QĐND - Khi kể về hướng tiến công “Duyên hải” giữa tháng 4-1975,  Cố Thượng tướng Nguyễn Hữu An (nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) từng nhắc lại những ngày “thần tốc” của Quân đoàn 2 thọc sâu trên Quốc lộ 1, đoạn Phan Rang - Phan Thiết.  Khi đó ông là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2, nhiều khi tự ông lái xe chỉ huy và đốc chiến.

Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An cùng Chính ủy  Lê Linh kiểm tra đội hình Lữ đoàn Xe tăng 203 trước Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Sáng sớm 16 tháng 4, Tư lệnh Nguyễn Hữu An lệnh Trung đoàn bộ binh 101 (Sư đoàn 325) và Tiểu đoàn TTG4 thuộc Lữ đoàn 203 xuất phát, tiến công trong hành tiến, phá vỡ tuyến phòng thủ Du-Long, Ba Tháp… Trời còn mù, xe tăng bật cả đèn pha tiến đánh, đè bẹp các mục tiêu. Máy bay A-37, F-5 lao đến ném bom, đánh chặn. Tuyến Quốc lộ 1 độc đạo, xe tăng ta bị trúng bom, lật nghiêng, một vài xe mất sức chiến đấu, nhưng mũi thọc sâu khối 1 vẫn tiến công tốc độ cao, chỉ sau 2 giờ, cùng với lực lượng bộ binh, Sư đoàn 3 đánh bóc vỏ trước đó làm chủ chiến trường. Nút chặn Phan Rang thất thủ. Lúc này, ông luôn có mặt trong Khối 1 đi đầu.

Chiều hôm ấy, Thiếu tướng Tư lệnh Nguyễn Hữu An tự lái 1 xe Gaz-66 quay lại hướng Nha Trang kiểm tra và đốc chiến Khối 2 bắt đầu hành tiến. Đi trước ông là một xe Zeep còn nguyên máy thông tin do tốp vệ binh tiền trạm. Đường đêm, gặp mưa, ông không đi nhanh. Bỗng nghe tiếng nổ lốp bốp, ông ngớt ga, tắt đèn, thì biết xe bị đạn bộ binh bắn thẳng. Tàn binh? Ông vọt ga thốc xe lên phía trước. Xe bị đạn, nổ vỡ lốp ỳ máy, khó điều khiển. Có một lốp dự phòng, nhưng không thể thay vì đêm tối, lại mưa trơn. Cứ thế chiếc xe chạy bằng ba bánh, một la-zăng lết về phía trước. Nửa đêm, tốp vệ binh quay lại hỗ trợ, rồi gần sáng xe ông lái cũng tới Ba Ngòi. Sau khi nghe báo cáo, ông kiểm tra, giao nhiệm vụ cho Khối 2 tiến công thọc sâu về Rừng Lá chờ lệnh. Ngay sau đó, ông tức tốc trở lại Khối 1, sáng chỉ huy đánh tiếp. Lúc này, mũi thọc sâu đi đầu đã tiến đánh sát tới khu vực Cà Ná.

Đêm 17 tháng 4, phía Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cho 1 đại đội biệt kích đổ quân lên bờ biển Tuy Phong, Đông Bắc Phan Thiết để hội quân với tàn quân Lữ đoàn dù 3, khoảng 250 lính do Đại tá ngụy Nguyễn Thu Lương làm lữ trưởng, đang tan tác tại tọa độ núi Gio. Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã lệnh ngay cho trinh sát Sư đoàn 325 tổ chức lùng sục, vây bắt. Tin báo về sau hơn 1 giờ, toàn bộ đại đội biệt kích bị chiến sĩ Sư đoàn 325 tấn công bắt gọn.

Lại nói đến đội quân dù “yêng hùng” của Đại tá dù Nguyễn Thu Lương, trước đó họ đã bỏ cả hai tướng là Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang, cùng một cố vấn Mỹ để tìm đường ra biển, xuôi Nam. Theo hồi ký của “Quân dù hải ngoại”, 6 giờ sáng ngày 17 tháng 4, Đại tá Lương trả lời bộ đàm, gọi từ trực thăng: “Mấy ông Tướng đã thất lạc từ đêm hôm qua, tại khu rừng mía, để về đến nơi tôi sẽ trình bày chi tiết”... Mười lăm phút sau, từ trên phi cơ truyền xuống lệnh của Tư lệnh Quân đoàn III (tướng Nguyễn Văn Toàn): “207 phải trở lại kiếm hai ông Three Stars Nectar và One Star Sierra; nếu không thi hành khi về sẽ ra tòa án quân sự và sẽ không còn 3 bông mai bạc!!!”.

Cũng trong ngày 17, tàu chiến VNCH từ ngoài khơi Tuy Phong đã cơ động vào gần, bắn pháo chi viện cho đại đội biệt kích nam núi Gio và ngăn chặn mũi hành tiến của quân đoàn. Phân đội xe tăng bơi K63-85 thuộc Lữ 203 đã được lệnh bắn trả. Chỉ sau vài loạt đạn nổ đanh, một tàu chiến bị bắn cháy, một chiếc bị thương. Một số lính thủy quân lục chiến bơi liều chết vào bờ bị ta bắt giữ và phóng thích ngay. Ngày 18-4, tại khu vực ven biển, đối diện với Nhà máy nước suối Vĩnh Hảo, Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã dừng xe, quan sát, thấy hàng chục tàu chiến nằm trong tầm sát thương pháo chiến dịch. Ông lệnh cho Khối 2 vừa tới, sử dụng pháo Đ-74 và pháo tầm xa 130mm (Lữ đoàn Pháo binh 164) hạ càng ngay ven đường ngắm bắn. Những làn đạn cầu vồng đã nhanh chóng chỉnh chuẩn, 3 tàu chiến trúng đạn. Những tàu khác vội dạt ra xa tầm hỏa lực.

Nhiều giờ sau đó, mũi tiến công thọc sâu ban ngày với tốc độ cao tiến về Phan Thiết. Trên không, máy bay ném bom A-37, tiêm kích F-5E gầm rú, lao xuống bắn rốc-két, chặn đội hình hành tiến theo hàng dọc. Đã có lệnh của cấp trên, Sư đoàn 673 triển khai cao xạ 37mm, tên lửa A-72 chặn đánh, phòng không lập công bắn rơi 2 chiếc F-5E. Là máy bay “phản lực siêu thanh”, chỗ dựa tin cậy cho bộ binh VNCH, 2 chiếc F-5E nổ tung giữa ban ngày, sự thiệt hại về phi cơ nhỏ hơn rất nhiều về tâm lý thất bại. Những hồi ký của binh sĩ “địa phương quân” Phan Thiết sau này mô tả, tinh thần chiến đấu của binh lính đã “xuống tận mắt cá chân”.

Trưa 18-4-1975, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 đã tập kết ở Hòa Ða. Đêm ấy, với uy lực mạnh, tốc độ hành tiến cao, Quân đoàn 2 đã tiến vào phối hợp với lực lượng địa phương tiến công các mục tiêu, Phan Thiết được giải phóng.

Đầu năm 1995, Thượng tướng Nguyễn Hữu An kể lại, với sức đột kích xe tăng mạnh, hỏa lực pháo binh, phòng không đi cùng triển khai rất nhanh, để lại trong ông niềm tin về sức mạnh đột kích quy mô cấp quân đoàn. Ông khẳng định, với tốc độ tiến công cỡ 70km một ngày đêm, như những ngày từ Ba Ngòi (Cam Ranh) tiến đánh tới Hàm Tân,  Quân đoàn 2 đã vào sớm Sài Gòn.

TRẦN DANH BẢNG