Sáng đầu thu tiết trời trong lành mát mẻ, phố phường Hà Nội dịu êm và rực rỡ sắc màu. Tôi mang theo hứng khởi ấy đến Phòng 51, Trung tâm 586 (BTL 86). Trái ngược với cảnh sắc thơ mộng đầy âm thanh quyến luyến ngoài phố phường là hoạt động tĩnh lặng trong phòng làm việc chỉ có tiếng máy lạnh kêu rì rì và tiếng gõ bàn phím lách cách. Lúc này tôi thấy Thượng úy Trần Mạnh Đạt, Trợ lý phân tích thông tin mạng vươn người trên ghế như để lấy thêm năng lượng. Anh dụi mắt để xua đi sự căng thẳng sau thời gian dài tập trung cao độ, sau đó lại dán mắt vào màn hình tiếp tục công việc.

Tôi biết Đạt đã lâu, nhất là sau khi anh hoàn thành một đề tài công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hữu ích cho công việc và giành giải cao trong Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2022. Đề tài của anh có hiệu quả rất lớn vì sau khi ứng dụng cho phép trong 1-2 ngày có thể thống kê, tổng hợp hàng nghìn tài liệu trên KGM rồi cho ra các thông tin để tiến hành những bước tiếp theo thay vì mất hơn một tuần làm thủ công như trước đây. Nhìn cảnh đó, tôi không nỡ kéo một người say mê như anh ra khỏi công việc.

leftcenterrightdel

Những “chiến binh xuyên không” Viện 10, Bộ tư lệnh 86 thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không gian mạng. Ảnh: HOÀI THƯƠNG 

Gần đây, khi tham dự một hội thảo, tôi thu được khá nhiều thông tin bổ ích. Theo đó, từ lâu ở một số quốc gia trên thế giới đã xuất hiện các nhóm hacker tấn công vào hệ thống thông tin, kho dữ liệu, trang web và hệ thống quản lý, điều hành của tổ chức. Việc này rất nguy hiểm vì không chỉ khiến đối phương mất thông tin dữ liệu mà nghiêm trọng hơn là chiếm quyền kiểm soát, gây tê liệt hệ thống điều hành hoặc khiến dư luận hiểu sai lệch bản chất sự việc thông qua cấy ghép thông tin giả. Ví dụ, một nhóm có tên là Wizard Spider ở châu Âu đã tung ra phần mềm ransomware nhằm vào các tổ chức của Mỹ với cường độ cao gây ra nhiều hậu quả xấu. Thủ đoạn của chúng vô cùng đa dạng, tinh vi, trong đó nổi bật là gửi email có chứa các mã độc, hoặc đường dẫn độc hại đến đối phương. Trên tệp đính kèm gửi đi của chúng thường có chứa script (hướng dẫn thực hiện chỉ lệnh). Khi người dùng vô tình tải xuống sẽ bị các Trickbot, IcedID hoặc Cobalt Strike (tạm gọi là mã độc ẩn danh) xâm nhập, tạo chỗ đứng cho ransomware triển khai tấn công...

Thế nên, để bảo vệ hệ thống thông tin từ sớm, từ xa, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều tổ chức thành lập lực lượng tác chiến KGM. Họ có nhiệm vụ trinh sát, phát hiện những dấu hiệu của đối phương để từ đó tham mưu cho cấp trên có biện pháp phòng, chống, bảo vệ dữ liệu thông tin cũng như các trang web, phần mềm điều hành. Để làm được việc này, vấn đề là các “chiến binh xuyên không” phải thuần thục mọi kỹ năng nghiệp vụ để có thể tìm ra những “lỗ hổng”. Trong công việc đó, chỉ một chút bất cẩn để lộ là xôi hỏng bỏng không. Hoặc nếu bản lĩnh không tốt là có thể bị mua chuộc với giá trị lớn rồi trở thành tội đồ, kẻ phản bội.

Chia sẻ của những cán bộ, nhân viên ở BTL 86 mà tôi được tiếp xúc gần đây khiến tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Thượng tá, TS Bùi Công Thành, Phó trưởng phòng Phát triển phần mềm của Viện 10 (BTL 86) hồi tháng 5-2023. Anh Thành là Tiến sĩ CNTT và có nhiều năm kinh nghiệm, có chuyên môn giỏi. Anh bật mí, do tốc độ phát triển chóng mặt và nhu cầu nâng cấp dịch vụ CNTT, thông qua các mối quan hệ, nhiều tổ chức đã tìm đến các chuyên gia như anh để mời gọi về xây dựng hệ thống hoặc đặt hàng sản phẩm CNTT với thù lao gấp cả 5-7 lần lương tháng. Nếu không có bản lĩnh và tình yêu nghề nghiệp cũng như ý thức trách nhiệm cao với nhiệm vụ thì rất dễ bị xô ngã. Hiện nay, công việc của anh Thành và cộng sự hết sức vất vả, phải căng sức để vượt lên trước, xây dựng các phần mềm có tính chuyên biệt và bảo mật cao để tránh sự phá hoại của đối phương. Những lúc yêu cầu gấp, nhiều nhóm, nhiều bộ phận phải căng mình đánh trần với máy tính ở cường độ cao mới hoàn thành công việc đúng thời hạn cấp trên yêu cầu. Cũng vì công việc cao cả này mà nhiều đối tượng đã tìm cách câu nhử, môi giới, móc nối, mua chuộc để có được sản phẩm của các anh.

Chứng kiến những “chiến binh xuyên không” sống và làm việc, tôi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và nỗi lòng của họ. Bên cạnh áp lực công việc, họ phải căng mình chống đỡ chính là sự tác động ngoại cảnh. Tìm hiểu ở đơn vị, tôi biết được những câu chuyện điển hình. Nhiều người vợ thấy bạn cùng học với chồng có thu nhập cao, công việc không đầu tắt mặt tối, ít phải trực, ngày nghỉ thường xuyên đưa gia đình đi du lịch thì sinh so sánh, dẫn đến “cơm không lành, canh không ngọt”. Trước hiện tượng ấy, chỉ huy các cấp trong đơn vị phải tiến hành công tác tư tưởng, gặp gỡ, động viên, giải thích để những người vợ hiểu, thông cảm với nghề nghiệp đặc thù của chồng.

Cạnh đó, các “chiến binh xuyên không” cũng chịu những tác động từ nghề nghiệp. Có lần trò chuyện với Đại tá Nguyễn Ngọc Thăng, Chủ nhiệm Quân y của BTL 86 tôi mới nhìn thấy được những ảnh hưởng mà các chiến binh phải vượt qua. Theo nghiên cứu của anh Thăng, khi nhìn vào cán bộ, chiến sĩ của BTL 86 làm việc, ta chỉ nhận biết họ đang sử dụng máy vi tính giống như nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ mới thấy đó là công việc có tính chất vô cùng phức tạp, chẳng hề có định mức thời gian cũng như định hình khối lượng mà chỉ có thể khẳng định bằng hiệu quả. Việc ấy dễ gây ra những bệnh nghề nghiệp, dễ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng công tác.

Anh Thăng nhấn mạnh, lao động của những “chiến binh xuyên không” trong BTL 86 tuy không mệt mỏi về cơ bắp như cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ binh, các quân, binh chủng trong huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ, nhưng hoạt động của họ trên KGM dù là trinh sát, bảo vệ hay tấn công thì đều vất vả vì mất nhiều thời gian, cần bộ óc và tinh thần làm việc liên tục. Hiện nay, với trách nhiệm của mình, anh Thăng đã tư vấn, tham mưu cho chỉ huy và thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong BTL sử dụng các biện pháp bảo vệ bằng bảo hộ lao động, như khẩu trang lọc bụi, găng tay, nút tai, chụp tai chống ồn, kính, mũ, găng tay... Cách làm này phần nào giúp các “chiến binh xuyên không” tự bảo vệ mình để có sức khỏe, tinh thần tốt nhất trong tác chiến.

Nhiều lần trò chuyện với Đại tá Đỗ Xuân Thành, Chính trị viên Viện 10 (BTL 86) tôi thấy được những đặc trưng riêng của các “chiến binh xuyên không”. Theo đó, họ đa phần còn trẻ, rất đam mê công việc. Họ có thể ngồi làm việc nhiều giờ liên tục trước màn hình máy tính khi nhiệm vụ chưa hoàn thành. Thế nên, để “kéo” anh em ra khỏi công việc, anh và chỉ huy Viện đã tiến hành nhiều giải pháp. Dù đã hơn 50 tuổi, nhưng anh vẫn trực tiếp tham gia đội bóng đá, là “ngọn lửa” để duy trì phong trào tập luyện thể thao trong đơn vị. Ngoài ra, anh và chỉ huy Viện còn tổ chức các hoạt động rèn luyện thể lực khác phù hợp với không gian, thời tiết, đặc thù công việc, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Cách làm hiệu quả của Viện 10 cũng là cách mà nhiều cơ quan, đơn vị trong BTL 86 vận dụng và cho kết quả rất tích cực. Tôi nhớ mãi đến lời nhấn mạnh của Đại tá Đỗ Xuân Thành rằng, thông qua những hoạt động tập thể ấy giúp cho đơn vị xây dựng được mối đoàn kết gắn bó, đồng thời rèn luyện thể chất, tinh thần cho bộ đội bền bỉ, dẻo dai hơn.

Chuyển đổi số là xu thế trên toàn cầu, là chủ trương đúng đắn và được cả xã hội đồng tình thực hiện, trong đó có Quân đội. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng khiến con người phụ thuộc vào phương tiện máy tính và hệ thống cung cấp thông tin. Điều ấy khiến công tác bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là bảo đảm an toàn hệ thống chỉ huy, tác chiến ngày càng cao và phức tạp hơn. Nhiệm vụ khó khăn ấy đang từng ngày, từng giờ đè nặng trên đôi vai của những “chiến binh xuyên không” ở BTL 86.

Để phát huy hết tài năng, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của các “chiến binh xuyên không”, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước, Quân đội và các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đầu tư tốt hơn. Không chỉ là đầu tư về hạ tầng, phương tiện mà quan trọng hơn là nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng thu hút. Điều ấy sẽ giúp các “chiến binh xuyên không” yên tâm tư tưởng, chuyên tâm làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

MẠNH THẮNG