Đặc biệt, các trưởng thôn đều mang quân hàm. Họ được nhân dân, NLĐ quý trọng như những già làng và cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm.
Trưởng thôn của nông thôn mới
Chúng tôi may mắn được gặp Đại úy Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Chi bộ 3, Đội trưởng Đội 3 (Đoàn KT-QP 78) kiêm Trưởng thôn Ia Tri (xã Mô Rai) khi anh vừa đi họp ở xã về. May mắn vì hằng ngày công việc của đội, của thôn cuốn anh như một con thoi, muốn gặp anh phải chờ đến tối muộn hoặc ở các lô cao su, vườn cây của gia đình công nhân, NLĐ, nhân dân trong thôn. Để nguyên bộ quân phục nhuốm màu đất của vùng biên giới Mô Rai, Đại úy Nguyễn Văn Tiến vừa rót nước mời khách, vừa cho biết: Cuộc họp ở xã bàn nhiều nội dung mà thời gian tới chi ủy, chi bộ và cán bộ thôn Ia Tri phải triển khai thực hiện ngay, đặc biệt là các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo anh Tiến, hiện thôn Ia Tri đã đạt 16/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, mục tiêu Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 78 và UBND xã Mô Rai giao là phải hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2021. Trong 3 tiêu chí chưa hoàn thành thì việc xây dựng “Nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn” trong tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa” là điều mà anh lo lắng nhất, vì nguồn lực của xã và đơn vị có hạn. Đời sống của người dân, công nhân đang gặp khó khăn do giá các sản phẩm mủ cao su xuống thấp và ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Chỉ cần chi ủy, chi bộ, ban cán sự thôn có quyết tâm cao, kế hoạch, lộ trình cụ thể; cấp trên và hệ thống chính trị xã ủng hộ, giúp đỡ; nhân dân, công nhân và NLĐ đồng thuận thì tôi tin thôn Ia Tri sẽ hoàn thành mục tiêu này”, anh Tiến khẳng định.
    |
 |
Đại úy Nguyễn Văn Tiến làm mẫu cạo mủ cao su cho công nhân và người dân trong thôn Ia Tri (Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum) học tập, làm theo. |
Nhưng đó chưa phải điều làm chúng tôi ấn tượng nhất về người bí thư chi bộ, đội trưởng kiêm trưởng thôn này, câu chuyện của anh còn vượt ra ngoài thôn Ia Tri nhờ giới thiệu của Trung tá Nguyễn Chí Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 78: “Đại úy Nguyễn Văn Tiến là điển hình tiên tiến trong Phong trào Thi đua Quyết thắng của Binh đoàn 15 với nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và bằng khen, giấy khen các cấp trao tặng. Đặc biệt, năm 2018, anh còn được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng hai bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác, nhất là giúp làng Rẽ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Người dân ở xã Mô Rai gọi anh Tiến là trưởng thôn của nông thôn mới!”.
Câu chuyện của chúng tôi với anh Tiến rẽ sang làng Rẽ-làng có 100% người dân tộc Gia Rai sinh sống. Những năm trước đây, đồng bào sống chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác lạc hậu, nên nghèo đói quanh năm. Đại úy Nguyễn Văn Tiến đã huy động hàng nghìn ngày công hướng dẫn đồng bào trồng cây cao su, cây nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm thay đổi hoàn toàn nếp nghĩ, cách làm của người dân về phát triển kinh tế hộ gia đình. Hỗ trợ hơn 1.700 ngày công và kỹ thuật giúp đồng bào trồng, chăm sóc 7ha cao su tiểu điền, 1ha lúa nước, “10 vườn rau xanh” gắn kết. Đồng thời vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,3% và 100% trẻ em đến trường theo độ tuổi, bậc học.
Nhiều hộ không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn có kinh tế khá giả như gia đình ông: A Phích, A Tam, A Tiễu và bà Y Líp... Để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng của làng Rẽ, anh Tiến đã tổ chức các đợt dân vận dọn dẹp vệ sinh đường làng, trường học, nhà rông văn hóa. Xây dựng 920m đường bê tông nông thôn, lắp đặt 25 bóng đèn chiếu sáng, làm một sân bóng đá, hai sân bóng chuyền, một bảng tin, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. “Làng Rẽ có được như ngày hôm nay nhờ bộ đội Tiến cả đấy. Bà con làng mình biết ơn bộ đội Tiến và Đoàn KT-QP 78”, ông A Phích nói chắc nịch.
Trưởng thôn phát huy “sức mạnh đẩy thuyền”
Chúng tôi rời thôn Ia Tri đến thôn Ia Xoăn (xã Mô Rai) thì mặt trời cũng bắt đầu xuống núi, nhưng Đại úy QNCN Nguyễn Sỹ Cường, Bí thư Chi bộ 4, Đội trưởng Đội 4 (Đoàn KT-QP 78) kiêm trưởng thôn Ia Xoăn vẫn hẹn 20 phút nữa mới làm việc được. Anh còn bận tiếp công dân trong thôn, đây là thời điểm công nhân và người dân bỏ phân, mở miệng cạo để khai thác mủ cao su nên đội trưởng kiêm trưởng thôn như Đại úy QNCN Nguyễn Sỹ Cường rất bận rộn. Nhất là việc hướng dẫn, trợ giúp những công nhân, NLĐ mới vào làm việc cho đội và đến định cư ở thôn.
Chị Moo Thị Thanh, người dân tộc Khơ Mú, mới từ Nghệ An vào định cư ở thôn Ia Xoăn và làm công nhân cho Đội 4 từ năm 2019, nhưng chị xác định sẽ ở lại lâu dài với vùng đất này. Điều giữ chân chị Thanh là ngoài thu nhập ổn định gần 7 triệu đồng/tháng, còn có đội ngũ cán bộ thôn, xã luôn hết mình vì người dân và cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường của thôn đầy đủ, khang trang, con gái chị sẽ được học tập, phát triển bình thường như bao đứa trẻ ở vùng quê khác. Chị Thanh nước mắt rưng rưng nhớ lại: “Ngày tôi và con gái vào vùng đất này, tài sản có duy nhất một bộ quần áo trên người. Anh Cường nhận tôi về Đội 4 rồi bố trí nơi ăn ở, vận động mọi người hỗ trợ từ cái chăn, tấm áo, nồi nấu cơm, bát đĩa. Khó mà nói hết ân tình của trưởng thôn, lãnh đạo đơn vị và mọi người trong thôn. Đến bây giờ tôi vẫn chưa dám tin mình và con gái lại tìm thấy bến đỗ hạnh phúc ở vùng biên giới xa xôi như Mô Rai. Nhưng đó là sự thật, cuộc sống của mẹ con tôi đang tốt lên từng ngày”.
“Đảm nhiệm một lúc nhiều nhiệm vụ như vậy mà nhiệm vụ nào cũng như “làm dâu trăm họ”, anh thấy khó nhất ở điểm nào?”-Tôi hỏi Đại úy QNCN Nguyễn Sỹ Cường khi anh dành thời gian tiếp chúng tôi. Anh Cường trả lời ngay như thể đó là điều luôn thường trực, canh cánh trong anh. “Khó khăn thì nhiều lắm. Nhưng là cán bộ quân đội thì khó khăn nào cũng phải vượt qua. Vấn đề ở chỗ, mình phải có phương pháp làm việc khoa học để phát huy vai trò của tập thể chi ủy, chi bộ, ban cán sự thôn. Gần gũi và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, công nhân và NLĐ. Mọi việc trước khi triển khai thực hiện phải được dân chủ thảo luận, bàn bạc kỹ. Tôi chỉ là người cầm lái con thuyền, còn sức mạnh đẩy thuyền, lật thuyền là ở quần chúng nhân dân và NLĐ”, anh Cường chia sẻ.
Chia tay anh Cường thì trời đã tối mịt và thấy ai cũng thấm mệt, Trung tá Nguyễn Chí Kiên bàn với mọi người trong đoàn công tác: “Giờ mà đến thôn Ia Ho, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và thôn 4, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai chắc phải 24 giờ mới về đến nhà chỉ huy đơn vị”. Anh Kiên nói như vậy cũng có nghĩa là chuyến đi của chúng tôi đến các thôn có cán bộ của Đoàn KT-QP 78 làm trưởng thôn kết thúc. Ai cũng tiếc nuối vì không gặp được các trưởng thôn còn lại. Trung tá Nguyễn Chí Kiên biết điều đó và động viên anh em bằng cách kể những câu chuyện về các trưởng thôn mang quân hàm. Mỗi người một vẻ nhưng ai cũng hết mình vì việc công, lấy hạnh phúc, niềm vui của nhân dân, NLĐ làm động lực phấn đấu của mình.
Anh đồng nghiệp đi cùng tôi rất tâm đắc, đưa ra một nhận định: “Thế trận quốc phòng ở vùng biên giới của mình được củng cố vững chắc hơn nhờ những thôn, làng, cụm dân cư và những trưởng thôn mẫn cán như thế này đây”. Trung tá Nguyễn Chí Kiên khẳng định: “Các cụm, điểm dân cư dọc trên vành đai biên giới tỉnh Kon Tum là những làng, xã chiến đấu, mà ở đó mỗi công nhân, NLĐ là một chiến sĩ. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang tạo thành thế trận phòng thủ liên hoàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN