếu chỉ chiếm 5%, còn lại là nỗ lực tự học hết mình. Ở Vũ Hiệp Bình, ông kiên trì tự học quên ngày tháng. Vợ ông kể: “Ông rất ít khi về nhà nhưng về đến nhà, ông vẫn cẩn thận ghi chép nắn nót từng nét nhạc. Để rèn luyện cách viết nhạc, ông chép đi chép lại nhiều bản nhạc mà ông tâm đắc. Việc học ngoại ngữ, ông cũng luôn có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép các đoạn văn hay hoặc những từ cần nhớ...”.
Mắc phải bạo bệnh và rời xa cõi tạm khi mới 60 tuổi nhưng Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình đã có một tập hợp tác phẩm thơ và nhạc khá dày dặn. Rất nhiều bài thơ, bài hát của ông vẫn được cất lên trong các chương trình văn nghệ chuyên nghiệp và không chuyên. Rất nhiều đồng đội, bạn thơ và khán giả vẫn luôn nhớ đến ông với tư cách một vị tướng đã nỗ lực tự học để trở thành nhạc sĩ được mọi người yêu quý.
SONG KHƯƠNG