Sáng thứ hai đầu tuần, qua điện thoại, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ hướng dẫn tôi rành rọt, dễ hiểu: “Địa chỉ nhà tôi như sau, nhà số 3, ngõ 48, phố Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân (Hà Nội). Anh ghi được chưa? Giờ tôi chỉ đường cho anh nhé. Anh đến Ngã Tư Sở, vào đường Trường Chinh, đi độ 50m thì rẽ phải vào đường Vương Thừa Vũ… Nhà tôi là nhà cấp 4, có vườn cây nhỏ trước sân nhà…”.
Thiếu tướng Nguyễn Quỳ đón tôi ở phòng khách. Căn phòng rộng chừng 15m2. Từ cửa bước vào, phía bên trái là hai kệ sách lớn xếp dọc theo bức tường, mỗi kệ có 7 tầng. Bên cạnh là bộ bàn ghế cũ đã sờn màu. Người nhà ông cho biết, ông thích đọc sách vô cùng. Cứ khi nào có thời gian là ông lại chiếu đèn pin để đọc sách.
    |
 |
Thiếu tướng Nguyễn Quỳ soi đèn đọc sách. |
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Quỳ, nguyên là Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự. Đã gần 60 năm kể từ khi ông bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu của quân đội ta. Khi nhắc tới những ngày tháng thuở thiếu thời, ông không khỏi phấn chấn, kể: “Tôi quê Phù Mỹ, Bình Định. Đó là năm học 1944-1945, tôi học một trường THCS của Pháp ở Quy Nhơn, ăn ở luôn trong ký túc xá của trường. Học sinh các tỉnh từ Quảng Nam cho tới Bình Thuận đều học ở đây. Bên cạnh phòng tôi ở là phòng của ông giáo vụ Nguyễn Xuân Trâm. Ổng thường nhờ tôi chép bản thảo cuốn sách kịch-thơ “Lam Sơn tụ nghĩa”. Khi chép, ổng thấy tôi thích nên giải thích về vấn đề trong bản thảo, chủ yếu xoay quanh vấn đề yêu nước. Ngoài sách này, ổng còn làm vở kịch-thơ có tên “Hiệp sĩ hạ sơn”. Bài thơ cổ vũ lòng yêu nước rất mạnh trong chúng tôi. Giờ tôi vẫn còn nhớ rõ”.
Rồi không đợi được hỏi, ông đọc luôn một làu, giọng sang sảng: Tôi là kẻ lên non từ thuở bé/ Tìm tôn sư để học phép kiếm cung/ Tập sống thanh cao thử dạ anh hùng/ Nay tôi nguyện bước lên đường hiệp sĩ/ Lấy nhân nghĩa tôi thề cao chí khí/ Sẽ luôn luôn vì Tổ quốc hết lòng/ Giữ đạo làm người hiếu đễ tín trung/ Thà một chết chứ không thà nô lệ/ Vì nhân nghĩa tôi hy sinh tất cả/ Đường thênh thang tôi rong ruổi vó câu/ Vũ trụ bao la thượng đế nhiệm màu/ Xin chứng giám lời thành tôi đã hứa.
Có lẽ chính những vở kịch thơ đó ảnh hưởng sâu sắc vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Quỳ. Tết Âm lịch năm 1945, do không mua được vé tàu về nên Nguyễn Quỳ ở lại ký túc xá. Thấy cậu trò nhỏ rất tích cực trong học tập, lại bộc lộ tinh thần yêu nước, ông Nguyễn Xuân Trâm gọi Nguyễn Quỳ vào phòng riêng, mời ăn bánh ngọt, nói: “Ở ngoài Bắc có chiến khu Việt Minh và đang chuẩn bị để đánh đổ người Pháp. Nhưng cái này là bí mật, em không được nói với ai cả”.
“Hóa ra ông Trâm là đảng viên. Chắc ổng nhìn thấy tôi tích cực trong việc này.”-Thiếu tướng Nguyễn Quỳ kể trong sự hào hứng.
Từ đó ông Nguyễn Xuân Trâm nói dần cho Nguyễn Quỳ về Việt Minh và phong trào yêu nước. Nguyễn Quỳ hiểu ra thêm nhiều chuyện.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, nhiều học sinh bỏ về vì sợ. Lớp của Nguyễn Quỳ có 50 người thì chỉ còn 10 người bám trụ, ký túc xá trở nên hoang vắng. “Phát xít Nhật thay hiệu trưởng người Pháp bằng hiệu trưởng người Việt, đưa các tù chính trị ở Buôn Ma Thuột và Lao Bảo tập hợp về ký túc xá của trường. Mà tù chính trị thì đều là những người yêu nước cả, trong đó phần đông là tù cộng sản. Mấy ông đó lại đọc cho tôi thơ Tố Hữu, như: Lao Bảo, Tiếng hát sông Hương, Đời thợ... Rồi các ông đó phân biệt cho tôi hiểu cộng sản là như thế nào, về phong trào yêu nước trước của ta như của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Tôi như được giác ngộ”-ông nói.
Học xong, tháng 6-1945, Nguyễn Quỳ về Phù Mỹ nghỉ hè. Đến ngày tổng khởi nghĩa, ông tham gia ngay. Lúc này Nguyễn Quỳ 15 tuổi. Sau ngày này, ngôi trường ông theo học dời địa điểm. Do có khả năng hoạt động tốt, Nguyễn Quỳ được tiến cử làm trưởng ban tuyên truyền kháng chiến của nhà trường, rồi được chi bộ địa phương kết nạp Đảng. Toàn trường có hai người được vinh dự trên, trong đó có Nguyễn Quỳ.
Đến năm học 1946-1947, Nguyễn Quỳ tiếp tục ra học chuyên khoa ở Trường Lê Khiết, Quảng Ngãi. Vừa vào năm học chưa được bao lâu thì trường phải đóng cửa. Do hoạt động tốt, Nguyễn Quỳ được Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đưa về làm thư ký, giúp việc trực tiếp. Sau đó ở Bình Định lại có trường đệ nhị chuyên khoa, ông lại được cho đi học tiếp. Học xong, ông được cử về làm giáo viên của trường THCS ở huyện An Nhơn. Ông nhớ lại: “Lúc bấy giờ, ông Phó bí thư tỉnh ủy là người Bình Định, biết tôi có khả năng công tác tốt nên cho thành lập chi bộ, ổng chỉ định tôi làm bí thư chi bộ. Trường có tổ gián điệp của Pháp hoạt động, rủ người Việt trốn theo Pháp. Chúng tôi đã tổ chức với công an huyện bắt lỏng được tất cả. Nhà trường từ đó ổn định”.
Tháng 8-1953, Nguyễn Quỳ được Sở Giáo dục Liên khu 5 đưa ra Bắc đào tạo cấp 3. Cả đoàn gồm 18 người, đi dọc theo đường Trường Sơn, đến tháng 11 thì ra tới Tuyên Quang. Nguyễn Quỳ theo khoa học tự nhiên nên học tại khu học xá của ta đóng ở Nam Ninh, Trung Quốc. Từ Tuyên Quang, đoàn đi tới Bằng Tường, sau đó có xe chở về Nam Ninh.
Tại Nam Ninh, Nguyễn Quỳ học mới được 8 tháng thì Hiệp định Geneve được ký. Nhà nước cử 15 người sang Đức để nghiên cứu chuyên ngành hóa học, trong đó có Nguyễn Quỳ. Nguyễn Quỳ học tích cực ở Đức, hè cũng không chịu về. Ông quan niệm: Về làm gì, mất thời gian, lại tốn tiền!
Kết thúc khóa học hết 5 năm rưỡi. Đúng lúc này, Bộ Giáo dục gửi giấy sang tìm người ở lại làm nghiên cứu sinh, Nguyễn Quỳ được ở lại tiếp tục học. Về nước năm 1963, ông công tác tại Cục Nghiên cứu kỹ thuật, tiền thân của Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng. Suốt những năm tháng cống hiến trong quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ say sưa nghiên cứu khoa học. Ông đã công bố trên 20 công trình khoa học. Trong đó có thể kể đến các công trình nghiên cứu như sản xuất chất phát sáng lạnh, phục vụ ban đêm cho quân đội, chế tạo một số vật liệu và dụng cụ phục vụ Binh chủng Đặc công, như: Ngòi điện hóa, vật liệu ngụy trang, thuốc nổ lỏng…
Khi về hưu, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ vẫn không ngừng học. Ông nghiên cứu thêm về khoa học chính trị, tìm hiểu sâu hơn nữa về học thuyết Mác bằng các thứ tiếng Việt, Đức, Pháp. “Tôi mất 5 năm để nghiên cứu các tài liệu về vấn đề này”-ông cho biết.
Ngoài nghiên cứu khoa học chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ còn tìm hiểu về y học. Điều này bắt nguồn từ một kỷ niệm về người anh họ của vợ ông, Đại tá, GS, TS, bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Quân y. Ông nhớ lại: “Khi tôi đã nghỉ hưu, anh Ấm có đến thăm. Tôi bèn hỏi: Anh khuyên tôi bây giờ nên học thêm gì?”.
- Tớ khuyên cậu học ngay ngành y. Mà học nghiêm túc, có thầy dạy cẩn thận.
- Vì sao phải học y?
- Để hiểu mình, tự chữa bệnh cho mình và cả gia đình nữa.
Thế là Thiếu tướng Nguyễn Quỳ tham gia học y ở CLB Thăng Long sáng thứ 6 hàng tuần. Buổi học kéo dài 2 tiếng do các nhà khoa học ở Học viện Quân y và Trường Đại học Y Hà Nội đứng lớp. “Một giáo trình kéo dài 3 năm. Tôi học 4 lần cái 3 năm đó, học đi học lại để nắm chắc, đồng thời mua thêm sách ngành y để học. Nhờ đó tôi hiểu hơn về ngành y. Từ đó giải quyết vấn đề sức khỏe của tôi và bà vợ tốt, có kết quả. Học cái này rất hay, hay mà khó đấy!”-Thiếu tướng Nguyễn Quỳ quả quyết.
Ngoài nghiên cứu triết học, y học, ông còn nghiên cứu cả Phật học, vì theo ông, nghiên cứu khoa học chính trị để cải tạo xã hội, còn nghiên cứu Phật học để cải tạo con người. Dẫn tôi ra kệ sách, ông chỉ cho tôi xem những cuốn sách mà ông đang nghiên cứu. Trên kệ sách này, chỉ nhìn thoáng qua, ông đã đọc vanh vách tên của từng cuốn khiến tôi thầm kinh ngạc.
Đã quá trưa, Thiếu tướng Nguyễn Quỳ vẫn say sưa chia sẻ cho tôi về những kiến thức ông đúc rút được. Tôi không nỡ dứt ra khỏi sự tâm huyết, say mê khoa học của ông. Ngoài thềm, nắng thu đong đầy…
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT