Đây là học viện có nhiệm vụ đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, cán bộ khoa học nghệ thuật quân sự đầu ngành của quân đội, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Theo Thiếu tướng Hoàng Đan, người được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Học viện cùng thời với đồng chí Lê Trọng Tấn thì bộ giao thời gian chuẩn bị để mở lớp đầu tiên là 6 tháng, nên những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của học viện phải “vắt chân lên cổ” để làm việc. Đồng chí Lê Trọng Tấn rất bận với công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu tính toán, xếp lịch mỗi tuần đồng chí chỉ có thể làm việc với học viện 1-2 buổi.

Vốn đã từng sát cánh bên nhau trong nhiều nhiệm vụ từ trước, đồng chí Lê Trọng Tấn nói với đồng chí Hoàng Đan: “Thời gian làm việc chính thức trong tuần không thể nhiều hơn, nhưng tôi sẽ dành phần lớn thời gian buổi tối để làm việc với anh. Không cần hẹn trước, khi cần làm việc, các buổi tối anh cứ đến. Nếu thấy tôi đang bận thì anh tự rút lui”.

Với cơ chế “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” như vậy, hai vị tướng đã phối hợp giải quyết rất nhiều công việc của một học viện lớn mới thành lập. Ngày 3-1-1977, Học viện Quân sự Cao cấp đã khai giảng khóa học đầu tiên, kịp tiến độ mà Bộ Quốc phòng giao, đáp ứng đòi hỏi công tác quân sự, quốc phòng của đất nước thời điểm đó. Do là học viện mới thành lập, học viên và giảng viên cùng trình độ, đồng chí Lê Trọng Tấn đề ra chủ trương dùng trí tuệ toàn quân để dạy học. Các đồng chí tướng lĩnh cấp cao nhất của quân đội trực tiếp soạn bài giảng và đứng lớp. Như đồng chí Văn Tiến Dũng giảng bài “Xây dựng lực lượng vũ trang”; đồng chí Lê Trọng Tấn giảng bài “Tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai”; đồng chí Hoàng Đan chỉ lên lớp bài duy nhất “Nghệ thuật chiến dịch”... Đồng chí Lê Trọng Tấn còn chỉ đạo đội ngũ giảng viên của học viện phải tranh thủ cả tri thức và kinh nghiệm của học viên để tự nâng cao trình độ của mình, từng bước nâng dần trình độ của đội ngũ giảng viên.

MAI VĂN MẪN (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Đan)