Đại tá Nguyễn Đình Khiêm, Chính ủy Sư đoàn 395 (Quân khu 3): Tư vấn nghề nghiệp đúng, trúng, hiệu quả

Đại tá Nguyễn Đình Khiêm

Những năm qua Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp học nghề cho hạ sĩ quan-binh sĩ (HSQ-BS) chuẩn bị xuất ngũ. Đơn vị thường xuyên lồng ghép nội dung này trong học tập chính trị, diễn đàn, tọa đàm và sinh hoạt của các tổ chức; phát huy hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin, bổ sung sách, báo, tạp chí liên quan đến lao động, việc làm trong thư viện, phòng Hồ Chí Minh để khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu, nghiên cứu. 

Mặt khác, ngay từ khi nhận quân, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là chỉ huy các đơn vị từ trung đội đến tiểu đoàn chủ động rà soát, nắm chắc tình hình tư tưởng, sở trường, sở đoản, năng lực, phẩm chất đạo đức, sức khỏe, điều kiện kinh tế gia đình của từng HSQ-BS. Đồng thời, tiến hành phân loại chiến sĩ từng địa phương, từng khu vực để thuận lợi cho các trường dạy nghề đến giới thiệu học nghề. 

Trước khi HSQ-BS chuẩn bị xuất ngũ, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các trường, cơ sở dạy nghề để trao đổi kinh nghiệm, xác định kế hoạch, lựa chọn cán bộ, giáo viên đến đơn vị để tư vấn trực tiếp cho bộ đội. Thông qua đó nắm chắc số lượng, chất lượng, hiệu quả của việc tư vấn, đào tạo của năm trước để kịp thời rút kinh nghiệm. Chính từ cách làm hiệu quả trên, trong những năm qua việc tư vấn, định hướng học nghề, tìm việc làm cho HSQ-BS chuẩn bị xuất ngũ ở Sư đoàn 395 luôn đúng, trúng với tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, đạt hiệu quả thiết thực.

* Đại tá Đinh Công Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình: Nắm chắc nguyện vọng của bộ đội xuất ngũ

Đại tá Đinh Công Thanh

Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN) của tỉnh Ninh Bình có nhiều thuận lợi, song cũng gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do công tác đón nhận, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho BĐXN còn chậm, thiếu đồng bộ nên chưa thực sự thu hút đông đảo sự tham gia. Bên cạnh đó, tiêu chí tuyển dụng của một số công ty, doanh nghiệp yêu cầu cao, vì vậy cơ hội việc làm cho BĐXN còn hạn chế.

Trước thực trạng đó, tổ khảo sát gồm lãnh đạo UBND cấp huyện, đại diện các phòng, ban, ngành... được thành lập để tìm hiểu nhu cầu học nghề, tìm việc làm của BĐXN. Tổ khảo sát liên hệ với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, công ty xem xét cụ thể về số lượng, tiêu chuẩn tuyển dụng, các chế độ ưu đãi đối với BĐXN trước khi ký kết hợp đồng...

Sau khi có kết quả khảo sát, các cơ quan tổng hợp báo cáo kết quả, tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện lên cấp trên. Quá trình thực hiện đều có sự cam kết, thống nhất sơ bộ trước khi tổ chức lễ đón nhận, tư vấn việc làm, vì vậy đã tạo hiệu quả thiết thực ngay sau khi các địa phương tổ chức buổi lễ. Với cách làm này, trong đợt đầu của năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn cho 1.279 đồng chí. Ngay tại buổi tư vấn, đã có 486 trường hợp đăng ký học nghề, 99 trường hợp tìm được việc làm và 149 người đăng ký đi xuất khẩu lao động.

* Ông Lê Hải Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Khoái Châu (Hưng Yên): Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Lê Hải Nam

Những năm qua, công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho BĐXN của huyện Khoái Châu tuy đạt được nhiều kết quả song vẫn còn những khó khăn, bất cập. Chính quyền địa phương chưa nắm được chính xác số lượng BĐXN đi học các trường nghề và có việc làm.

Để giải quyết thực trạng này, thời gian tới, các cơ quan chức năng của huyện cần đẩy mạnh hoạt động thông tin cơ sở, tuyên truyền chế độ, chính sách đối với thanh niên và gia đình có con em tại ngũ, niêm yết công khai quyền lợi của BĐXN. Đây còn là công tác chính sách hậu phương quân đội. BĐXN hiểu được quyền lợi của mình sẽ chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện chính sách tốt hơn.

* Thượng tá Vũ Đăng Khoa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kim Thành (Hải Dương): Đào tạo nghề sát với nhu cầu xã hội

Thượng tá Vũ Đăng Khoa.

Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã có công văn chỉ đạo về đón nhận, gặp mặt BĐXN, kết hợp với tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm. Theo đó, chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện thành lập các tổ khảo sát, gồm lãnh đạo UBND cấp huyện, đại diện các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo nghề, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để tư vấn, hướng nghiệp nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho BĐXN có việc làm ngay trên chính địa phương mình.

Thực tế hiện nay, một số trường dạy nghề chưa đa dạng ngành đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo thiếu đồng bộ, chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động nên khó thu hút thanh niên nói chung và BĐXN nói riêng. Qua rà soát thống kê, toàn huyện Kim Thành hằng năm đều có 100% BĐXN được tư vấn học nghề. Thế nhưng, số BĐXN đăng ký học nghề lại rất ít, cụ thể là: Năm 2018 có 22/186 BĐXN, tỷ lệ 11,83%; năm 2019 có 15/159, tỷ lệ 9,43%; năm 2020 có 20/151, tỷ lệ 13,25%. Phần lớn BĐXN nộp hồ sơ vào tuyển dụng lao động phổ thông ở các khu công nghiệp trên địa bàn như: Lai Vu, Phú Thái, Đông Tài, Nam Tài...

Để tránh tình trạng trên, các cơ sở, trường đào tạo nghề nên khảo sát, phát phiếu thăm dò nhu cầu của quân nhân chuẩn bị xuất ngũ để có kế hoạch hướng nghiệp sát với thực tế thị trường lao động đang cần. Điều đặc biệt, đừng để “thẻ học nghề” của BĐXN đặt trong tủ làm kỷ niệm hoặc dùng vào mục đích khác, gây thất thoát tiền của Nhà nước.