Đào Văn Sử là bạn thân của tôi. Tôi biết anh từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước. Khi đó anh là một nhà báo nổi tiếng, đang công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Sau này, anh là Trưởng ban đại diện phía Nam Báo Quân đội nhân dân (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh), còn tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đào Văn Sử cùng trang lứa với tôi, nhập ngũ năm 1974. Sau chiến tranh, năm 1975, anh tiếp tục làm lính gỡ phá bom mìn dọc chiến trường xưa khốc liệt tại Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, rồi Quảng Nam, Đà Nẵng. Và như thế, đối với anh, cuộc chiến tranh đâu phải đã tắt. Anh vẫn có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chính đời sống quân ngũ và những năm tháng gian nan vào sinh ra tử đã đào luyện anh thành một chiến sĩ, nghệ sĩ đa tài. Anh viết báo, tung hoành nhiều thể loại: Bút ký, bình luận, tiểu phẩm, phóng sự điều tra... Rồi anh chụp ảnh, làm thơ, soạn nhạc. Ở lĩnh vực nào, anh cũng có đóng góp, được các đồng nghiệp và giới chuyên môn đánh giá cao. Đào Văn Sử từng được Giải thưởng Báo chí toàn quốc, rồi giải thưởng nhiếp ảnh và giải thưởng âm nhạc. Nhiều ca khúc của anh viết cho thiếu nhi, viết về đời sống chiến sĩ được lưu giữ trong kho âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ca khúc của anh vẫn có mặt trong các chương trình phát thanh, truyền hình. Một người mà làm được từng ấy việc, kể cũng hiếm lắm!
    |
 |
Bìa tập thơ Sợi tơ trời. Ảnh: Bằng Hữu |
“Sợi tơ trời” là thơ-phần làm thêm của anh. Đây không phải sở trường của Đào Văn Sử. Nhưng nó cũng bổ sung cho ta hiểu thêm về anh, một người lính, một nghệ sĩ đa tài, với một tâm hồn phong phú, đa dạng. Đào Văn Sử luôn gắn bó, tận tâm với đời sống chiến sĩ. Hãy nghe anh kể về một người lính Trường Sa:
Tôi chụp tặng anh tấm ảnh
Đứng bên cột mốc chủ quyền
Súng thép chạm vành mũ sắt
Da ngăm mắt sáng hồn nhiên
Quê anh vùng sâu Đồng Tháp
Sình lầy lũ lụt tràn qua
Mẹ cha dầm mình cày cuốc
Nước phèn cứa nứt làn da
Anh cùng đồng đội giữ đảo
Chẳng giữ gì riêng cho mình…
Đọc Đào Văn Sử, biết anh đi nhiều, lại là người đa cảm. Anh luôn day dứt, rung động trước nỗi đau của những kiếp người. Đặc biệt là những người lính, những em bé bị di chứng chất độc da cam và những bà mẹ liệt sĩ chân chậm, mắt mờ. Mẹ chỉ “Mong con về lúc chiêm bao”. Giờ đây, mẹ chỉ còn biết nương nhờ vào giấc chiêm bao mới hy vọng được đoàn tụ bên con:
Run run tay mẹ nhăn nheo
Khói nhang hiu hắt lượn theo dáng còng
Đêm đêm tha thẩn mẹ mong
Chiêm bao con gọi… nhẹ lòng, tịnh tâm!
Thơ của Đào Văn Sử là vậy. Giản dị, hồn nhiên. Có cảm giác như anh không hề làm thơ. Anh cứ để cho cuộc sống tươi rói hòa quyện với lòng mình rồi ùa qua ngòi bút mà xuống trang giấy.
Và cảm động nhất trong tập thơ này là những bài thơ anh viết về bố mẹ, vợ con. Đây là bà mẹ anh:
Miếng ngon, áo ấm, lời hay
Nhường cho con… nhận đắng cay về mình!
Con chưa báo đáp ân tình
Nay Cha Mẹ chỉ còn… hình bóng thôi!...
Những câu thơ như thế, dù thời nào cũng cứa được vào lòng người đọc. Nó sẽ không bao giờ cũ, dù chẳng cần sặc sỡ hay câu chữ lòe loẹt, hoa hòe hoa sói…
    |
 |
Đại tá Đào Văn Sử (hàng đầu, ngồi giữa) trong một lần đi sáng tác về đề tài biển đảo. Ảnh: Bằng Hữu |
Tôi cũng có thể trích thêm nhiều câu thơ khá cảm động của Đào Văn Sử về các liệt sĩ khuyết danh, về những số phận bất hạnh, khốn khó mà anh chớp được dọc đường. Rồi những câu thơ về vợ, về con, về bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng, tôi đã không làm thế. Tôi sợ trong cõi đời bận rộn, hối hả này, các quý vị sẽ chỉ đọc những câu thơ tôi trích, mà lại bỏ qua những câu khác cũng rất đáng đọc của anh.
Tất nhiên, cũng như nhiều nhà thơ khác, bên cạnh bài hay, câu hay, tập thơ cũng có bài nhạt. Điều đó cũng là thường tình. Tôi nói vậy, không phải để mong bạn đọc cảm thông với ông bạn nghệ sĩ của tôi. Mà đấy là lẽ đời.
Cứ coi đây là bữa tiệc thịnh soạn mà ông bạn vàng của tôi-nghệ sĩ Đào Văn Sử-thết đãi chúng ta. Ở đây có rượu mạnh, có sơn hào hải vị nhưng cũng có cả nước lọc…để… dã rượu!
Âu đó cũng là cái khéo của chủ nhà. Có phải thế không?
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA